Nâng cao nhận thức về vai trò đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Thủ đô
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Thủ đô cần tập trung triển khai nhiệm vụ đánh giá năng lực, trình độ công nghệ để hiểu hiện trạng, tiềm lực đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Hà Nội cần sớm cụ thể hóa các chính sách đã được quy định tại Luật Thủ đô (sửa đổi) để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Ứng dụng công nghệ cao tại các doanh nghiệp
Sáng 1/10, trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) do Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra Tọa đàm: “Vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cho biết: Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều Chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển thị trường khoa học, công nghệ.
Ông Nguyễn Quốc Hà, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai mạc.
Qua đó, thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được thông qua sẽ tạo đột phá, tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý khoa học và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong viện, trường và các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hà cũng thông tin, thời gian qua, Hà Nội đã có một số kết quả nổi bật đạt được nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình 07 của Thành ủy về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, điển hình như hoạt động đổi mới sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các cơ quan và doanh nghiệp.
Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023. Hà Nội hiện cũng đang đứng đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn, với 168 trên tổng số khoảng 800 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước (chiếm 21%).
Thành phố có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước. Trên địa bàn thành phố có gần 300 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đem lại kết quả tích cực. Chuyển đổi số diễn ra sôi nổi trong tất cả các đơn vị trên địa bàn, đặc biệt ngành Y tế và Giáo dục.
Đổi mới sáng tạo, chìa khóa cho sự phát triển
Trình bày về các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Chính phủ đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, ngoài những chính sách chung, các ngành, lĩnh vực cũng đưa ra nhiều giải pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù, như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Chương trình phát triển thị trường khoa học công nghệ đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030…
Ông Nguyễn Trường Phi cho biết thêm, hiện nay, các cơ chế, chính sách đã tạo lập được hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp trong các giai đoạn nghiên cứu, phát triển, sản xuất và thương mại. Đồng thời, phù hợp với các nhóm doanh nghiệp có trình độ, năng lực công nghệ khác nhau.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Theo TS. Dương Thị Kim Liên, Viện trưởng Viện Hỗ trợ Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, các thủ tục hành chính và yêu cầu pháp lý vẫn còn khá phức tạp. Mặt khác, một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo là sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học. Tuy nhiên, tại Hà Nội, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu chưa thực sự được thiết lập mạnh mẽ.
Bà Thạch Lê Anh, nhà sáng lập VietNam Silicon Valley, cho rằng, với lợi thế 100 triệu dân và GDP (tổng sản phẩm trong nước) tăng trưởng nhanh, Việt Nam sẽ trở thành thị trường có sức tiêu dùng lớn để các doanh nghiệp hướng đến. Bà Thạch Lê Anh kiến nghị cần khuyến khích hỗ trợ khối tư nhân thành lập Hiệp hội đầu tư mạo hiểm và có chính sách miễn giảm thuế cho các nhà đầu tư thiên thần để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp…
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ và giải đáp những vướng mắc về cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo trong viện, trường, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo không chỉ là chìa khóa cho sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, mà còn là động lực quan trọng để Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung tiến xa hơn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo đó, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp...