New York Times bác bỏ yêu cầu vô lý của OpenAI trong vụ kiện bản quyền tin tức

15:18, 11/07/2024

Tờ New York Times mới đây đã đề nghị tòa án bác bỏ yêu cầu vô lý của OpenAI về việc bắt các tác giả bài báo liên liên đến vụ bản quyền tin tức công khai về nguồn tin.

Theo đó, New York Times đã phản đối yêu cầu của OpenAI buộc họ phải giao nộp tài liệu nguồn được sử dụng trong việc tạo ra các bài báo liên quan đến tranh chấp vi phạm bản quyền giữa hai công ty khi vụ kiện đang bước vào giai đoạn điều tra.

New York Times trước đó đã nộp đơn kiện cáo buộc OpenAI vi phạm bản quyền của mình bằng cách huấn luyện ChatGPT với các nội dung tin tức độc quyền của tờ báo mà chưa có sự cho phép.

Yêu cầu của OpenAI về việc muốn xem tài liệu nguồn được các nhà báo sử dụng cho thấy rằng việc bào chữa của họ có thể dựa nhiều vào các kỹ thuật về bản quyền khi đấu tranh với vụ kiện vi phạm này.

Điều này có thể bao gồm việc mở ra một cuộc tranh luận về việc liệu các tác phẩm báo chí mà họ đã sử dụng để huấn luyện AI có đáp ứng ngưỡng để được bảo vệ bản quyền hay không.

Nếu cách tiếp cận này thành công, nó có thể tạo tiền lệ cho các công ty công nghệ liên quan đến các vụ kiện bản quyền khác liên quan đến AI, bao gồm cả các vụ kiện được nộp bởi ngành công nghiệp âm nhạc, để sử dụng một biện pháp bảo vệ tương tự.

Trong một bức thư gửi cho thẩm phán, OpenAI lập luận rằng bảo vệ bản quyền chỉ mở rộng “đến những phần của một tác phẩm mà do tác giả sáng tạo ra”, trích dẫn tiền lệ pháp lý của Mỹ.

Công ty công nghệ AI cũng cho rằng New York Times “không thể theo đuổi một yêu cầu vi phạm” liên quan đến bất kỳ phần nào của một bài báo mà không phải do tờ báo tạo ra, bao gồm cả nơi sử dụng các tuyên bố báo chí, trích dẫn bên thứ ba hoặc nội dung của các hãng tin.

Với luận điệu đó, công ty AI cho rằng, tòa án “nên ra lệnh cho New York Times nộp lên các tài liệu chứng minh những phần nào” của các bài báo mà OpenAI bị cáo buộc sử dụng mà không có giấy phép “là do Times sáng tạo”.

Phản hồi về động thái trên, New York Times đã kêu gọi thẩm phán bác bỏ các yêu cầu điều tra của Open AI, lập luận rằng các quy trình thu thập tin tức của họ không liên quan đến bảo vệ bản quyền.

Trong bức thư của mình gửi cho thẩm phán, đơn vị tin tức này nêu rõ, “OpenAI tuyên bố rằng các ghi chú của các phóng viên dưới các tác phẩm được khẳng định có thể làm sáng tỏ liệu các bài báo của Times có thực sự là nội dung sáng tạo, độc quyền hay không. Nhưng đó không phải là cách mà luật bản quyền hoạt động. Tính chất cá nhân của một tác phẩm được xác định bằng cách tham khảo chính tác phẩm đó”.

New York Times còn lập luận rằng, ngay cả khi các ghi chú của một phóng viên cho thấy một bài báo có tới 90% là nội dung của bên thứ ba, nó vẫn sẽ được bảo vệ bởi bản quyền và do đó tờ báo vẫn có thể kiện về vi phạm.

Ngoài các lo ngại về bản quyền, New York Times cũng lập luận rằng các yêu cầu điều tra của OpenAI quá rộng và có thể xâm phạm quyền hợp pháp của các phóng viên trong việc bảo vệ nguồn tin của họ và giữ thông tin bí mật, có thể can thiệp vào “quy trình thu thập tin tức đặc quyền” của tờ báo theo cách “có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng”. 

Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo

https://sohuutritue.net.vn/new-york-times-bac-bo-yeu-cau-vo-ly-cua-openai-trong-vu-kien-ban-quyen-tin-tuc-d229063.html