Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của báo chí và chỉ dạy của Người với Báo chí cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đấu tranh cho quyền tự do báo chí, sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là nhà báo thiên tài, người thầy vĩ đại vô cùng kính yêu của những người làm báo. Hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh từ khi còn hoạt động ở Pháp, ở Nga những năm 1920 đến tận cuối đời luôn gắn liền với hoạt động báo chí. Theo quan điểm của Người, muốn làm cách mạng thì phải học làm báo chí, bởi báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng để tuyên truyền cách mạng.
- Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021): Đi theo con đường cách mạng vô sản - Lựa chọn đúng đắn cho dân tộc Việt Nam
- Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2021): Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ
- Phát động rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại
Trải qua 60 năm từ khi bôn ba ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết được một khối lượng tác phẩm khổng lồ gồm hơn 2.000 bài báo các loại, 276 bài thơ cả bằng chữ Việt và chữ Hán, gần 500 trang truyện và ký. Không những thế, Người đồng thời cũng là nhà sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày hàng chục tờ báo cách mạng bằng nhiều thứ tiếng cả trong và ngoài nước. Các tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh vô cùng sâu sắc, vừa có tính lý luận, tính định hướng cao, vừa dễ đọc, dễ hiểu và thực tiễn phong phú. Nhiều tác phẩm của Hồ Chí Minh trở thành tác phẩm kinh điển, mẫu mực cho những thế hệ nhà báo sau này học tập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phóng viên (nguồn ảnh tư liệu).
Trong tư tưởng và quan điểm của mình Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn khẳng định những người làm báo là một bộ phận quan trọng của lực lượng làm cách mạng, “nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí” bởi “Đối với người làm báo cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” và “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”(1).
Định hướng nền báo chí cách mạng ở Việt Nam, quan điểm của Hồ Chí Minh rất rõ ràng: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”(2). Như vậy mục đích cao cả nhất của báo chí trong thời kỳ làm cách mạng giành độc lập, làm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc là phục vụ cách mạng, là phục vụ cho mục đích đấu tranh cách mạng cao cả, vì nhân dân.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm quan trọng, vẻ vang của báo chí và huấn thị những nhà báo, người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập để làm việc có chất lượng, trách nhiệm, có đạo đức, có lương tâm xứng đáng với sứ mệnh cao cả của nghề báo: “về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói, báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình, cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”(3).
Tâm sự chân thành với các nhà báo với tư cách là những người đồng nghiệp, Hồ Chí Minh chia sẻ rất chân thành và thấm thía “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc...”(4)
Kiên định theo con đường Chủ nghĩa xã hội khoa học là nguyên tắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vậy nên đây cũng là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người về báo chí cách mạng. Hồ Chí Minh yêu cầu, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính, đó là đảng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - LêNin, mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Người luôn nhấn mạnh nguyên tắc Đảng phải lãnh đạo báo chí: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959 (nguồn ảnh tư liệu).
Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Hồ Chí Minh căn dặn các học viên về động cơ, mục đích, lý tưởng chân chính của báo chí cách mạng Việt Nam: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính:
1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung.
2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì:
3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:
4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:
5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đon, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:
6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”(5).
Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quan trọng của báo chí với sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy trong kho tàng tư tưởng của Người có rất nhiều bài nói, bài viết để định hướng hoạt động báo chí, chỉ dạy các nhà báo và người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản làm việc đúng tôn chỉ mục đích. Những chỉ dẫn của Người có giá trị lý luận và thực tiễn vượt thời đại luôn là kim chỉ nam định hướng cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam.
Danh mục tài liệu trích dẫn:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H, 2011, tr.466.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H, 2001, tr.414.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H, 2011, tr.166.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, H, 2011, tr.540.
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H, 2011, tr.102.
Trịnh Thị Hương – Trần Thị Kim Oanh