Nghiên cứu dành cho đào tạo ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa đạt giải Nhất Best Paper tại VCCA 2024
Sáng ngày 11/5, trong khuôn khổ chương trình bế mạc Hội nghị khoa học và Triển lãm về Điều khiển và Tự động hóa lần thứ 7 (VCCA 2024), Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận và vinh danh 03 báo cáo xuất sắc nhất.
Trong đó, bài báo cáo “Thiết kế bộ điều khiển bám sử dụng bộ điều khiển vận tốc tỷ lệ cải tiến và giải thuật xử lý ảnh cho hệ thống bóng-bàn” của nhóm tác giả Phùng Anh Tuấn, Phạm Xuân Thủy (đến từ Học viện Kỹ thuật quân sự) đã dành được giải Nhất giải thưởng Best Paper tại VCCA 2024.
Đây là nghiên cứu về bộ điều khiển bám sử dụng kết hợp bộ điều khiển vận tốc tỷ lệ (PV) và bộ điều khiển học có lặp lại (ILC) và giải thuật xử lý ảnh thời gian thực để nâng cao chất lượng bám theo quỹ đạo cho hệ điều khiển bóng bàn, bảo vệ hệ thống di chuyển tải trọng tới vị trí mong muốn đồng thời giảm rung lắc trong môi trường phức tạp. Bộ điều khiển được xây dựng đảm bảo tính ổn định theo tiêu chuẩn Lyapunov. Kết quả mô phỏng trên phần mềm MATLAB/ SIMULINK và trên mô hình thực nghiệm được cung cấp nhằm xác thực tính chính xác và độ hiệu quả của bộ điều khiển.
Đại diện nhóm tác giả đạt giải Nhất, TS. Phạm Xuân Thủy chia sẻ, lúc bắt tay tham gia làm đề tài, nhóm đã hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống thí nghiệm giá rẻ và hoàn chỉnh, gồm chương trình điều khiển, phần mềm quan sát và thu thập dữ liệu trong phòng thí nghiệm để phân tích, đánh giá và thử nghiệm các giải thuật, phương pháp điều khiển khác nhau cho đối tượng phi tuyến, đa biến và không ổn định.
Hệ thống điều khiển bóng-bàn sử dụng thị giác máy tính hiện chạy ổn định, chính xác và đã được ứng dụng, tích hợp phát triển các công cụ hiện đại vào bài toán điều khiển chuyển động. Sản phẩm dễ sử dụng để phục vụ cho công tác học tập và nghiên cứu khoa học.
TS. Phạm Xuân Thủy cũng cho biết, hiện nay kết quả của đề tài đã được sử dụng làm mô hình thực nghiệm phục vụ giảng dạy và nghiên cứu (môn học Cấu trúc và lập trình các hệ thống đo lường và điều khiển) tại phòng thí nghiệm Bộ môn Tự động và Kỹ thuật tính, Viện Tên lửa và kỹ thuật điều khiển, Học viện Kỹ thuật quân sự.
Trong tương lai, nhóm đề tài dự định sẽ mở rộng khung chương trình và thử nghiệm các kỹ thuật xử lý tín hiệu tiên tiến (xử lý ảnh trên nền FPGA) và phương pháp điều khiển hiện đại khác (cross-coupling control) nhằm khắc phục và cải thiện các vấn đề tốc độ xử lý và bù sai lệch do sai khác điều kiện đầu.
TS. Nguyễn Quân-Chủ tịch VAA và PGS.TS Nguyễn Xuân Dương -Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trao Chứng nhận cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì, Ba. Ảnh Hương Duyên
Giải Nhì được trao cho nhóm tác giả Manh Cuong Hoang, Thi Lan Huong Nguyen, Si Hong Hoang (Trường Kỹ thuật Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội), với báo báo “A Novel Method of Closed-loop Control of a Magnetic Capsule Endoscope and its Stability Analysis”
Nội dung của bài báo cáo trình bày việc kiểm soát chính xác máy nội soi viên nang từ tính (MCE) là cần thiết nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Bài viết này trình bày một phương pháp mới về điều khiển vòng kín của MCE để thao tác chính xác.
