Ngành Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiên phong, sáng tạo trong chuyển đổi số

18:30, 24/01/2023

Trong năm 2022, với sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu, các nhiệm vụ trọng tâm của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội được triển khai đồng bộ và đạt được những dấu ấn quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Huy động tất cả các kênh tuyên truyền, lan tỏa thông tin đến mọi người dân

Thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của thành phố Hà Nội “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Sở TT&TT đã ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.

ZaloTheo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương, báo chí đang chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số (Ảnh: Xuân Hải)

Trong 10/2022, Sở TT&TT đã tiếp nhận và giải quyết 3.256 hồ sơ thủ tục hành chính (trong đó có 2.466 hồ sơ trực tuyến qua mạng, đạt tỷ lệ 76%); Không có thủ tục hành chính giải quyết quá hạn hay có sai sót trong tiếp nhận, giải quyết phải xin lỗi tổ chức, cá nhân. 

Về công nghệ thông tin, Sở TT&TT phối hợp Văn phòng UBND thành phố, Công an thành phố, đơn vị triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoàn thành kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến thử nghiệm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn, phục vụ xác thực thông tin công dân trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. 

Trong năm qua, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa thông tin về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thành phố trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã gửi 292 bản tin với 1.736 tin, bài trên tài khoản “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội” đến gần 185 triệu lượt tài khoản Zalo, đăng tải 1.686 tin, bài lên mạng xã hội Lotus, lan tỏa 5.745 lượt tin, bài trên các trang thông tin điện tử tổng hợp.

Thanh tra Sở đã thực hiện 42 cuộc thanh tra, kiểm tra bao gồm 1 cuộc kiểm tra công vụ tại 7 phòng và 3 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; 41 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực viễn thông, in, phát hành xuất bản, thông tin điện tử, trò chơi điện tử, bưu chính. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 37 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 900 triệu đồng; Thực hiện tiếp 11 lượt công dân đến nộp đơn kiến nghị phản ánh; Thực hiện tiếp nhận và xử lý 162 đơn thư.

Công tác TT&TT năm 2022 trên địa bàn Thủ đô tiếp tục ổn định và nâng cao chất lượng. Sở đã tham mưu cho thành phố về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và xây dựng thành phố thông minh; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính viễn thông; Phối hợp với các cơ quan báo chí và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô; Tăng cường rà soát, làm tốt công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử.

ZaloNăm 2022, Sở TT&TT Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô

 Tiên phong dẫn dắt chuyển đổi số

Đáng chú ý, năm 2022, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở, ban, ngành thuộc thành phố; UBND quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp công nghệ số; Chuyên gia công nghệ thông tin tổ chức hội thảo hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022.

Trong đó có các hội thảo đã tổ chức thành công như: Hội thảo trao đổi nâng cao chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) trên địa bàn TP Hà Nội; Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố năm 2022”; Hội thảo đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; Chuỗi hội thảo về khoa học ứng dụng và cuộc thi về chuyển đổi số thuộc đề án “Tổ chức các sự kiện, cuộc thi về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho doanh nhân, thanh niên, sinh viên và học sinh Thủ đô”… 

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chủ trì, phối hợp Sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP nhiều văn bản, kế hoạch liên quan đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng cho TP Hà Nội.

Gần đây nhất, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3501/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội” và Quyết định số 3457/QĐ-UBND về “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Không chỉ các ban, ngành, doanh nghiệp, với vai trò hạt nhân dẫn dắt hoạt động, thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của thành phố, Sở TT&TT đã chỉ đạo, đồng hành cùng các cơ quan báo chí Hà Nội tích cực thực hiện chuyển đổi số.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số, thậm chí, để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả, chuyển đổi số phải là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay.

Trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí đẩy mạnh những dạng thức báo chí mới dựa trên nền tảng công nghệ như longform, emagazine, megastory, infographics… và chắc chắn trong tương lai sẽ còn xuất hiện nhiều dạng thức báo chí hơn nữa. Trong công cuộc chuyển đổi số, các cơ quan báo chí hiện nay đang tập trung phát triển báo điện tử, xây dựng fanpage trên Facebook, lập kênh YouTube để tạo ra những đường dẫn giúp người đọc có thông tin nhanh, đúng và hiệu quả nhất.

Zalo

Để hỗ trợ các cơ quan báo chí Hà Nội phát triển phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và truyền thông, Sở TT&TT đang phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố xây dựng đề án phát triển sau khi hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch; Khuyến khích các cơ quan báo chí hướng tới xu thế ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông đa phương tiện; Trang bị cho đội ngũ làm báo những kiến thức về công nghệ, đồng thời cập nhật công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của thành phố và nhu cầu hưởng thụ thông tin của người dân. 

Bên cạnh đó, Sở TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ số hợp tác, hỗ trợ các cơ quan báo chí Hà Nội thực hiện chuyển đổi số trong các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, Sở TT&TT đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể như xây dựng Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số, bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2023 và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố tổ chức thực hiện; Tăng cường công tác kiểm tra tình hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị thuộc thành phố.

Bên cạnh đó, Sở xây dựng Đề án Thành phố thông minh thành phố Hà Nội; Xây dựng danh mục dữ liệu mở thành phố Hà Nội; Kế hoạch về dữ liệu mở và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố tổ chức thực hiện; Quy chế thu thập, xử lý, khai thác, sử dụng dữ liệu mở; Tổ chức diễn tập đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2023.

Cùng với đó, Sở sẽ đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông làm nền tảng cho phát triển chính quyền điện tử thành phố Hà Nội, bao gồm: Triển khai các kế hoạch Phát triển doanh nghiệp công nghệ số thành phố Hà Nội đến năm 2025; Kế hoạch phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

Trong năm 2023, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, cơ quan báo chí có dấu hiệu vi phạm; Chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; Tổ chức hoạt động hiệu quả Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội…

Theo tuoitrethudo.com