Nêu rõ yếu kém, giải pháp khắc phục trong thực hiện Đề án 896

16:39, 07/04/2020

Chiều 7/4, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư (BCĐ 896) họp hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 896.

 
Đề án 896: Bước đột phá trong quản lý dân cư

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, Đề án 896 tạo bước đột phá trong quản lý dân cư từ thủ công sang hiện đại, chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với các hệ thông thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương giúp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến.

Trong năm 2019, hoạt động của BCĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thường trực Chính phủ đã họp chỉ đạo bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư và phương án lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc thu thập và quét phiếu thu thập thông tin dân cư của 63 địa phương đã cơ bản hoàn thành; công tác truyền thông, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc được tăng cường...

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn tồn tại, hạn chế như 5 nhiệm vụ trong Kế hoạch của BCĐ năm 2019 chưa được thực hiện, hoặc thực hiện chậm tiến độ; còn 5 bộ, ngành chưa ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC của bộ, ngành mình.

Việc thu thập thông tin dân cư vẫn chưa hoàn thành do khó khăn khi người dân đăng ký thường trú ở địa phương này nhưng thực tế đang cư trú ở địa phương khác; phải điều chỉnh thông tin về nơi cư trú của công dân do việc sáp nhập, chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện...

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nêu rõ yếu kém, giải pháp khắc phục của từng bộ, ngành

Để cuộc họp đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị thành viên BCĐ 896, Văn phòng BCĐ 896 đánh giá kỹ tình hình, kết quả các nhiệm vụ đã được phân công trong Kế hoạch triển khai Đề án 896 năm 2019. Những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào những nội dung như tình hình, kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 năm 2019. Báo cáo rõ những nhiệm vụ chưa hoàn thành, lý do, khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thực hiện Đề án 896 tại các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng cũng đề cập việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp trong xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến việc thu thập thông tin dân cư, nhất là các trường phải đăng ký lại khai sinh, cải chính hộ tịch. Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) báo cáo về việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với việc xác định và ghi thông tin tôn giáo khi thu thập thông tin dân cư. Ủy ban Dân tộc báo cáo về việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với việc xác định và ghi thông tin về dân tộc khi thu thập thông tin dân cư; dự kiến nhiệm vụ và kiến nghị, đề xuất để thực hiện hiệu quả Kế hoạch năm 2020, cũng là năm cuối cùng thực hiện Đề án 896.

“Tại phát biểu kết luận cuộc họp BCĐ tổng kết nhiệm vụ năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, tôi đã chỉ đạo Bộ Công an xây dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2020, tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025. Bộ Công an cần báo cáo rõ tiến độ thực hiện, đề xuất giải pháp cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Cấp hơn 3 triệu số  định danh cá nhân và 15 triệu thẻ căn cước công dân

Báo cáo của BCĐ 896 cho biết: Đến hết năm 2019, có 61/63 tỉnh, thành phố và 17/22 bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 năm 2019; có 14/20 bộ ngành đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục hành chính, có 12/17 nhiệm vụ thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả, còn 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành.

Về việc cấp số định danh cá nhân, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an nâng cấp, hoàn thiện hệ thống và tổ chức cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh theo quy định của Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Trong đó, mở rộng phạm vi các địa phương trên toàn quốc chính thức triển khai hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp từ 38 lên 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 22 địa phương so với năm 2018).

Đến nay đã tổ chức cấp hơn 3 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh tại 60 tỉnh, thành phố. Bộ Công an tiếp tục cấp thẻ căn cước công dân (từ 14 tuổi trở lên) tại 16 tỉnh, thành phố. Từ năm 2012 đã cấp được 15 triệu trường hợp.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, thay mặt BCĐ 896 đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt thành viên BCĐ gồm 17 thành viên do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm Trưởng BCĐ.

Lê Sơn/ "Báo điện tử Chính phủ"