Nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ đạt tối thiểu 150 triệu giao dịch vào 2025
Bộ TT&TT mới đây đã ra quyết định phê duyệt dự án phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Chủ đầu tư là Cục Tin học hóa và thời gian thực hiện kéo dài đến hết năm 2023, mục tiêu đầu tư dự án là kế thừa, phát triển hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương để tạo thành Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, kết nối 100 cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin, dịch vụ dùng chung quốc gia đã sẵn sàng, các hệ thống của khu vực tư đã sẵn sàng phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ, tiện ích trong nền kinh tế số, xã hội số. Tổng giao dịch thực hiện qua nền tảng đến năm 2025 đạt tối thiểu 150 triệu giao dịch.
Nền tảng NDXP cũng là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia được ưu tiên tập trung phát triển phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Có cơ quan chủ quản là Bộ TT&TT, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được xây dựng, phát triển phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức.
Nền tảng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả của việc quản lý, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số thống nhất, tin cậy; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí trên quy mô toàn quốc; đồng thời mở ra cơ hội cho khu vực tư có thể khai thác dữ liệu của cơ quan nhà nước để tạo ra giá trị mới.
Trong kế hoạch năm 2022 triển khai các nền tảng chuyển đổi số quốc gia do Cục Tin học hóa chủ trì xây dựng và thúc đẩy, với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Bộ TT&TT đã xác định rõ mục tiêu xây dựng nền tảng đáp ứng toàn bộ các nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước.
Một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là kết nối giữa hệ thống thông tin đất đai của địa phương với hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công của địa phương, cổng trao đổi thông tin liên thông thuế của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT).
Chỉ tiêu cần đạt vào tháng 6/2022 là 30 địa phương đưa vào sử dụng kết nối giữa hệ thống thông tin đất đai của địa phương với hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công của địa phương, cổng trao đổi thông tin liên thông thuế của Tổng cục Quản lý đất đai; qua đó giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai có thể nộp hồ sơ, tra cứu trạng thái xử lý, trả kết quả tại một nơi được kịp thời, chính xác; đồng thời giúp cán bộ xử lý hồ sơ không phải nhập dữ liệu trên các phần mềm khác nhau. Tổng cục Quản lý đất đai có thể quản lý tập trung, thống nhất thông tin biên nhận hồ sơ, giao dịch đất đai và kết quả xử lý hồ sơ trên cả nước.
Về lộ trình, dự kiến từ đầu tháng 3 đến hết tháng 6/2022 sẽ hoàn thành kết nối, đưa vào sử dụng chính thức tối thiểu 8 địa phương/tháng. Bên cạnh đó, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia sẽ được trình vào cuối tháng 5.
Trước đó, vào đầu tháng 3, để thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương cách thức kết nối và chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng NDXP. Hướng dẫn này nhằm giúp cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước được thống nhất, tối ưu, thuận tiện cho việc quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin mạng các kết nối trên quy mô toàn quốc.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, đến cuối năm 2020, đã có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số hệ thống đã kết nối với NDXP là 220 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị, trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương, 7 cở dữ liệu và 9 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương.
Tính đến ngày 23/3, tổng số giao dịch thực hiện qua nền tảng NDXP trong tháng 3 đã là gần 48 triệu, tăng hơn 18 lần so với cùng kỳ tháng 3 năm ngoái; tổng số giao dịch qua NDXP trong quý I/2022 là trên 134,5 triệu, tăng 24 lần so với quý I/2021; trung bình hàng ngày có hơn 1,5 triệu giao dịch thực hiện thông qua nền tảng này.
Minh Thùy (T/h)