Nhà mạng Mỹ đối phó với bão Sandy thế nào?

16:39, 30/10/2012

Ngành viễn thông là ngành có thể chịu thiệt hại nặng nề do các cơn bão gây ra. Tuy nhiên, tại Mỹ, nơi đang bị cơn bão lớn Sandy hoành hành, các nhà mạng của Mỹ vẫn đảm bảo người dân có thể dùng ĐTDĐ vào đúng lúc họ cần liên lạc nhất.

Nhiều thuê bao Việt Nam mất liên lạc do bão Sơn Tinh

Bão Sơn Tinh làm gãy đổ nhiều cột BTS. Ảnh: Internet

Cơn bão Sơn Tinh (bão số 8) đổ bộ vào các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh … của nước ta khiến dịch vụ viễn thông tại những tỉnh này gặp một số sự cố. Hai nhà mạng lớn là Viettel và VNPT cho biết có một số thiệt hại như đổ một số cột Anten tại các trạm BTS, một số đoạn cáp quang bị đứt do cây đổ, cột đổ, hàng trăm trạm BTS bị mất điện lưới. Các doanh nghiệp viễn thông đã phải triển khai các phương án chạy máy nổ luân phiên để đảm bảo cấp nguồn điện cho các trạm BTS. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trạm bị mất liên lạc luân phiên ở các vùng sâu, vùng xa. Nhiều thuê bao đã bị mất liên lạc do cơn bão Sơn Tinh gây ra.

Trong khi đó, tại Mỹ, trang CNET cho biết hàng triệu người từ bang Virginia đến New England của nước Mỹ được dự đoán sẽ phải sống trong cảnh mất điện do cơn bão Sandy. Nhưng dù vậy, các công ty viễn thông Mỹ vẫn cố gắng để đảm bảo mạng lưới của họ hoạt động tốt trong suốt cơn bão.

Các mạng di động Mỹ không hề gặp sự cố vì bão Sandy

Bão Sandy đã gây gió mạnh và ngập lụt nặng tại các bang như North Carolina, Virginia, Maryland, Delaware, New York, và New Jersey của nước Mỹ. Tuy vậy, theo báo cáo, các mạng lưới điện thoại di động vẫn không xảy ra sự cố nào. Không một nhà mạng lớn nào của Mỹ gặp sự cố đứt mạng.

Cơn bão Sandy qua kỹ thuật Instagram. Cứ mỗi giây lại có gần 10 bức ảnh Instagram về bão Sandy được đẩy lên mạng Internet 

Các công ty viễn thông Mỹ cho biết họ đã làm việc liên tục không ngừng nghỉ để đảm bảo khách hàng luôn được kết nối khi họ cần điều đó nhất.

Hãng Verizon cho biết thực ra họ chuẩn bị cho những kiểu thiên tai này quanh năm. Và công ty luôn có các kế hoạch khẩn cấp để ứng phó, các nhân viên kỹ thuật luôn sẵn sàng “xung trận” khi cần.

“Các đơn vị điện thoại cố định và không dây của Verizon đã kích hoạt lệnh theo dõi trên toàn quốc và khu vực, cho phép các nhóm chống thiên tai của Verizon kiểm soát chặt chẽ tiến trình của bão và các hoạt động của công ty, trong đó có hoạt động của mạng lưới”, đại diện Verizon cho biết.

AT&T tuyên bố đã chi hơn 600 triệu USD vào việc chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp từ năm 1991, và nói rằng họ có hẳn “một kho vũ khí bao gồm các thiết bị và con người để chống thiên tai ngay khi cần”.


Sprint Nextel cũng cho biết đã có sự chuẩn bị rất tốt. Đại diện công ty cho biết Sprint Nextel đã xếp cát để che chắn và bảo về các trạm, thiết bị mạng lưới tại những khu vực dự báo sẽ ngập lụt từ mấy ngày trước. Công ty cũng đã sắp xếp đầy đủ các máy phát điện tại các trạm BTS của hãng, cung cấp điện đủ trong 48-72 giờ khi đường điện địa phương bị cắt. Họ cũng đã chuẩn bị cả máy phát điện di động trong trường hợp cần thiết một khi cơn bão đã đi qua.

T-Mobile nói cũng đã “điều” máy phát điện dự phòng tại các điểm BTS để sẵn sàng triển khai, cũng như có sẵn các thiết bị công nghệ vi ba (microwave) để sử dụng nếu cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Công ty cũng có “bánh xe di động” (cell-on wheel) mà họ gọi là COW, để tiến vào những khu vực, làng mạc nơi dịch vụ di động bị ngắt quãng hay gặp sự cố.

Vì sao mạng di động Mỹ vẫn thông suốt trong cơn bão?

Dù có sự chuẩn bị rất kỹ càng, song thực sự rất khó nói ngay rằng các mạng lưới ĐTDĐ sẽ vẫn “sống” dưới các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, các nhà mạng Mỹ đã làm mọi thứ cần thiết đảm bảo mạng vẫn thông suốt. Hãy xem các mạng di động Mỹ đã làm như thế nào để chống chọi với thiên tai.

Các trạm BTS luôn phải có điện: những trạm BTS cần có điện để đảm bảo truyền các tín hiệu radio. 

