Mỹ sử dụng dữ liệu sinh trắc học để bảo mật thiết bị đeo
Trong một cuộc hội thảo trên web hôm thứ Hai do C4ISRNET tổ chức, Donald Coulter, cố vấn khoa học và công nghệ cấp cao của Nhóm mạng đa chức năng, cho biết, một trong những ưu tiên của nhóm trong năm tới là cải tiến công nghệ thiết bị đeo (Wearable technology) được để xác thực người dùng.
Theo những khả năng hiện có, người dùng được xác thực bằng mật khẩu, thẻ truy cập thông thường hoặc mã bảo mật để xác minh bản thân. Tuy nhiên, những khả năng này không đủ tốt trong môi trường tác chiến; ông Coulter nói thêm.
“Những thứ này có thể bị hỏng, bị phá hủy hoặc bị mất trong môi trường tác chiến” – ông Coulter nhấn mạnh – “Việc nhập mật khẩu bằng găng tay chiến thuật vào một bàn phím nhỏ cũng không phải là giải pháp tối ưu”.
Với công nghệ mới, danh tính của các binh sĩ được xác minh bằng dữ liệu sinh trắc học như nhịp tim, dáng đi, dấu hiệu đặc biệt trên cơ thể. Công nghệ này sẽ tăng gấp đôi lợi ích: ngày càng tăng tính an toàn cho hệ thống quân đội, đồng thời trực quan hơn cho người lính trên chiến trường.
Một thiết bị IVAS được trang bị bộ cảm biến và hệ thống hiển thị
Một trong những thứ đầu tiên mà quân đội có kế hoạch tích hợp nhằm “thử nghiệm và chứng minh” các thiết bị này là Hệ thống tăng cường Thị giác tích hợp (IVAS). Về cơ bản, đây là kính bảo hộ được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) giúp hỗ trợ điều hướng, nhắm mục tiêu, cũng như tầm nhìn ban đêm và tầm nhiệt tiên tiến. Nỗ lực tích hợp với IVAS được thực hiện bởi Nhóm đa chức năng sát thương quân nhân.
Quân đội Mỹ nhận thấy đây là một công nghệ đầy hứa hẹn. “Khi nói về việc tăng cường trí tuệ nhân tạo và năng lực học thuật của máy móc, là nói đến việc nghiên cứu, đánh dấu các đặc điểm, đồng thời nắm rõ các đặc điểm riêng của mỗi cá nhân" – Coulter nói – “Nó thực sự mang lại cho chúng tôi sự tự tin để “hiện thực hóa” công nghệ này”.
Ông cũng nói thêm rằng, công nghệ thiết bị đeo này đã hoàn thiện và nhóm của ông có thể sẽ sử dụng nó trong những năm sắp tới.
Donald Coulter nhấn mạnh: “Trong năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mang tới ngày càng nhiều những công nghệ thoát ra khỏi lĩnh vực khoa học – công nghệ, đưa vào các dự án để tạo mẫu, thử nghiệm, phát triển và tích hợp cuối cùng”.
Thanh Tùng (T/h)