Năm 2025 sẽ phủ sóng 100% dịch vụ di động 5G tại các tỉnh, thành phố
Trong chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G.
Ngày 9/10, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký quyết định 1132 phê duyệt “Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Theo chiến lược, hạ tầng số của Việt Nam có 4 thành phần chính gồm hạ tầng viễn thông và Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý - số và hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ.
“Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030" được xem là một trong những chiến lược chuyên sâu của ngành thông tin và truyền thông, cùng với nhiều chiến lược chuyên sâu khác đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu ban hành trước đó để đề ra con đường phát triển trong các lĩnh vực chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, an toàn an ninh mạng, bưu chính, chuyển đổi số báo chí, dữ liệu số, công nghiệp bán dẫn.
Mục tiêu chiến lược là đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G; đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới, hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Data Center) và phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE - Power Usage Effectiveness) không vượt quá 1,4.
Năm 2025 sẽ phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình, 100% các tỉnh, thành phố, các khu CNC, khu CNTT tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G.
Phấn đấu trung bình mỗi người dân có một kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things), mỗi người dân có một định danh số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%.
Phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số gồm IoT, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, an ninh mạng.. như dịch vụ, đóng vai trò là hạ tầng mềm để phát triển kinh tế, xã hội.
Theo chiến lược, đến năm 2030, 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên. Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, đồng thời xây dựng, đảm bảo năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G.
Bên cạnh đó cũng triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps. Hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu một tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ; triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu một tuyến cáp quang đất liền quốc tế.
Cùng với đó, phát triển các trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center), trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng AI, trung tâm dữ liệu biên đáp ứng yêu cầu trong nước và sẵn sàng phát triển các trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).
Số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao của thế giới hoặc trung bình mỗi người dân 4 kết nối IoT. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%.
Nhiệm vụ trọng tâm phát triển hạ tầng số
Để đạt được những mục tiêu trên, chiến lược nêu các nhiệm vụ trọng tâm đối với từng hạ tầng. Cụ thể, đối với hạ tầng viễn thông và Internet: Phổ cập kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp đến hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức bao gồm: cáp quang; wifi thế hệ mới…
Tăng cường đầu tư phát triển các hệ thống truyền dẫn quốc tế gồm cáp quang biển, đất liền, vệ tinh, truyền dẫn trong nước dung lượng lớn, bảo đảm nhu cầu dự phòng, kết nối đa dạng, an toàn, bền vững. Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, sử dụng chung các tuyến cáp quang quốc tế, bảo đảm khai thác hiệu quả dung lượng, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư.
Đồng thời nghiên cứu, đầu tư tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ. Xây dựng phương án triển khai nhanh tuyến cáp quang biển mới (thời gian hoàn thành dưới 2 năm) dự phòng trường hợp phát sinh tăng trưởng đột biến nhu cầu.
Đối với hạ tầng dữ liệu: Phát triển, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dữ liệu gồm các trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây đạt tiêu chuẩn quốc tế, an toàn, bền vững, theo tiêu chuẩn xanh. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước triển khai các trung tâm dữ liệu siêu lớn, trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trung tâm dữ liệu biên. Phát triển các trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng.
Đối với hạ tầng vật lý - số: Triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số.
Đảm bảo sự vận hành rộng khắp, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, tăng sự linh hoạt trong triển khai các hệ thống giúp giảm thiểu thời gian triển khai, nâng cao hiệu quả. Xây dựng, thúc đẩy khả năng tương tác, giao tiếp giữa các thiết bị IoT, mạng lưới thông qua các phần mềm trung gian. Tận dụng cơ sở hạ tầng mạng di động 4G, 5G cho các giải pháp IoT, khai thác sức mạnh của điện toán đám mây, và tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI để phát triển các ngành công nghiệp.
Đối với hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ: Phát triển hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ là các nền tảng định danh số, xác thực số, thanh toán số, hóa đơn số, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, xác thực văn bản số, chữ ký số và chứng thực chữ ký số.