Nghìn lẻ chiêu trò tránh phạt nguội của tài xế
Dán băng dính, dùng biển số giả, sử dụng các dụng cụ tự chế để che biển số… đó là những hành vi vi phạm được lực lượng CSGT phát hiện nhiều trong thời gian gần đây, khi việc xử lý tài xế vi phạm luật lệ an toàn giao thông bằng biện pháp phạt nguội được đẩy mạnh.
Dùng chiêu "bẩn" để né
Thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội chia sẻ nhiều hình ảnh của nhiều ô tô lưu thông trên đường với biển số xe bị che, bị làm bẩn. Thực chất, đây là cách để các lái xe né tránh camera phạt nguội, đặc biệt là những xe lưu thông trên cao tốc hoặc dừng đỗ đón khách sai quy định.
Các chiêu trò này rất đa dạng như, dùng bút xóa, băng dính hay là bùn đất để che khuất, làm biến dạng chữ số trên biển số. Cầu kì hơn, có những lái xe dùng lá bài, phong bì hay một tấm thép mỏng được kẹp vào biển số để che chắn.
Các tài xế dùng rất nhiều chiêu trò để tránh phạt nguội của cơ quan chức năng.
Chiếc kẹp này còn được buộc một sợi dây luồn vào trong xe hoặc buộc vào cần gạt nước kính sau. Khi gặp công an, lái xe chỉ cần giật mạnh dây hoặc bật cần gạt nước để chiếc kẹp rơi ra để tấm che rơi xuống, tránh bị xử phạt.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng - Đội trưởng Tuần tra kiểm soát cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Cục CSGT) cho biết, kể từ khi 110 camera được lắp đặt trên cao tốc này vào đầu tháng 7, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện. Bên cạnh lỗi vi phạm tốc độ, các camera còn ghi lại lỗi đi vào làn khẩn cấp; dừng đỗ không đúng quy định; đi ngược chiều, lùi trên đường cao tốc...
Sau hơn 4 tháng hoạt động, hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trên cao tốc, đơn vị đã xử phạt hơn 4.000 trường hợp, trong đó phạt trực tiếp khoảng 3.000 tài xế. Ngoài ra, gần 1.000 chủ phương tiện đã đến nộp phạt "nguội" theo giấy mời.
Cùng với việc các trường hợp bị phạt nguội tăng, ngày càng xuất hiện nhiều xe có hành vi cố tình làm che khuất biển số để tránh bị phạt nguội khi đi trên cao tốc bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, đơn vị đang tiếp tục tận dụng tối đa hệ thống camera giám sát để hỗ trợ xác minh và phát hiện xe có dấu hiệu che biển số. Khi phát hiện phương tiện vi phạm, trung tâm điều hành sẽ thông báo cho tổ tuần tra lưu động dừng xe ở trạm dừng nghỉ hoặc trạm thu phí để xử lý.
Tuy nhiên, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi cố tình làm mờ biển số chi bị phạt hành chính từ 800 ngàn – 1 triệu đồng, mức xử phạt được đánh giá chưa đủ nặng với các lái xe vi phạm.
Để thêm tính răn đe trong việc xử phạt vi phạm, đội Tuần tra kiểm soát cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã xin ý kiến lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an cho phép tạm giữ phương tiện 7 ngày với các trường hợp ôtô cố tình dán, sơn che biển số để xác định mục đích của hành vi này.
“Do mức phạt còn thấp nên nhiều tài xế vẫn cố tình vi phạm. Để áp dụng hiệu quả hệ thống camera xử phạt nguội trên toàn quốc, cần tăng mức phạt lên gấp chục lần và tước giấy phép lái xe để răn đe các tài xế”, Thượng tá Thắng nêu quan điểm.
Dùng cả BKS giả
Bên cạnh việc che chắn, làm mờ biển số, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho biết, để đối phó với camera phạt nguội, nhiều lái xe đặc biệt là hệ thống xe khách thường xuyên đi tuyến còn ghi vị trí của camera trên kính lái để đề phòng bị “bắn”.
