Ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc: Nỗ lực vượt qua khó khăn, vững bước hội nhập

11:53, 04/10/2020

Qua nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng cho sự phát triển, vững bước đi lên của tỉnh nhà. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Hiến, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về những kết quả Ngành đạt được trong giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí – xuất bản trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

PV: Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, 5 năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục có nhiều dấu ấn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật Ngành đạt được trong nhiệm kỳ qua?

Ông Nguyễn Bá Hiến: Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin, an toàn thông tin, báo chí.

Phát huy nội lực, tận dụng tốt các cơ hội, 5 năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông đã vượt qua khó khăn, thách thức, tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, luôn nằm trong top 5 nhóm các Sở, ngành có chỉ số cải cách hành chính cao nhất tỉnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Tổng doanh thu toàn ngành tăng cao qua từng năm, từ 3.566 tỷ đồng tăng lên 9.671 tỷ đồng năm 2016; 41.828 tỷ đồng năm 2017; 64.465 tỷ đồng năm 2018; 72.120 tỷ đồng năm 2019. Riêng năm 2020, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng dự kiến doanh thu toàn ngành sẽ đạt khoảng 79.300 tỷ đồng, tăng gấp 22,3 lần so với năm 2015.

ngay2.10.2020cnttd

Trong công tác tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, giai đoạn 2015-2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 01 chỉ thị, 02 nghị quyết, 12 quyết định, 12 kế hoạch và nhiều chương trình, nội dung công tác quản lý nhà nước, phát triển ngành. Qua đó, tạo cơ sở, môi trường pháp lý cũng như định hướng phát triển từng lĩnh vực của ngành; tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, doanh nghiệp in - phát hành, các cơ quan báo chí, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc năng động, sáng tạo, đổi mới, hội nhập, phát triển.

Với hạ tầng mạng lưới từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại, độ phủ rộng khắp, chất lượng các dịch vụ được nâng cao, các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin ngày càng khẳng định rõ vai trò là hạ tầng thiết yếu hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống của nhân dân. Đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là từ đầu năm 2020 đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng, hoạt động cầm chừng thì công nghệ thông tin, viễn thông vẫn tăng trưởng, phát triển bền vững. Giai đoạn 2015-2020, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày phát triển.

Hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản luôn phát huy tốt vai trò là công cụ tư tưởng, thông tin, tuyên truyền đắc lực và hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành, của tỉnh; thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện, chính xác về mọi diễn biến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh; kịp thời phát hiện, đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí cùng các biểu hiện tiêu cực xã hội khác; tham gia giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân thông qua diễn đàn báo chí; phát huy tinh chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, của tỉnh nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PV: Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021 - 2030. Vậy việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này ở Vĩnh Phúc đến nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Hiến: Vĩnh Phúc xác định mục tiêu trọng tâm trong việc xây dựng Chính quyền điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, bao trùm rộng và trách nhiệm giải trình cao; cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân với chi phí thấp nhất, bất kể mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc thời gian và khoảng cách địa lý; triển khai chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc để hướng đến chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ.

Để đạt được mục tiêu trên, những năm qua, Vĩnh Phúc đã tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết số 17/2019/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định số 28/2018/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước.

Theo đó, Vĩnh Phúc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn. Ban hành các chỉ thị về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; kế hoạch thực hiện chính phủ điện tử; ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0 giai đoạn 2018-2020 và dự kiến ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 trong tháng 10/2020; ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; ban hành mã định danh các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh tham gia trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Cùng với đó, hằng năm, tỉnh đều cấp bổ sung kinh phí, đầu tư nâng cấp hệ thống mạng LAN, bổ sung trang bị máy tính cho các Sở, ngành, địa phương.

Đến tháng 9/2020, 100% các Sở, ngành và UBND cấp huyện đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ kết nối Internet; 20/20 Sở, ngành, 9/9 huyện, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn đều xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua phần mềm một cửa, phần mềm một cửa hành chính công và Cổng dịch vụ công trực tuyến. 100% các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, kết nối Internet cáp quang; 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, 95% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và 80% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính. Hệ thống hội nghị trực tuyến được duy trì 01 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 9 điểm tại UBND các huyện, thành phố và 3 điểm tại các Sở, ngành.

Đặc biệt, sau 1 năm Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Vĩnh Phúc đi vào hoạt động và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Vĩnh Phúc có 369 danh mục thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và 6 dịch vụ công mức độ 4 kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa tại các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã được triển khai đồng bộ, với phần mềm duy nhất, bảo đảm kết nối liên thông. Các ứng dụng dùng chung, hệ thống Cổng Thông tin điện tử được khai thác liên tục và là công cụ phục vụ cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp 8.500 hộp thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị, địa phương; cấp 422 chứng thư số cơ quan, 914 chứng thư số cá nhân của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; xây dựng, đưa 42 Cổng thành phần đồng bộ về công nghệ và cài đặt tập trung tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, đến nay, toàn tỉnh có 24 sở, ngành, 9 huyện, thành phố được trang bị các trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng gồm: tường lửa, lọc thư rác, phần mềm bảo mật, phòng chống virut, hệ thống cảnh báo truy cập trái phép, hệ thống ngăn chặn truy nhập trái phép. Bên cạnh đó, các giải pháp bảo đảm an toàn dữ liệu, liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh được bảo đảm tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh với hệ thống thiết bị, phần mềm bảo mật, an toàn an ninh thông tin.

Nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trên đã giúp Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả quan trọng trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử (ICT Index) năm 2019 tại các Sở, ngành, điểm trung bình là 45,212 điểm, tăng 4,556 điểm so với điểm trung bình năm 2018.

PV: Với chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực báo chí – xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực, thực hiện công tác quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động lĩnh vực này như thế nào để báo chí không chỉ đưa tin, cung cấp thông tin mà còn phải thực hiện tốt chức năng định hướng dư luận, xây dựng lòng tin với độc giả?

Ông Nguyễn Bá Hiến: Hiện nay, toàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí chuyên nghiệp là Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc, với 4 loại hình báo chí gồm: Báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử; 15 văn phòng đại diện và phóng viên thường trú cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn; 236 đơn vị có hoạt động mang tính báo chí.

Để làm tốt chức năng quản lý lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông đã không ngừng nỗ lực, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các quy hoạch, văn bản chỉ đạo, tạo môi trường dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quản lý cũng như hoạt động của các cơ quan báo chí, như: Quy hoạch phát triển báo in, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành xuất bản – in – phát hành tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quy định tạm thời chế độ chi trả nhuận bút, thù lao đối với các cơ quan báo chí in, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, công khai danh sách phóng viên, các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú trên địa bàn; danh sách người phát ngôn cho các cơ quan báo chí trên Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử. 

Cùng với đó, Sở tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi, tọa đàm với lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí vào các dịp như: Tết nguyên đán, chào xuân mới, kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; trước, sau những sự kiện quan trọng để các đồng chí lãnh đạo tỉnh thông tin tới các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như các cơ chế, chính sách tiêu biểu của tỉnh. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giao ban báo chí định kỳ hằng tháng, qua đó, kịp thời tiếp nhận ý kiến phản ánh từ các cơ quan báo chí, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, ban ngành liên quan có các vấn đề báo chí nêu, xử lý kịp thời, tạo lòng tin trong nhân dân và đội ngũ báo chí.

Đặc biệt, để người dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương hiểu hơn về hoạt động của các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí cho các địa phương, đơn vị. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, nghiệp vụ, kinh nghiệm cho đội ngũ những người phát ngôn của tỉnh; tập huấn cho các cơ quan quản lý nhà nước về các văn bản quy phạm pháp luật, thông tin về công tác quản lý báo chí, về sự phát triển của lĩnh vực thông tin, báo chí.

Trong công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động báo chí – xuất bản, hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập đoàn kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tại các cơ quan báo chí tỉnh, Văn phòng đại điện các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, hoạt động của các trang thông tin điện tử, hoạt động phát hành lịch bloc và phát hành xuất bản phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ quan báo chí của tỉnh, các Văn phòng đại diện báo chí Trung ương tại Vĩnh Phúc và các trang thông tin điện tử cơ bản chấp hành đúng tôn chỉ, mục đích; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền theo định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, quản lý nhà nước của Sở Thông tin và Truyền thông.

PV: Trước những cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào những định hướng nào để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc năng động, sáng tạo, đổi mới, hội nhập và phát triển, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Hiến: Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn chỉnh chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử; có trên 75% người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Xây dựng, phát triển mạng lưới bưu chính, mạng lưới viễn thông tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng đa ngành, hướng tới sự phát triển bền vững. Phát triển lĩnh vực  báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, xuất bản, in, phát hành phù hợp với Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, định hướng dư luận xã hội và nhu cầu thông tin của nhân dân.

Để đạt được các mục tiêu này trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất: Tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, đề án, chương trình, cụ thể: Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về hoàn thiện Chính quyền điện tử, hướng đến Chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị, sách điện tử, sách báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy văn hóa đọc; Nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách đào tạo, phổ biến kiến thức giúp cán bộ, công chức, viên chức, người dân, công nhân lao động ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin nhằm thực thi Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc và đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đề án của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án của UBND tỉnh phát triển hạ tầng Internet tốc độ cao 5G; Quyết định của UBND tỉnh ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc…

Thứ hai: Tập trung thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, nền tảng tích hợp cho xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới mục tiêu hỗ trợ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thực hiện trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử; dần đưa các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết nối liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết nối liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt quan tâm lĩnh vực an toàn thông tin, giám sát an toàn không gian mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Thứ ba: Tiếp tục chỉ đạo phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, bảo đảm bưu chính là nền tảng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 30%/năm. Chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của tỉnh.Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chỉnh trang, bó gọn hoặc ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông; phủ sóng Wifi tại các khu đô thị, khu du lịch. Quản lý chặt và xử lý nghiêm tình trạng tin nhắn rác, thuê bao điện thoại quảng cáo vặt gây mất mỹ quan đô thị.

Thứ tư: Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, xuất bản, in, phát hành; tăng cường hoạt động thông tin đối ngoại, tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Phát huy vai trò của báo chí, tuyên truyền trong đấu tranh với nạn tin giả, tin xấu, độc trên không gian mạng. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Quản lý hiệu quả, chống in và xuất bản phẩm lậu. Đồng thời có giải pháp cụ thể thúc đẩy văn hóa đọc, phát triển sách điện tử để phổ cập đến người dân, phấn đấu đạt tỷ lệ sách/người dân nằm trong tốp đầu cả nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo: Cổng TT-GTĐT tỉnh Vĩnh Phúc