Không có điện, chúng không còn chức năng gì nữa. Vì thế, các nhà mạng buộc phải có phương án dự phòng trong trường hợp mất điện, đó là chuẩn bị máy phát điện và pin dự phòng tại các trạm BTS để đảm bảo chúng vẫn hoạt động khi điện lưới bị cắt. Sprint nói họ có đủ điện cho các trạm BTS duy trì trong 48-72 giờ. Một khi cơn bão đi qua, các nhân viên của họ sẽ có thể an toàn xuất hiện tại hiện trường, và tiếp tục tiếp điện cho các máy phát điện này, đảm bảo dịch vụ không dây hoạt động, ngay cả khi điện lưới vẫn bị cắt trong những ngày tiếp theo.

Trạm BTS phải luôn luôn có điện để hoạt động

Thận trọng với những hư hỏng do gió và nước ngập tại các điểm BTS: 

Thiết bị truyền tín hiệu đến ĐTDĐ phải luôn nằm trên đỉnh các tháp BTS và các cơ sở hạ tầng khác. Những thiết bị dùng trong BTS cũng phải đảm bảo chống chọi được với các điều kiện bất thường của môi trường. Dù vậy, vẫn có những hạn chế - đó là rủi ro đến từ gió mạnh và nước ngập lụt. Nếu gió và mưa trở nên quá mạnh, khiến việc truyền tải tín hiệu của BTS gặp vấn đề, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông không dây phải có trạm BTS di động và thay thế tạm thời, để sẵn sàng triển khai cho đến khi sửa chữa xong các trạm BTS truyền thống. Đó chính là các COW như hãng T-Mobile đã nói, có thể đi vào các làng mạc hoặc khu vực nơi sóng di động bị ảnh hưởng.

Những hư hỏng đối với đường dây và các cơ sở hạ tầng viễn thông khác

Các mạng lưới không dây thực ra chỉ “không dây” ở đoạn từ ĐTDĐ của người dùng đến trạm BTS truyền tải tín hiệu. còn các khâu như truyền tải thoại hay dữ liệu đều có tuyến đi qua cáp quang, thường là cáp ngầm dưới đất. Nếu một trong các cáp này gặp sự cố, đứt kết nối, có thể hàng trăm, hay hàng ngàn người dùng di động sẽ không liên lạc được. Chính vì thế, các nhà mạng luôn phải tính đén phương án này khi xây dựng cáp, và nếu một phần của cáp bị chặn, đường lưu thông sẽ chạy trên một kết nối khác.

Một đại diện của Verizon cho biết công ty luôn phải đảm bảo các tuyến cáp được “niêm phong”, hệ thống điều áp không khí giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng này. Ngay cả dưới những điều kiện thời tiết bình thường, một số tuyến cáp này nằm dưới nước trong các lỗ cống và chúng hoạt động tốt.

Mạng lưới bị tắc nghẽn và quá tải có thể khiến cuộc gọi gặp khó khăn. 

Chính vì thế, các mạng lưới không dây phải được xây dựng sao cho một trạm BTS cung cấp tín hiệu cho một khu vực nhỏ. Thực ra, một trạm BTS chỉ có thể giải quyết một số lượng công suất cuộc gọi nhất định. Và nếu mọi khách hàng trong khu vực trạm BTS đó đang cùng lúc thực hiện cuộc gọi, mạng lưới có thể trở nên quá tải. Điều này có nghĩa là với những người đang cố gắng thực hiện cuộc gọi, cuộc gọi sẽ bị rớt hoặc không thực hiện được. Các mạng lưới dữ liệu sẽ không kết nối hoặc chúng sẽ truyền tải thông tin rất chậm. Nếu mạng lưới thực sự tắc nghẽn, kết nối sẽ rớt. Đó là lý do tại sao sẽ rất khó gọi điện thoại khi bạn đang đứng ở nơi có nhiều người, như là sân vận động chẳng hạn.

Khi không thể gọi điện, nhắn tin là một giải pháp vì mạng lưới sẽ cố gửi tin nhắn đi đến khi thành công

Cách tốt nhất để liên lạc khi mạng lưới bị quá tải là gửi tin nhắn. Khi cuộc gọi không thực hiện được vì có quá nhiều người dùng gọi lúc dó, mạng lưới sẽ tiếp tục cố gắng gửi tin nhắn đi cho đến khi thành công.

Trong tình huống bão lụt, thiên tai, mạng lưới rất có thể bị quá tải. Nhưng vì cơn bão thường chỉ diễn ra trong mấy giờ, ít có khả năng mọi người cùng gọi điện một lúc. Số lượng cuộc gọi thực hiện trong một thời gian ngắn khiến mạng lưới nghẽn ít xảy ra. Song trong trường hợp động đất lại khác. Trong vụ động đất xảy ra năm ngoái, một số dịch vụ viễn thông đã bị sập trong một thời gian ngắn sau động đất, bởi nhiều người cố gắng gọi điện cùng lúc. Cách tốt nhất mà người dùng di động không dây nên chuẩn bị trước cơn bão là sạc cho thiết bị đầy pin, và phải có pin dự phòng cũng đã được sạc đầy. Nếu có xe hơi, bạn nên có bộ sạc trên xe hơi cho điện thoại, vì thế bạn có thể sạc pin nếu bị mất điện trong mấy ngày. Bạn có nguy cơ bị mất điện nhiều hơn là bị mất dịch vụ liên lạc di động.

Trần Thị Huyền

TIN LIÊN QUAN