Mới chỉ 13,5% người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số

07:09, 09/08/2024

Mặc dù tỷ lệ dân số trưởng thành ở Việt Nam có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đã tăng trong những năm qua nhưng còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra đạt trên 50% vào năm 2025...

Ảnh minh họa

Theo báo cáo chuyển đổi số tháng 7/2024 công bố mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực của Việt Nam so với năm trước, đạt được kết quả ấn tượng. Đơn cử như du lịch trực tuyến tăng 82%; thanh toán số tăng 19% đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á; thương mại điện tử tăng 11%.

Sau hơn 4 năm phát động chuyển đổi số, tỷ lệ cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số đạt 100%.

Thống kê, đến nay, đã có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020) với 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động.

Hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020) với 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động.

Về phát triển xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần 4 lần trong 4 năm) với tổng cộng có khoảng 7,45 triệu chữ ký số.

Tuy nhiên, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử chưa đạt mức mục tiêu 50%.

Theo Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 đặt mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đặt trên 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Về phát triển công dân số, Bộ Công an đã cấp số định danh cho 100% công dân, cấp trên 86,3 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân có đủ điều kiện trên toàn quốc. Đặc biệt, ngày 1/7/2024, Bộ Công an đã phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023, trao thẻ căn cước/giấy chứng nhận căn cước cho 10 công dân (theo độ tuổi từ 0-6 tuổi, từ 6-14 tuổi và trên 14 tuổi).

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, ước tính 6 tháng gần đây, Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 11 toàn cầu về số lượng lượt tải ứng dụng di động và thứ 31 toàn cầu về doanh thu thanh toán qua ứng dụng.

Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 11 toàn cầu về số lượng lượt tải ứng dụng di động và thứ 31 toàn cầu về doanh thu thanh toán qua ứng dụng.

Mặc dù việc tải xuống các ứng dụng miễn phí giảm, nhưng Việt Nam lại ghi nhận xu hướng gia tăng tải xuống các ứng dụng trả phí với số liệu tăng trưởng tăng 11% so với cùng kỳ 6 tháng trước.

Thống kê cho thấy có 7 ứng dụng Việt Nam có trên 10 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 18,92% số ứng dụng thuộc nhóm này); 10 ứng dụng có từ 5-10 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 23,81% số lượng ứng dụng nhóm này) và 43 ứng dụng có từ 1-5 triệu tài khoản người dùng hoạt động thường xuyên (chiếm 24,02% số lượng ứng dụng nhóm này).

Để phát triển kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ/ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ thúc đẩy số hóa các ngành kinh tế theo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ban hành kèm theo Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS ngày 19/4/2024. Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức các hội nghị thúc đẩy số hóa ngành, lĩnh vực; trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch số hóa ngành, lĩnh vực và tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt.

Các địa phương thực hiện các chính sách thúc đẩy, tăng cường sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử, y tế điện tử, học bạ điện tử…

Cùng với đó các tỉnh cử đầu mối tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để đảm bảo tích hợp giải pháp ký số từ xa vào cổng dịch vụ công của địa phương được thông suốt.

Các địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo thúc đẩy sử dụng chữa ký số để giảm bớt thời gian, thủ tục giấy tờ của người dân. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn yêu cầu người dân phải dùng bản cứng giấy tờ mặc dù người dân đã được cấp chứng thư chữ ký số nhưng không có điều kiện sử dụng…

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/moi-chi-13-5-nguoi-dan-o-do-tuoi-truong-thanh-co-chu-ky-so.htm