Đặc biệt, còn có một số trường hợp sử dụng BKS giả để tránh bị phạt nguội khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý. Lực lượng CSGT đã phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn và xử lý các lái xe vi phạm, qua đó thu giữ được nhiều loại BKS giả.
Qua tìm hiểu, sau khi lực lượng CSGT tiến hành phạt nguôi qua camera được đẩy mạnh, các nhóm mua bán BKS xe máy, ô tô trên mạng xã hội Facebook hoạt động càng rầm rộ hơn.
Các nhóm như “Làm biển số xe theo yêu cầu”, “Làm biển số xe giá rẻ”… có hàng ngàn người theo dõi với hàng chục yêu cầu giao dịch trong mỗi bài viết quảng cáo.
Nắm bắt được nhu cầu của nhiều người, các đối tượng đã rao bán BKS giả rất lộ liễu và công khai.
Để mua được một chiếc BKS giả, người mua chỉ cần trả 200 – 400 ngàn cho xe máy và từ 800 – 1,5 triệu đồng cho ô tô. Giá cả có sự dao động như vậy, theo người bán đó là do BKS có nhiều phôi khác nhau, loại có hoa văn giống y như thật có giá cao hơn loại không có hoa văn. Sau khi đồng ý giao dịch, người mua chỉ cần chuyển tiền cho người bán và nhận được BKS có số theo đúng yêu cầu sau 3-4 ngày.
Che chắn, bôi bẩn biển số hay dùng BKS giả đều là những hành vi gian dối có chủ đích, có yếu tố liên quan đến an ninh trật tự và ảnh hưởng đến sự an toàn của xã hội. Sau khi được đẩy mạnh phát triển, hệ thống camera an ninh xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội được người dân đánh giá cao bởi nó là hình thức xử phạt hướng tới sự văn minh.
Ngược lại, thay vì chấp hành luật lệ an toàn giao thông, chiêu trò của những lái xe cố tình tìm cách che giấu hành vi vi phạm chính là đang đi ngược chiều với sự văn minh đó. Những hành vi này cần phải chấm dứt hoặc phải bị xử lý với những chế tài phù hợp, nghiêm khắc hơn nếu vẫn còn tiếp diễn.
Sẽ lắp camera phạt nguội trên toàn quốc
Tại Hội nghị thông tin tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2020 được tổ chức mới đây, Đại tá Đỗ Thanh Bình, phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Cục CSGT vừa có tờ trình Bộ Công an về đề án lắp camera phạt nguội trên toàn quốc, thay vì lập chốt trên đường.
Kinh phí lắp đặt được huy động từ các nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn từ Bộ Công an đầu tư cho Cục CSGT và lực lượng CSGT ở các địa phương. Ngoài ra ra có nguồn vốn từ các dự án đầu tư của địa phương để lắp đặt sau đó bàn giao cho lực lượng CSGT hoặc thuê thiết bị từ các công ty. Hệ thống giám sát phải đạt tiêu chuẩn quốc gia, các địa phương khi lắp đặt phải đảm bảo tính an toàn, bảo mật.
Hình ảnh dữ liệu gửi về trung tâm điều hành từ camera lắp đặt trên một số tuyến đường.
Hiện Cục CSGT đang nghiên cứu và sẽ báo cáo Bộ Công an khi áp dụng luật xử lý vi phạm bổ sung, cưỡng chế thi hành để làm sao để quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước người vi phạm phải thực hiện. Tránh việc có những trường hợp vi phạm nhưng vì chưa đến kì đăng kiểm nên chủ quan không chấp hành.
Ngoài ra, đề án cũng hướng tới giai đoạn 2021-2025, Bộ Công an ưu tiên ứng dụng công nghệ để đổi mới cách xử lý, giám sát vi phạm của lực lượng CSGT trên toàn quốc.
Khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ, CSGT chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn là chính, chỉ lập chốt phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng.
Phong Anh