Giải Ba thuộc về nhóm tác giả Đào Văn Minh, Đỗ Bá Phú, Nguyễn Kiên Trung (ĐH Bách Khoa Hà Nội; ĐH Khoa học và Công nghệ Seoul, Hàn Quốc), với bài báo “Mô hình hóa và thiết kế điều khiển cho bộ biến đổi Single-stage Interleaved Totem-pole PFC ứng dụng cho bộ sạc trên xe điện”.
Giải pháp mô hình hóa dựa trên tín hiệu nhỏ của PFC AC-DC Totem-cực xen kẽ một giai đoạn. Sử dụng mô hình bắt nguồn từ phương pháp này, một cấu trúc điều khiển được sử dụng để điều chỉnh dòng sạc của pin đã được tạo ra, trong đó sự dịch pha giữa phía sơ cấp và phía thứ cấp của máy biến áp DAB được sử dụng làm biến điều khiển duy nhất. Để đánh giá mô hình đề xuất, OBC một tầng công suất 7,4kW được mô phỏng trên phần mềm mô phỏng Altair PSIM. Kết quả thu được khẳng định cấu trúc điều khiển hoạt động ở dải điện áp từ 460V đến 800V với THD đạt được dưới 5%.
PGS.TS. Thái Quang Vinh – Trưởng Ban chương trình VCCA 2024 báo cáo kết quả đạt được sau gần 2 ngày trình bày tại các tiểu ban của Hội nghị. Ảnh Hương Duyên
Phát biểu tại Lễ bế mạc VCCA 2024, PGS.TS. Thái Quang Vinh, Trưởng Ban chương trình VCCA 2024 cho biết, sau gần 2 ngày diễn ra, tại 19 tiểu ban, các nhà khoa học, chuyên gia, sinh viên và doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa đã cùng nhau trao đổi 144 báo cáo khoa học chuyên đề, trong đó đặc biệt chú trọng đến những vấn đề bám sát các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt năm nay có tiểu ban về công nghiệp tàu thủy trong đó có nhiều báo cáo về lĩnh vực liên quan đến các vấn đề công nghiệp tàu thủy, đo lường điều khiển.
PGS.TS. Thái Quang Vinh cũng cho biết, các báo cáo khoa học được trình bày tại hội nghị đều là những nội dung thiết thực, có chiều sâu, và tất cả đã cho thấy VCCA là sân chơi học thuật đầy giá trị và danh tiếng để các nhà khoa học Việt Nam lẫn quốc tế cùng nhau chia sẻ những tri thức mới trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ Bế mạc Hội nghị Khoa học và Triển lãm VCCA 2024
Tổng kết lại những kết quả đã đạt được trong thời gian diễn ra VCCA 2024, TS. Dương Nguyên Bình – Phó Chủ tịch thường trực VAA, Trưởng ban tổ chức VCCA 2024 chia sẻ, sau 3 ngày làm việc tâm huyết, hiệu quả, Hội nghị khoa học về Điều khiển Tự động hóa lần thứ 7 (VCCA– 2024) diễn ra tại thành phố Hải Phòng đã thành công, tốt đẹp. Tất cả diễn giả trong các tham luận về các diễn đàn khoa học, diễn đàn doanh nghiệp cùng toàn thể đại biểu tham dự đã đóng góp vào những thành công này.
Tại Lễ bế mạc, đại diện đơn vị đăng cai VCCA 2026 là trường ĐH Quy Nhơn cũng đã lên nhận cờ đơn vị đăng cai tiếp theo từ ĐH Hàng Hải trước sự chứng kiến của đại diện VAA, và Hội Tự động hóa Tp. Hải Phòng.
Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay