Năng lượng hạt nhân ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống

12:57, 31/12/2021

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, năm 2021 hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng bức xạ hạt nhân được ứng dụng nhiều trong y tế, nông nghiệp.

Thông tin tại buổi tổng kết năm của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tổ chức sáng 30/12 cho thấy, nhiều mục tiêu đặt ra đã được thực hiện, trong đó hướng tới triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, tiếp tục thúc đẩy ứng dụng bức xạ hạt nhân, đồng vị phóng xạ trong các ngành công nghiệp, kĩ thuật, nông nghiệp, y tế, giao thông...

PGS.TS Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, nhấn mạnh các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, đo lường bức xạ ion hóa, đảm bảo an toàn bức xạ, xạ trị và y học hạt nhân, đánh giá môi trường phóng xạ... đã mang lại hiệu quả trong thực tế.

Cụ thể lĩnh vực y tế thể hiện rõ nhất các ứng dụng như y học hạt nhân, điện quang, xạ trị. Các cán bộ kỹ thuật đã vận hành 4.400 giờ an toàn hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, điều chế 1002 Ci đồng vị phóng xạ các loại và 2114 lọ kit đánh dấu cung cấp cho các bệnh viện trong nước.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Quang Linh

TS Cao Đông Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân, cho biết, số giờ vận hành lò phản ứng tương đương năm 2020 nhưng lượng đồng vị cung cấp đến bệnh viện giảm đi. Ông cho biết do dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành khu vực Nam Bộ "đóng băng" không nhận bệnh nhân. Mặc dù vậy, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ vẫn được đẩy mạnh và mở rộng. Thông qua nhiệm vụ khoa học, nhóm nghiên cứu chế tạo thành công chế phẩm vi cầu phóng xạ 90Y, điều chế 32P-chromic phosphate, sản xuất đồng vị 99mTc trên máy gia tốc, phương pháp đánh dấu kháng thể đơn dòng bevacizumab - vốn được ví như "xương sống" cho sự phát triển của lĩnh vực y học hạt nhân trên thế giới.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19 ảnh hưởng hoạt động nghiên cứu, Viện nghiên cứu thành công và đưa kênh ngang số 1 của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào sử dụng phục vụ nghiên cứu vật lý hạt nhân, đo tán xạ nơtron, đào tạo. Thiết bị quan trắc tự động hiện trường hai đồng vị phóng xạ trong môi trường nước biển cho hiệu suất hấp thụ chọn lọc cao cũng được nghiên cứu, chế tạo thành công.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ gây đột biến được ứng dụng sản xuất nhiều loại giống cây trồng cho năng suất cao. Công nghệ bức xạ gây đột biến để tạo chế phẩm phân giải rơm rạ và chiếu xạ trong sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột cũng là thành tựu nổi bật.

Lĩnh vực công nghiệp, nhiệm vụ thiết kế chế tạo thành công robot FMI khảo sát ngập lụt chân đế giàn khoan bằng phương pháp gamma truyền qua. Kỹ thuật này trước đây Việt Nam chưa làm được. Ông Bùi Quang Trí, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, cho biết robot khắc phục được các yêu cầu chặt chẽ như tính chịu áp lực cao và không ngấm nước và kết nối hệ thống phát quang để kết nối bờ lục địa. Ông Trí cho biết, việc đưa ứng dụng tại giàn khoan có ý nghĩa trong sản xuất, mang lại doanh thu một tỷ đồng.

Chia sẻ về định hướng nhiệm vụ 2022, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết song song với việc thiết kế nghiên cứu lò mới sẽ đẩy mạnh phát triển đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên gia nghiên cứu để khai thác hiệu quả. TS Thành nhắc về hai nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, đánh giá điện hạt nhân sẽ có tiềm năng so với các dạng năng lượng tái tạo, điện gió, hay năng lượng mặt trời. Ông cho biết, Viện tiếp tục thúc phát triển hướng nghiên cứu ứng dụng, đảm bảo an toàn điện hạt nhân.

Theo/vnexpress.net