Ngành Hải quan sẽ có nhiều thay đổi về ứng dụng công nghệ thông tin
Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2021-2025. Các nội dung quan trọng hàng đầu được đặt ra trong giai đoạn này là ứng dụng CNTT phục vụ các hoạt động nghiệp vụ hải quan, triển khai Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, tất các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan như: giám sát quản lý về hải quan, thu thuế xuất nhập khẩu, kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro, chống buôn lậu, kiểm định hải quan, pháp chế… được tin học hóa và tự động hóa thông qua việc tái thiết kế hệ thống CNTT ngành Hải quan.
Báo Hải Quan cho biết, hệ thống CNTT mới được ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối.
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của cơ quan Hải quan giúp người dân, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan.
Hệ thống còn có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông quan Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới, xây dựng Hải quan Việt Nam hướng tới “Hải quan số”.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 80% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Giai đoạn này, ngành Hải quan xây dựng nền tảng di động (Mobile Platform), mở rộng WebPlatform (nền tảng ứng dụng web) trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử hải quan phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Cơ quan Hải quan sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung vào trải nghiệm người dùng và cung cấp các tiện ích thông qua tự nhận biết đối tượng sử dụng, tự động phân luồng nội dung, tương tác bằng giọng nói, thu thập và lưu trữ hành vi, thói quen của người dùng để phân phối nội dung một cách thông minh, định danh, xác thực đa dạng.
Cùng với đó là xây dựng và triển khai các API (giao diện lập trình ứng dụng) phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và kết nối với các bên liên quan đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện thủ tục hải quan của người dân, doanh nghiệp như: hỗ trợ làm thủ tục; cung cấp thông tin phục vụ quản lý, hoạt động của doanh nghiệp, kết nối, trao đổi dữ liệu, tích hợp các chứng năng với hệ thống và cơ sở dữ liệu quốc gia do Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng…
Ngành Hải quan cũng tập trung triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ…
Theo Tổng cục Hải quan, trước khi đưa vào ứng dụng hệ thống mới, ngành Hải quan tiếp tục vận hành ổn định, đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống CNTT hiện có, không làm gián đoạn hoạt động nghiệp vụ hải quan. Song song đó là xây dựng các kế hoạch, quy trình, công cụ phục vụ giám sát, vận hành, theo dõi đầy đủ hoạt động của hệ thống; tài liệu hóa các quy trình, thủ tục, tài liệu về hệ thống CNTT.
Thùy Chi (t/h)