Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh Người thầy vĩ đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam

09:21, 18/06/2024

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của báo chí trong việc tổ chức, tập hợp quần chúng tự giác tham gia phong trào cách mạng. Đầu thế kỷ 20, khi tiếp cận tác phẩm của Lênin, Người tâm đắc câu nói của lãnh tụ vô sản Nga: “Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị... Không có tờ báo thì không thể tiến hành hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện”.

Hồ Chủ tịch chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo, các nhóm phóng viên phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960). Ảnh: TTXVN

Nguyễn Ái Quốc bước vào nghề báo

Năm 1917, sau những năm tháng bôn ba tại Mỹ, Anh, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quay lại Pháp. Chính trong những ngày tháng này, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng muốn tiếng nói, tư tưởng của mình được biết đến, không gì tốt hơn, hiệu quả hơn là thông qua phương tiện báo chí. Khi mới đặt chân đến Pháp, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc chưa phải là người giỏi tiếng Pháp. Nhưng người thanh niên yêu nước đã tích cực học tiếng Pháp, bằng mọi cách. Học từ sách vở, từ giao tiếp hàng ngày để mục đích là trong thời gian ngắn nhất vận dụng thành thạo ngôn ngữ Pháp.

Tranh thủ tối đa quỹ thời gian, vừa tự học tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc vừa song song học viết báo. Sự học này cũng gian nan không kém. Ban đầu chỉ viết các mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, rồi từ đó Người viết dần các chủ đề lớn hơn, tập trung hơn. Từ những hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp, bạn bè người Pháp, cây bút Nguyễn Ái Quốc ngày càng vững vàng. Cũng từ đó, vốn tiếng Pháp được trau dồi, giúp Người dần có thể viết báo thuần thục như một nhà báo Pháp. Các tác phẩm “Tâm địa thực dân”, “Vấn đề dân bản xứ” hay “Yêu sách của nhân dân An Nam”, được xem là những bài báo dài, có tiếng vang đầu tiên của ký giả Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 28/6/1919, các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất khai mạc hội nghị  tại Versailles. Thay mặt những Việt kiều, Bác viết và gửi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam.

Bài “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà Nguyễn Ái Quốc ký tên để gửi các đại biểu các nước dự hội nghị đã đồng thời được đăng lên 2 tờ báo xuất bản ở Paris là l’Humanité và le Populaire de Paris (Dân chúng) cùng ngày 18/6/1919. Bài “Vấn đề dân bản xứ ở Đông Dương” đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp số ra ngày 2/8/1919. Bản yêu sách còn được đăng trên “Nghị xã báo” (Yiche Pao) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).

Ngay từ những bài báo đầu tiên ấy, cây bút Nguyễn Ái Quốc với văn phong và lý lẽ sắc bén đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý đặc biệt của độc giả trên đất Pháp. Về sau này, nhiều nhà nghiên cứu đã đồng nhất rằng, các tác phẩm báo chí của Nguyễn Ái Quốc viết trong thời gian hoạt động ở Pháp (1919 - 1923) thể hiện tinh thần phê phán chủ nghĩa đế quốc, thực dân Pháp và đòi tự do, bình đẳng cho người lao động, đòi quyền độc lập, tự quyết cho các nước thuộc địa.

Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa. Năm 1922, ông và các đồng chí cùng chí hướng lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), xuất bản số báo đầu tiên bằng ba thứ tiếng Pháp, Ả rập và Trung Quốc. Số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922, Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo từ: viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc.

Ngoài tờ “Người cùng khổ”, Người còn viết cho nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp, trực tiếp sáng lập và tham gia sáng lập nhiều tờ như: Việt Nam Hồn (1923), “Quốc tế Nông dân” (1924).

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc trở về trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, gây dựng “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh việc mở lớp tập huấn, kết nạp đoàn viên, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội xuất bản tờ Thanh niên, số đầu tiên ra ngày 21/6/1925, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận cho tờ báo này đến tận cuối năm 1929 khi Hội kết thúc vai trò lịch sử của mình. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng từ khi ra đời được cắt nghĩa đơn giản mà lớn lao: tuyên truyền “để càng ngày càng đông quần chúng biết mục đích của Đảng” (1).

Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam.

Tháng 2/1927, Bác lập ra báo Lính kách mệnh.

Năm 1930, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, xuất bản ngày 5/8/1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta.

Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc lập.

Năm 1942, Bác chỉ đạo sáng lập báo Cứu quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Kể từ ngày báo Nhân dân ra số đầu tiên (11/3/1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với tờ báo này. Người đã viết hàng trăm bài báo cho báo Nhân dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng.

