Người dân vùng cao tiếp cận chuyển đổi số qua chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bằng tài khoản

12:14, 25/07/2022

Sau thời gian thí điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thông qua tài khoản tại 03 tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Đắk Nông. Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức hội thảo tổng kết nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Đến nay nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã chuyển từ chi trả tiền DVMTR trực tiếp sang chi trả qua tài khoản. Việc này đã giúp giảm chi phí và giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực lâm nghiệp. Không những thế đây còn là điều kiện để người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao tiếp cận chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương.

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh có 4.608 chủ rừng. Để người dân hiểu được những tiện ích của việc chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, thời gian đầu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ rừng trên địa bàn tỉnh mở tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử. Đồng thời phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo hạt kiểm lâm, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn phối hợp với phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, hướng dẫn mở tài khoản cho các chủ rừng.

Cán bộ kiểm lâm và các lực lượng chức năng tới tận nơi để tuyên truyền chuyển đổi số cho các chủ rừng ở vùng cao.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viettel Pay, đến nay tổng số lượng chủ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã mở tài khoản là 2.273/4.608 chủ rừng (đạt 49,3%). Trong đợt chi trả gần nhất cuối năm 2021 Điện Biên đã thực hiện chi trả tiền DVMTR qua tài khoản cho 1.945 chủ rừng, với số tiền 218,4 tỷ đồng. Thời gian tới tỉnh Điện Biên tiếp tục tuyên truyền, rà soát, tổng hợp các chủ rừng chưa mở tài khoản tìm giải pháp tháo gỡ để thực hiện đồng bộ toàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 229.000 ha rừng được chi trả tiền DVMTR, với 18.766 chủ rừng được nhận tiền chi trả. Trong đó có 18 chủ rừng là tổ chức, 108 chủ rừng là UBND xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 18.640 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng. Thay vì hình thức trả tiền trực tiếp như trước đây, từ năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng và đơn vị nhận ủy thác Bưu điện tỉnh. Việc chi trả tiền qua tài khoản đã mang lại hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và an toàn.
Ông Tráng A De, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Khu Chu Phìn, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết: Thôn có 146 hộ, nhận bảo vệ, chăm sóc hơn 238 ha rừng. Bình quân mỗi năm, cộng đồng thôn được nhận trên 195 triệu đồng tiền DVMTR. Những năm trước, chúng tôi rất vất vả trong việc thông báo người dân đến nhận tiền và hoàn thiện thủ tục chi trả DVMTR, có trường hợp phải lên tận lán ở nương xa để thông báo. Nay thực hiện chi trả qua tài khoản giúp giảm bớt nhiều khâu trung gian, mà lại thuận tiện cho nhân dân. Hơn nữa, tiền để trong tài khoản ngân hàng nên rất an toàn.

Cán bộ kiểm lâm và các lực lượng chức năng tới tận nơi để tuyên truyền chuyển đổi số cho các chủ rừng ở vùng cao.

Trung bình mỗi năm bà con dân tộc thiểu số tại 5 xã (Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Nậm Pung, Trung Lèng Hồ) nhận khoán bảo vệ rừng với Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai) và nhận về hơn 6 tỷ đồng tiền DVMTR. Toàn bộ số tiền trên được chi trả cho 24 cộng đồng thôn thông qua tài khoản ngân hàng. Ông Ngô Kiên Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Trưởng Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Hình thức chi trả tiền DVMTR qua tài khoản của cộng đồng thôn mang lại nhiều tiện ích, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tăng tính minh bạch.

Việc chi trả tiền khoán bảo vệ rừng qua tài khoản ngân hàng được Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (Lào Cai) thực hiện từ năm 2019. Theo đó, hàng năm đơn vị đã hỗ trợ các cộng đồng thôn lập kế hoạch chi, giám sát việc chi trả cho các hộ nhận khoán. Chính sách chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân, bởi hình thức này giúp người dân giữ được tiền (tích lũy được tiền), tránh việc mất cắp, mua đồ đạc ồ ạt sau khi nhận tiền mặt như trước đây. Nhiều hộ có khoản tích lũy để sắm xe máy, làm nhà mới và mua sắm vật dụng sinh hoạt trong gia đình.

Ông Nguyễn Thanh Lĩnh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai cho biết: Việc triển khai chuyển đổi số chi trả tiền qua tài khoản và qua đơn vị trung gian đã cho thấy sự hiệu quả, minh bạch và an toàn. Hiệu quả là giúp rút ngắn thời gian từ khi chi trả đến khi chủ rừng nhận được tiền từ 2 tháng xuống còn 15 ngày, giải phóng sức lao động của cán bộ quỹ, giảm chi phí phát sinh trong quá trình chi trả. Tính minh bạch được nâng cao, trước khi chuyển tiền, quỹ thông báo cho chủ rừng đầy đủ thông tin về diện tích, đơn giá và thời gian chi trả. Bên cạnh đó, các ngân  hàng và đơn vị trung gian đều có quy trình vận chuyển, chi trả tiền chuyên nghiệp, ít sai sót, nhầm lẫn nên hình thức chi trả tiền qua tài khoản ngân hàng rất an toàn.

Những cánh rừng xanh tốt đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả tiền DVMTR qua tài khoản, tiêu biểu là Nghệ An, Yên Bái, Đắk Nông, Điện Biên, Kon Tum, Hòa Bình, Lào Cai… Việc chuyển đổi số này có đa tác dụng: giảm rủi ro trong quá trình vận chuyển tiền, giảm nhân lực thực hiện việc chi trả, rút ngắn thời gian, tăng tính minh bạch, dễ dàng kiểm soát tài chính, không những thế đây còn là cơ hội để người dân đang sinh sống ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận chuyển đổi số.

Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các tỉnh tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đối với thực hiện chi trả tiền DVMTR đến người dân và các đối tượng tham gia bảo vệ rừng cung ứng DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử và qua đối tác trung gian là hệ thống bưu điện. Trường hợp các phương án chi trả qua tài khoản, qua đối tác trung gian đều khó khăn hoặc không khả thi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cần báo cáo UBND các tỉnh có phương án chi trả phù hợp và đảm bảo an toàn, công khai, minh bạch.

Bình Minh, Hoàng Tuệ