Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 ứng dụng công nghệ nhận diện khách tham dự
Trong Ngày chuyển đổi số Việt Nam - DXDay Vietnam 2020, Ban tổ chức sẽ dùng nền tảng “Make in Việt Nam” Checkmein để xác nhận đăng ký và nhận diện khách tham dự, giúp rút ngắn thời gian check-in, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia
Kế hoạch tổ chức Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 vừa được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chính thức công bố chiều ngày 8/12.
Diễn ra trong hai ngày 14 - 15/12 tại Hà Nội, sự kiện năm nay do VINASA, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội”. Chương trình được sự bảo trợ của các bộ: TT&TT, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương.
VINASA vừa thông tin với báo chí về chương trình Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020.
Ông Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch VINASA, Phó Viện trưởng Viện KHCN VINASA nhấn mạnh, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 nhằm hưởng ứng và đồng hành với Chính phủ thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Thông tin với báo chí, đại diện Ban tổ chức cũng cho biết, trong ngày 14/12, ngoài phiên khai mạc với các bài phát biểu chính, chương trình còn có phiên tọa đàm quan trọng xung quanh “bài toán” lớn đang đặt ra: “Làm gì để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam?” do ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA điều phối, với sự tham gia của nhiều khách mời quan trọng là lãnh đạo các cơ quan quản lý, các địa phương đang đi tiên phong về chuyển đổi số…
Nối tiếp chương trình, ngày 15/12 sẽ diễn ra với lịch làm việc dày đặc và nội dung phong phú gồm 6 hội nghị chuyên đề xoay quanh việc chuyển đổi số trong 6 ngành, lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp, y tế, logistics, tài chính - ngân hàng, Sản xuất công nghiệp và nhóm Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Kinh nghiệm chuyển đổi số trong 6 lĩnh vực trọng điểm
Chia sẻ về lý do chọn 6 lĩnh vực trọng điểm kể trên để tập trung bàn thảo tại Ngày chuyển đổi số Việt Nam năm nay, đại diện Ban tổ chức cho hay: “Chuyển đổi số sẽ có ngành nhanh hơn do yêu cầu cần thiết ngay, có ngành thì chuyển động chậm hơn. Đây là năm đầu tiên tổ chức chương trình, do đó chúng tôi chọn các lĩnh vực ngành nghề và đối tượng được đánh giá là có thể chuyển đổi số nhanh và ngay được.
Tại các ngành này, cũng đã có những case study để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm. Và vì thế, những ngành khác có thể tham khảo thông tin, cách thức của các ngành chuyển động nhanh hơn để lên kế hoạch cho mình”.
Với kết cấu khung chương trình đi từ bài toán thực trạng đến các xu hướng chuyển đổi số trong từng ngành/ lĩnh vực và kinh nghiệm triển khai các giải pháp chuyển đổi số mang tính “người thật, việc thật”, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ mang đến những bài học kinh nghiệm, những câu chuyện truyền cảm hứng về chuyển đổi số cũng như những kiến thức, kinh nghiệm cụ thể cho các ngành, các địa phương, doanh nghiệp/tổ chức...
“Chúng ta nói nhiều đến việc chuyển đổi số là “vấn đề sống còn” của các doanh nghiệp. Chúng ta cũng nói nhiều đến những lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Nhưng cần biến những nhận thức và lời nói đó thành hành động cụ thể, chẳng hạn như chia sẻ kinh nghiệm thực tế mà doanh nghiệp/tổ chức của mình đã thực hiện, kết nối với nhau để liên thông cung - cầu về giải pháp chuyển đổi số, bước những bước đầu tiên trên hành trình chuyển đổi số…”, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình chia sẻ.
Được biết, các phiên họp thảo chuyên đề còn có sự phối hợp tổ chức của 11 hiệp hội ngành nghề, với sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia tư vấn phát triển doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ uy tín trong nước và quốc tế.
Diễn ra song song với các hội thảo chuyên đề, chương trình còn có triển lãm giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, hoạt động kết nối cung cầu, tư vấn về chuyển đổi số dành cho các bên quan tâm.
Ban tổ chức cũng dự kiến Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 sẽ thu hút sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu tham gia trực tiếp và hơn 10.000 đại biểu theo dõi trực tuyến.
Đặc biệt, để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, góp phần phòng dịch Covid-19, Ban tổ chức sẽ sử dụng nền tảng Checkmein ứng dụng công nghệ AI trong nhận diện khuôn mặt do một doanh nghiệp Việt Nam là công ty Deha xây dựng và phát triển, để ứng dụng vào khâu đón tiếp và check in đại biểu, thay cho thẻ giấy như trước đây.
Với việc sử dụng nền tảng này, thời gian check in của các đại biểu sẽ được rút ngắn, đồng thời giúp công tác quản lý tham gia các hoạt động của các đại biểu được dễ dàng hơn.
Cụ thể, sẽ có 10 quầy cho phép các đại biểu sử dụng máy tính bảng để check in bằng cách nhập email, mã code đã đăng ký. Riêng với những người đã cung cấp ảnh từ trước cho Ban tổ chức, hệ thống sẽ xác nhận đại biểu bằng cách nhận diện hình ảnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020, VINASA cũng tổ chức lễ công bố và trao chứng nhận Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2020. Theo đó, sẽ có 100 doanh nghiệp được công nhận danh hiệu Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong 15 lĩnh vực bình chọn năm 2020 |
Minh Anh (T/h)