Vĩnh Phúc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính
Tỉnh Vĩnh Phúc đang ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC.
Thời gian vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT.
Theo đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc phù hợp với hiện trạng hạ tầng, nhân lực, ứng dụng CNTT tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai kết nối với cơ sở dữ liệu đăng ký DN. Rà soát, đánh giá cụ thể hiện trạng hạ tầng CNTT để có lộ trình, định hướng đầu tư.
Hiện tại, 100% các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, 100% kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu dùng chung; gần 100% cán bộ công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ công chức cấp huyện, 80% cán bộ công chức cấp xã được trang bị máy tính.
Hệ thống phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã được triển khai đồng bộ tại 166 đơn vị với phần mềm duy nhất, bảo đảm kết nối liên thông.
Người dân đến làm TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Năm 2019, UBND tỉnh đã công bố 1.797 TTHC; 100% TTHC được niêm yết công khai, đúng quy định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, trên Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử của tỉnh và các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh trong năm 2019 đạt trên 98%.
Các ứng dụng dùng chung, hệ thống cổng thông tin điện tử được khai thác liên tục và là công cụ phục vụ cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh và hơn 40 cổng thông tin giao tiếp các sở, ngành, địa phương được vận hành, cập nhật dữ liệu theo quy định. Trên địa bàn tỉnh hiện có 366 danh mục TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; trong đó, 322 danh mục cấp tỉnh; 39 danh mục cấp huyện còn lại là các danh mục TTHC thuộc cấp xã.
Toàn tỉnh hiện đã cấp hơn 8.000 tài khoản thư điện tử cho 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương; bàn giao 800 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan và cá nhân; triển khai nâng cấp, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho 40 sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 137 xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, hầu hết các đơn vị, địa phương đều ứng dụng các phần mềm chuyên ngành phục vụ cho hoạt động như: quản lý kế toàn, tài chính, tài sản; quản lý hộ tịch; quản lý bảo hiểm xã hội; kê khai thuế điện tử;
ICTVietNam cho biết, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1007/QĐ-UBND về việc công bố xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020 đối với 3 nhóm cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm: Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.
Theo đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh là đơn vị đứng đầu về chỉ số CCHC năm 2019 ở nhóm các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với 90,05 điểm, trong đó điểm đánh giá trực tiếp là 58,50 và điểm điều tra xã hội học là 31,55 điểm.
Tiếp theo đó là Ngân hàng Nhà nước tỉnh với 89,88 điểm và Kho bạc Nhà nước tỉnh với 89,10 điểm.
Với 92,93 điểm, Sở Tài chính chính là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng trong nhóm các sở, ban, ngành. Xếp ngay sau đó là Sở Xây dựng đạt 91,33 điểm, Sở Thông tin và Truyền thông đạt 90,04 điểm.
Trong nhóm UBND các huyện, thành phố, huyện Yên Lạc tiếp tục là đơn vị dẫn đầu với 86,12 điểm, tiếp theo là thành phố Phúc Yên đạt 85,97 điểm, thành phố Vĩnh Yên đạt 85,83 điểm.
Đây là năm thứ năm liên tiếp UBND tỉnh công bố, xếp hạng Chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc đánh giá và công bố xếp hạng chỉ số CCHC hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục những điểm còn hạn chế, thực hiện tốt hơn công tác CCHC, nhằm duy trì, cải thiện nâng cao Chỉ số CCHC của cơ quan, đơn vị trong những năm tiếp theo, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Thanh Tùng (T/h)