Như vậy, tính từ bài báo đầu tiên “nhỏ như bao diêm” đăng trên tờ báo Đời sống thợ thuyền năm 1917 ở Pháp đến bài báo sau cùng mà Bác viết là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn” (Báo Nhân dân, ngày 25/8/1969), Bác đã có một sự nghiệp làm báo kéo dài 52 năm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nơi làm việc của Người (1957). Ảnh: TTXVN

Nhà báo Hồ Chí Minh

Bác không chỉ sáng lập ra nhiều tờ báo cách mạng Việt Nam, mà còn là Người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn làm báo, Người đã đúc kết thành những quan điểm toàn diện và sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ, tính chất của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; về nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm báo; về đạo đức báo chí và phong cách làm báo, viết báo. 

Ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều tên gọi, bí danh hay bút danh khác nhau. Mỗi tên gọi, bí danh hay bút danh của Người đều có một ý nghĩa riêng, phục vụ từng giai đoạn cách mạng. Các tên gọi, bí danh của Người phần nào phản ánh nhân cách, tư tưởng lớn lao của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới 175 tên gọi, bí danh, bút danh qua các thời kỳ.

Ngay từ năm 1947, trong những ngày kháng chiến gian khổ, trong bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền” trên báo Sự thật số 79 (từ ngày 26/6/1947 đến ngày 9/7/1947), Hồ Chủ tịch đã viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Nhiều câu được cô đúc lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người cũng lưu ý rằng, dân chúng không nhất luận như nhau. Đối với mỗi tầng lớp đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho lớp đối tượng có trình độ nhận thức, văn hóa thấp. Bởi vì đối tượng này hiểu được thì các đối tượng khác cũng nắm bắt dễ dàng.

Mục đích nói và viết của Hồ Chủ tịch là làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Người dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực và phê phán thói “ba hoa”, kiểu “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. Người dạy: “Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy” (2).

Về vai trò quan trọng của báo chí cách mạng, theo Người: “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu ai cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng” (3).

Báo chí cách mạng có vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận, cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về quan điểm chính trị, về hình thức, về nội dung, về cách viết. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Người đã từng khẳng định “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang” (4).

Bác đã từng trao đổi bốn nghiệp vụ viết báo cơ bản với đội ngũ báo chí: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?” (5) và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó.

Đối với báo chí cách mạng Việt Nam, Bác chỉ rõ phải có tính giai cấp: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội... Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí ta không phải để phục vụ cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”(6).

Hồ Chủ tịch gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước tại thủ đô Hà Nội (5/1968). Ảnh: TTXVN

Đến Đại hội đại biểu lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta” (7).

Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của báo chí nước nhà lúc đó: “Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng. Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau. Lộ bí mật. Có khi quá lố bịch. Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”. Người khuyên các nhà báo phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt, nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi. Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”.

Hồ Chủ tịch nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (ngày 8/9/1962). Ảnh: TTXVN

Đối với người làm báo, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, Bác nhắc: “Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” (8). Có như vậy, người làm báo mới hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bác còn nói rõ: “Nhiệm vụ của Hội Nhà báo là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế, Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng. Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (9).

Báo chí cách mạng Việt Nam là một trong những công cụ sắc bén, hiệu quả để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là tiếng nói của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những người làm báo nguyện giữ trái tim nóng, tấm lòng son, vững vàng ngòi bút để luôn nhớ lời căn dặn của Bác: “Học cái tốt thì khó, ví như leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu”.

(1) Án nghị quyết của Trung ương toàn thể đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng (10/1930). Văn kiện Đảng, 2002. Tập 2. NXB Chính trị Quốc gia.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, 2011. Bài nói chuyện với cán bộ báo chí ngày 17/8/1952. Tập 7. NXB Chính trị Quốc gia.

(3) Bài viết của Bác với chủ đề “Cần phải xem báo Đảng” đăng trên báo Nhân dân, tháng 6/1954.

(4)(6) Bài nói chuyện của Bác tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16/4/1959) - Hồ Chí Minh toàn tập, 2005. Tập 10. NXB Chính trị Quốc gia.

(5) Trong buổi nói chuyện tại trường Chính Đảng Trung ương ở căn cứ Việt Bắc (ngày 17/8/1952).

(7)(8)(9) Bài nói chuyện của Bác tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 8/9/1962) - Hồ Chí Minh toàn tập, 2005. Tập 10. NXB Chính trị Quốc gia.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/nguyen-ai-quoc-ho-chi-minh-nguoi-thay-vi-dai-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-p55188.html