“Ngựa ô” Android và cuộc chạy đua “mở”

08:10, 14/04/2011

Cách đây hơn 3 năm, rất nhiều chuyên gia bày tỏ nỗi thất vọng khi Google chỉ đưa ra hệ điều hành mã nguồn mở Android mà không phải là chiếc điện thoại di động thực sự để cạnh tranh với iPhone. Nhưng giờ đây Android đã trở thành nền tảng chiếm ưu thế cực lớn trên thị trường hệ điều hành cho di động năm 2010. Theo số liệu mới nhất từ Nielsen, Android của Google đã vượt qua iOS của Apple và Blackberry OS của RIM trên thị trường Mỹ. Hiện Android đang nắm giữ 29% thị phần trong khi iOS và Blackberry mỗi hệ điều hành nắm giữ 27%.

           Đua bằng sức trẻ và sự cởi mở

Nielsen còn cho biết, Android đang được người dùng trẻ tuổi từ 18- 24 đón nhận với 6% và 8% với những người trong độ tuổi từ 25- 34. Trong khi đó, chỉ có vẻn vẹn 4% những người trong độ tuổi 18- 24 chọn thiết bị của Apple hoặc điện thoại Blackberry. Mới ra mắt không lâu nhưng Android đã chiếm vị thế dẫn đầu tại thị trường smartphone Mỹ, qua mặt cả Symbian. Cú phi nước đại này quá bất ngờ đến mức mà CEO của Nokia, ông Stephen Elop phải sững sờ: “Android chỉ mới có 2 năm tuổi và tuần trước họ đã vượt lên chúng ta trở thành nền tảng smartphone phổ biến nhất. Không thể tin được". Đây là một trong nhiều điểm nhấn mạnh mà ông Stephen Elop viết trong bức thông điệp khoảng 1.300 chữ gửi đến các nhân viên của mình và được giới truyền thông đăng tải trong thời gian gần đây (theo Số hóa Vnexpress).


Mới đây nhất, Android còn đe dọa thị phần của iPhone khiến cho Apple dù có truyền thống “cửa đóng then cài” cũng buộc phải mở cửa ra để cho ra mắt phiên bản CDMA chứ không còn bó buộc như trước nữa. Có thể nói, chính Android là kẻ mở thế cờ tuyên chiến đầu tiên khiến các hệ điều hành khác cũng phải ra sức đua theo.

Những đại diện rất thành công của Android có thể thấy với  Samsung Galaxy đã bán được 9,3 triệu máy trên thế giới. Riêng tại Hàn Quốc thì bán được 2 triệu máy, vượt qua doanh số iPhone. Motorola Droid chỉ trong 7 ngày ra mắt bán được 250.000 bản. Mới đây là LG Optimus One đạt doanh số 1 triệu chiếc trong vòng 40 ngày.


Sở dĩ Android có được những thông số hết sức ấn tượng chỉ trong thời gian ngắn nhờ đó là một hệ điều hành mở. Những lập trình viên, các nhà sản xuất có thể “xào nấu” món ngon riêng để tạo nên sự khác biệt. Có thể thấy, rất nhiều dòng điện thoại từ cao cấp như HTC, LG, Samsung... đến bình dân như Huawei cùng chạy Android nhưng mỗi mẫu đều có sức hút riêng. Loại có bàn phím cứng hoặc không, cấu hình cao hay thấp, giao diện tùy biến…


Không chỉ có nhà sản xuất mà dân chơi công nghệ  như các cộng đồng chuyên về modding: Cyanogen, XDA – World hay Modaco cũng tham gia chế tạo những firmware mới cho điện thoại Android. Đó là chưa kể còn có thể Overclock, ép  xung, vốn  thường chỉ có trên máy tính. Bản thân Android cũng đã đáp ứng được các tiêu chí của một hệ điều hành hiện đại: hỗ trợ tốt đa điểm, truy cập ứng dụng một chạm, cài đặt ứng dụng dễ dàng thông qua market, kho ứng dụng lớn, có nhiều game hay, mạnh mẽ về kết nối, tìm kiếm và mạng xã hội cùng các tính năng giải trí. Đặc biệt là việc thường xuyên cập nhật các phiên bản mới (mới nhất là Android 2.3 cho điện thoại và Android 3.0 cho máy tính bảng) luôn khiến cho hệ điều hành này luôn có chuyện để nói, để bàn cãi và thu hút giới trẻ ưa vọc vạch.

