Năm 2024: Phát triển Internet băng rộng cố định đến các thôn bản của Cao Bằng và Bắc Kạn

11:58, 08/03/2024

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, trong thời gian từ ngày 04-06/3/2024, Đoàn công tác liên ngành của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương làm trưởng đoàn đã kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả triển khai tại hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn.

TOÀN-CẢNH-CB.jpg

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng.

Cao Bằng: Chương trình MTQG rút ngắn khoảng cách nông thôn, thành thị

Cao Bằng là tỉnh biên giới khó khăn, 95% dân số là dân tộc thiểu số những năm qua Ban Chỉ đạo các Chương trình MTGQ và các cấp, sở, ban, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ cả 3 Chương trình MTQG tạo cơ hội, điều kiện cho xã, thị trấn đặc biệt khó khăn phát triển KT-XH, cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân.

Các chương trình MTQG đã giúp giảm hộ nghèo, từng bước rút ngắn khoảng cách nông thôn, thành thị, thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, giữ vững an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Tuy nhiên do Cao Bằng xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên nhu cầu đầu tư hạ tầng KT-XH, chính sách an sinh xã hội cho huyện, xã nghèo còn rất nhiều. Mức đầu tư những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội từ cơ sở.

Cao Bằng đề nghị Trung ương, Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, xem xét tăng thêm nguồn lực đầu tư cả 3 Chương trình MTQG cho tỉnh những năm tới; xem xét sửa đổi hướng dẫn tiêu chí số 11 nghèo đa chiều theo hướng: chỉ đánh giá tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, không đánh giá tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều đối với các địa phương ở miền núi...

Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đã đề nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình MTGQ tỉnh Cao Bằng cần khẩn trương giải ngân các nguồn vốn đầu tư theo đúng tiến độ, kế hoạch. Trong quá trình triển khai nếu gặp khó khăn, nội dung trùng lặp, chưa đầy đủ, bất cập  thì cần sớm kiến nghị để Đoàn công tác tổng hợp báo cáo các bộ, ngành có thẩm quyền điều chỉnh.

Cao Bằng cũng cần rà soát việc triển khai các dự án, đảm bảo đầu tư theo phân cấp; rà soát văn bản địa phương ban hành đối chiếu với chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, nếu có bất cập đề xuất ngay để điều chỉnh lại cho phù hợp, đồng thời tăng cường đầu tư về TT&TT để tạo động lực phát triển KT-XH.

Đối với chương trình đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, Thứ trưởng chỉ đạo Bưu điện Việt Nam hỗ trợ quảng bá miễn phí cho địa phương.

ttpbk.JPG

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Việc thực hiện các chương trình MTQG đã giúp bộ mặt nông thôn trên địa bàn Bắc Kạn thay đổi toàn diện, tích cực. Bắc Kạn mong muốn các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ kết nối doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tạo điều kiện cho tỉnh được tham gia các dự án, đề tài triển khai chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, đồng thời mong muốn được hỗ trợ tháo gỡ, định hướng cho tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện các chương trình MTQG của tỉnh Bắc Kạn, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của tỉnh cần quan tâm chỉ đạo giải ngân các nguồn vốn đầu tư, rà soát văn bản liên quan, đồng thời trong quá trình triển khai cần bảo đảm tính bền vững của các mô hình, với mục tiêu giúp người dân sớm thoát nghèo.

Đối với việc xóa vùng lõm viễn thông di động, truy nhập Internet cố định, Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đang triển khai các chương trình viễn thông công ích đến năm 2025 và đang xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Viễn thông sửa đổi. Bộ cũng đã có kế hoạch khắc phục tình trạng lõm sóng tại các thôn bản của tỉnh, đồng thời lựa chọn các doanh nghiệp phát triển dịch vụ Internet băng rộng cố định đến các thôn bản.

Các đề xuất kiến nghị của Cao Bằng, Bắc Kạn sẽ được đoàn công tác tổng hợp chuyển tới các bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền sớm xem xét, trả lời, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.

Đại diện các bộ, ngành tham gia đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 đã trao đổi, góp ý với hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn nhiều nội dung liên quan tới thực hiện chương trình MTQG trong thời gian tới.

Một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Cao Bằng:

+ 40/139 xã đạt tiêu chí giao thông; 129 xã đạt tiêu chí thuỷ lợi và phòng chống thiên tai; 87/139 xã đạt tiêu chí điện; 38/139 xã đạt tiêu chí trường học; 20/139 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá; 79/139 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 74/139 đạt tiêu chí thông tin và truyền thông.

+ Hỗ trợ 94 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực SXNN; đa dạng hóa các mô hình sinh kế, triển khai trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu cho người nghèo…

+ Hỗ trợ 186/550 nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.427/6.269 hộ, đầu tư 62/86 công trình nước sinh hoạt tập trung, triển khai 08 dự án, sắp xếp, bố trí, ốn định dân cư ở những nơi cần thiết, hỗ trợ bảo vệ rừng đối với quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là 250.131,14 ha, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng (rừng đặc dụng,phòng hộ) là 62.538,41 ha. Trợ cấp 11.618,6 tấn gạo cho hộ nghèo, DTTS.

+ Thẩm định 30 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho hộ nghèo, cận nghèo; 9 dự án hỗ trợ theo chuỗi giá trị; 270 dự án hỗ trợ cộng đồng cho hộ nghèo, cận nghèo.

Bắc Kạn:

+ Huy động được trên 5.197 tỷ đồng cho thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; trên 357,6 tỷ đồng cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trong năm 2023, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt 86% kế hoạch (giải ngân vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài thực hiện và giải ngân sang năm 2023 đạt 88% kế hoạch). Giải ngân vốn sự nghiệp đạt 50,7% kế hoạch.

+ 25 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 03 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

+ Năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Bắc Kạn đạt 2,76% (giảm từ 24,71% xuống còn 21,95%), bằng 115% kế hoạch đề ra. Các huyện nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,38% (giảm từ 49,99% xuống còn 46,61%) không đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, giảm 3,45% (giảm từ 27,94% xuống còn 24,49%), đạt kế hoạch đề ra.

 Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/163041/Nam-2024--Phat-trien-Internet-bang-rong-co-dinh-den-cac-thon-ban-cua-Cao-Bang-va-Bac-Kan.html