Ngành ngân hàng phát động phong trào “Bình dân học vụ số”

11:30, 27/05/2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” của ngành ngân hàng gắn với Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hội nghị diễn ra sáng 27/5 do đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN chủ trì cùng toàn thể Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các đơn vị NHNN, các TCTD,... tại điểm cầu Trung tâm và kết nối đến các điểm cầu NHNN khu vực. Dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành…

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, quán triệt nội dung, tinh thần tại Nghị quyết số 57 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán”, ngày 05/3/2025, NHNN đã ban hành Quyết định số 1364 Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết số 03 của Chính phủ. Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban Lãnh đạo NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc của ngành Ngân hàng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, đồng thời xác định và xây dựng kế hoạch, các nhóm vấn đề cụ thể, rõ ràng, đảm bảo Kế hoạch nhất quán với kế hoạch của Chính phủ và Kế hoạch phát triển của Ngành.

Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng gồm: (1) Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy; (2) Hoàn thiện thể chế, chính sách; (3) Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; (4) Phát triển, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao; (5) Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý; (6) Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; (7) Tăng cường hợp tác quốc tế. Các nhiệm vụ tại Kế hoạch đã được giao cụ thể đến các đơn vị trong toàn Ngành để tổ chức triển khai thực hiện.

Hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, triển khai Quyết định số 923/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, NHNN phát động triển khai 02 phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành Ngân hàng. Đây là lời phát động và hiệu triệu toàn ngành Ngân hàng không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Việc triển khai sâu rộng 02 Phong trào nhằm thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng thể của toàn ngành ngân hàng trong thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phổ cập những tri thức cơ bản về chuyển đổi số với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả nhất; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của ngành, của đất nước.

Mục tiêu của 02 Phong trào gắn liền với việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn ngành, cụ thể như: (i) Thông qua các phong trào thi đua khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động sáng tạo và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của mỗi CBCCVC&NLĐ ngành Ngân hàng trong học tập, rèn luyện kỹ năng số; lan toả những mô hình hiệu quả, sáng kiến giá trị, hành động thiết thực nhằm phổ cập tri thức về chuyển đổi số và kỹ năng số cũng như ứng dụng để cải tiến, đổi mới quy trình, nâng cao hiệu quả công việc; (ii) Xây dựng và triển khai “văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, văn hóa học tập suốt đời” trong ngành ngân hàng; (iii) Làm chủ tương lai số, phát triển các công nghệ chiến lược, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong việc thử nghiệm đồng bộ trên mọi mặt; (iv) Thực hành văn hóa ra quyết định trên cơ sở dữ liệu; (v) Thu hút và phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Có thể nói, ngân hàng là ngành tiên phong trong chuyển đổi số, với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái số thông minh, kết nối liên thông và an toàn, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số. Đến nay, ngành Ngân hàng đã đạt được rất nhiều những thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. NHNN không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển.

Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được chú trọng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng . Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, TTKDTM tăng trưởng tích cực[1]. Bên cạnh đó, NHNN là cơ quan với 07 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ[2].

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, quán triệt nội dung, tinh thần tại Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP, Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã nghiên cứu, rà soát đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao để ban hành Kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ngày 05/3/2025 với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.

Các nhiệm vụ tại Kế hoạch đã được giao cụ thể đến các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức triển khai. Một số kết quả nổi bật sẽ được trình chiếu tại phim tài liệu sau bài phát biểu này.

Triển khai Quyết định số 923/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước phát động triển khai 02 phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành Ngân hàng. Đây là lời phát động và hiệu triệu toàn ngành ngân hàng không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Để phong trào “Cả nước thi đua đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số”, gắn với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị thực sự đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng khắp và mang lại kết quả cụ thể, phù hợp với các định hướng chỉ đạo của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau: (i) Truyền thông và phát động phong trào thi đua “văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, văn hóa học tập suốt đời”. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến số có tính thực tiễn, khả thi cao; lựa chọn các sáng kiến số điển hình để truyền thông và chia sẻ nhân rộng trong toàn ngành…; (ii) Tiếp tục rà soát và cập nhật, hoàn thiện các quy định pháp luật thúc đẩy hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. (iii) Tăng tốc triển khai các hạ tầng tính toán, lưu trữ, dữ liệu; Cập nhật xu hướng công nghệ, văn hóa số, tăng cường văn hóa ra quyết định trên cơ sở dữ liệu. (iv) Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực số…