Ngày 6/4: Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, 23 ca âm tính lần 2

Thanh Tùng 11:20, 06/04/2020

6h sáng 6/4, Bộ Y tế cho biết: Trên cả nước không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới, tổng số ca mắc hiện tại là 241.

Tính đến 6h sáng 6/4, cả nước ghi nhận 237 trường hợp mắc tại 25 tỉnh, thành phố (đứng thứ 97 trong số 207 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc COVID-19); trong đó 91 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 150 bệnh nhân đang được điều trị trong 21 cơ sở y tế.

Hiện, 52 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 1 lần trở lên, trong số này có 23 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 2 lần trở lên. 

Đến thời điểm hiện tại, có tổng số 19.917 trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 đã loại trừ; số trường hợp nghi đang theo dõi, cách ly là 3.154 (trong đó: số mới trong ngày: 314, số cũ đang theo dõi: 2.840).

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 67.273 (trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.277; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 42.004; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 23.992). Tổng số mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm cộng dồn: 88.551(số mẫu dương tính: 240, số mẫu âm tính: 88.311).

Hi vọng về con số 0

Đã có rất nhiều hành động quyết liệt được triển khai trong 1 tháng vừa qua để giãn và giảm số mắc mới. Những ngày cuối tháng 3 là cao điểm của lo lắng do nhiều ổ dịch mất dấu ca số 0, không tìm thấy nguồn lây đầu tiên, chỉ dấu của việc dịch đã lây ra cộng đồng. 

Nhưng các biện pháp mạnh đã bắt đầu phát huy hiệu quả, số mắc mới đang giảm: ngày 3-4: 10 bệnh nhân mới, 4-4: 3 bệnh nhân mới, 5-4: 1 bệnh nhân mới...

Nửa tháng trước, khi số mắc mới liên tục tăng nhanh, từ 2-3 ca mắc mới/ngày, mỗi ca là mỗi lo lắng, người ta chú ý từng chi tiết liên quan đến bệnh nhân mới, nhưng rồi số bệnh nhân tăng dần, tăng nhanh, ngày cao điểm nhất ghi nhận tới 19 bệnh nhân vào ngày 22-3. 

Đó là tỉ lệ người mắc COVID-19 khỏi bệnh tính đến ngày 5-4. Với 241 bệnh nhân, 91 người đã bình phục, trong vài ngày tới sẽ có thêm 18 bệnh nhân đã có 2 kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu 18 ca này được công bố, tỉ lệ người mắc COVID-19 khỏi bệnh sẽ đạt xấp sỉ 50% số ca nhiễm ở Việt Nam.

Thời điểm căng thẳng khi ổ dịch được phát hiện tại Bệnh viện Bạch Mai, với 3 chùm bệnh nhân tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Khoa thần kinh và nhà ăn bệnh viện, xấp xỉ 45 bệnh nhân nhưng không tìm thấy nguồn lây (mất dấu ca số 0). 

Ngoài ra, thêm 2 ca bệnh tại Bình Dương và Hà Nội (ca bệnh Hà Nội là bệnh nhân Thụy Điển, bệnh nhân Bình Dương được phát hiện bệnh tại Hàn Quốc) cũng không tìm thấy ca số 0.

Khi bệnh đã lây lan ngoài cộng đồng, nguy cơ tăng theo cấp số nhân là rất lớn. Một chuyên gia y tế đã ước lượng tùy theo tình hình có giãn cách xã hội hay không mà số mắc mới tăng theo. Nếu vẫn gặp gỡ, giao tiếp xã hội bình thường, từ 1 ca bệnh sẽ nhân thành 405 ca mới sau 1 tháng. Nếu 75% người trong xã hội hạn chế giao tiếp, 1 ca bệnh mới chỉ phát triển thành 2,5 ca mới cùng trong khoảng thời gian này.

Trên trang cá nhân, PGS.TS Trần Xuân Bách (ĐH Y Hà Nội) cũng nhận xét rằng hạn chế giao tiếp và giãn cách xã hội là biện pháp chống dịch COVID-19 rẻ tiền và hiệu quả nhất. Và ở Việt Nam, các biện pháp chống dịch cũng đã tăng dần mức độ, đặc biệt sau khi ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện. 

Ngày 18-3 khi ở Bệnh viện Bạch Mai có ca bệnh đầu tiên là nữ điều dưỡng tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện đã phong tỏa trung tâm với 150 nhân viên y tế, chuyển toàn bộ bệnh nhân sang điều trị tại cơ sở khác, ngưng tiếp nhận khám theo yêu cầu và tái khám tại khoa. 

Một ngày sau đó ghi nhận bệnh nhân tại C4 Viện Tim mạch quốc gia Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện tiếp tục phong tỏa C4 với toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân. Đến ngày 28-3, khi ghi nhận ổ dịch tại nhà ăn bệnh viện, Bộ Y tế đã cho phép phong tỏa hoàn toàn Bệnh viện Bạch Mai, chỉ cho phép tiếp nhận các bệnh nhân nặng vào khoa cấp cứu.

Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, thường xuyên tiếp nhận 10.000 người khám và điều trị nội trú mỗi ngày, việc phong tỏa bệnh viện là việc "chẳng đặng đừng", nhưng để ngăn lây lan dịch bệnh, Bộ Y tế đã phải quyết định phong tỏa bệnh viện với khoảng 3.500 người vừa nhân viên y tế, vừa bệnh nhân nặng. Và từ ngày 1-4, chỉ thị 16 của Thủ tướng với những yêu cầu mạnh tay hơn: cách ly xã hội...

Những quyết định trên đang góp phần đưa số ca mắc giảm dần liên tục từ cuối tháng 3 đến nay. Nếu tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp của Chính phủ và Bộ Y tế, theo một số chuyên gia, có hi vọng 0 ca mới/ngày trong thời gian ngắn sắp tới.

Không tìm thấy ca số 0, nguy cơ vẫn còn

Dù có tín hiệu tích cực nhưng thực tế vẫn còn 2 ổ dịch không tìm thấy ca số 0 trong vài ngày gần đây, sau các chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (cũng không tìm thấy ca số 0, dù việc kiểm soát đã được đánh giá cơ bản là hiệu quả). 

Đó là ca bệnh của bệnh nhân người Thụy Điển (bệnh nhân thứ 237) và ca bệnh của bệnh nhân Hàn Quốc tại Bình Dương. Cả 2 ca này đều không tìm thấy ca số 0, trong khi các dữ liệu dịch tễ cho thấy bệnh nhân bị lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Như vậy hiện có 3 ổ dịch được coi là mất dấu ca số 0: ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch bệnh nhân 237 và ổ dịch người Hàn Quốc tại Bình Dương. Ngày 5-4 không ghi nhận ca bệnh mới tại ổ dịch Bạch Mai, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Văn Quý cũng cho biết ổ dịch này đã cơ bản được kiểm soát. 

Còn 2 ổ dịch tại Bình Dương và bệnh nhân 237, việc phát hiện các ca mắc mới sớm, cách ly sớm, đồng thời tiếp tục giãn cách xã hội đến 15-4 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng sẽ quyết định hiệu quả ngăn chặn dịch trong những ngày tới.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân những thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19:

1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay.

2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa.

4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác.

6. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.

7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch.

Thanh Tùng/TH