Giành chiến thắng ở phân khúc thấp và trung

Nhiều tùy biến, liên tục được cập nhật mới, hoàn toàn mở nhưng Android vẫn có những yếu điểm nhất định. Đó là không thật sự mạnh mẽ về các tính năng văn  phòng. Các ứng dụng văn phòng đa phần phải trả phí nếu  muốn sử dụng đầy đủ tính năng, Các ứng dụng cho phép sử dụng đầy đủ như Thinkfree Office thì lại đòi hỏi kết nối mạng. Điều đó sẽ làm phát sinh cước dịch vụ 3G cho người dùng hoặc phải ở nơi có sóng Wifi. Việc cập nhật quá  nhanh chóng các phiên bản mới tuy có ưu điểm luôn tạo sự mới lạ, cuốn hút nhưng cũng gây tâm lý khó chịu, bực bội cho những người đã lỡ mua phiên bản cũ hơn. Họ cảm thấy chiếc điện thoại của mình mới mua đã nhanh chóng lỗi thời.


Trong đó, việc các hãng sản xuất liên tục tung ra các phiên bản và down giá mạnh các phiên bản cũ còn làm cho người dùng cảm thấy điện thoại mất đi giá trị và mau chán. Và không loại trừ yếu tố, bất cứ nhà sản xuất nào cũng có thể sản xuất Android, từ những nhà sản xuất tên tuổi đến  hàng “no name từ Trung Quốc như máy tính bảng Trung Quốc đang xuất hiện lạn tràn đã thực sự khiến Android ít nhiều bị ảnh hưởng. Cứ nhắc đến Android là dễ nhắc đến sản phẩm rẻ tiền, phổ biến quá mức và không còn sang trọng.


Vì vậy, Android chỉ có thể giành chiến thắng ở smartphone phân khúc thấp và tầm trung chứ khó mà đánh bại iOS và mới đây nhất là sự kết hợp của Nokia- Microsoft. Ở phân khúc này, không ai có thể qua mặt được Android thị phần sẽ chiếm vị trí dẫn đầu trên toàn thế giới vì ngoài smartphone, Android đang được ứng dụng rất nhiều trên máy tính bảng. Sắp tới đây, người dùng smartphone sẽ có được những mấu điện thoại đẹp, giá rẻ, đầy đủ tính năng kết nối, văn phòng, giải trí. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng sở hữu chiếc smartphone được được, đủ tính năng không thua kém bất kỳ những dòng điện thoại cao cấp khác. Điều này cũng đặt ra một áp lực cạnh tranh rất lớn với các hệ điều hành khác. Ngoài việc chạy đua cải tiến hệ điều hành của mình, họ phải ra sức giành lấy thị phần người trẻ dùng điện thoại. Bởi lẽ đây mới là đối tượng thường xuyên mua, sử dụng điện thoại nhiều và thường xuyên nhất. Thành công rực rỡ của Android tính đến thời điểm này cũng chính nhờ đánh vào đúng đối tượng này.


Có một điểm thành công của Android mà có thể những hệ điều hành khác chưa nhận ra chính là cho phép dùng rất nhiều phần mềm Free. Một ưu điểm hấp dẫn đối với các thị trường không có thói quen trả tiền bản quyền phần mềm hoặc gặp khó khăn trong việc thanh toán điện tử. Nếu không có ứng dụng thì smartphone không khác gì chiếc điện thoại bình thường. Vì vậy mà cộng đồng mạng luôn tìm cách jairbreak các phiên bản iPhone hay hack Windows phone 7 nhằm cài các  ứng dụng không hợp pháp.


Do đó khiến quá trình cài đặt ứng dụng từ đơn giản trở thành phức tạp, đồng thời có thể làm cho hoạt động của điện thoại mất ổn định. Thế nên rất nhiều ý kiến của giới lập trình viên, chuyên gia công nghệ cho rằng, các hệ điều hành khác trong quá trình cạnh tranh sắp tới cũng nên mở rộng kho phần mềm của mình để người dùng thoải mái trải nghiệm. Khi đã thích, đã mê họ sẽ sẵn sàng trả phí cho những ứng dụng hữu ích hoặc ứng dụng nâng cao.

                                                                           Vy Ái Dân

TIN LIÊN QUAN