Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhà văn ngày nay phải có phong cách và giọng điệu độc đáo để vượt lên được trí tuệ nhân tạo

12:42, 22/01/2025

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở nên hết sức phổ biến và tác động đến cả văn học nghệ thuật. Nhân dịp đầu năm mới 2025, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có những tâm sự về thực tế của AI với văn chương và thơ ca.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng không lâu nữa AI sẽ có thể thay thế các nhà thơ.

PV: Trước hết, ông nghĩ gì về trí tuệ nhân tạo với văn học nghệ thuật?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thực ra, tôi đã biết manh nha về AI từ rất lâu rồi. Từ khi sử dụng điện thoại thông minh, tôi đã biết đến công nghệ có thể chuyển lời nói thành văn bản. Và thậm chí, công nghệ này còn chính xác đến tận dấu chấm, dấu phẩy… Nhờ có công nghệ này, toàn bộ những gì chúng ta cần ghi chép đã trở nên hết sức thuận lợi và có thể ví một cách không ngoa là không khác gì một người thư ký mà không cần phải trả lương. 

Tuy nhiên, phải đến gần đây thì tôi mới thực sự biết đến AI với những đỉnh cao mới trong văn chương. Trong một lần họp Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Việt có hỏi tôi xem đã biết đến ChatGPT chưa. Khi đó, tôi không hiểu ChatGPT là cái gì cả và nhà thơ Hữu Việt cho biết là hay lắm. Bạn của Hữu Việt ở một cơ quan báo chí nhờ có công cụ AI này đã có ngay một bức tranh Tết và thậm chí giành giải nhất báo chí toàn quốc. Tôi thấy rất lạ vì xưa nay mới chỉ biết AI có thể làm thơ, viết văn… và có thể yêu cầu AI sáng tác theo phong cách Trần Đăng Khoa của tôi hay phong cách Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận… 

Thực ra, tôi cũng không tin lắm về khả năng của AI với sáng tác thơ văn vì về cơ bản nhiều năm qua mới chỉ là trò chơi thôi. AI có thể sáng tác theo phong cách của tôi nhưng thực ra không phải là tôi. Nó có thể dùng câu chữ của tôi để viết thành một bài thơ khác theo yêu cầu đặt ra. Và kết quả có được rất nhanh là một bài thơ theo phong cách Trần Đăng Khoa với vần điệu hết sức chuẩn. Chỉ có điều là có thể còn hơi vô nghĩa. Thêm nữa, thơ của Trần Đăng Khoa đã xuất hiện trên mạng thế nào thì AI có thể khai thác và ghép mới rất nhanh để thành nội dung mới. Chữ là chữ của mình nhưng cuối cùng lại không phải là mình. Và đầu tiên tôi cũng chỉ nghĩ ở mức đó thôi, tức là ở mức trò đùa!

Chúng ta chỉ có 24 chữ cái trong văn thơ và có 7 nốt trong âm nhạc, nhưng có thể tổ hợp lại ra muôn hình vạn trạng. Với mỗi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ thì tuỳ theo từng người sẽ ra được những áng văn, giai điệu khác nhau và không ai giống ai cả. Tuy nhiên, với các công cụ AI thì kết quả của các tổ hợp sẽ còn lớn hơn rất nhiều. 

Ảnh minh họa (AI).

PV: Vậy cụ thể, ông đã thử nghiệm với ChatGPT như thế nào?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đầu tiên, tôi cũng ngờ vực khi nhà thơ Hữu Việt giới thiệu về ChatGPT. Nhân lúc cả hai đi ăn phở Hoàng Hương ở 20 phố Bảo Khánh, Hà Nội, tôi đã yêu cầu ChatGPT làm một bài giới thiệu về món phở ở đây. Và sau có 2 giây, ChatGPT đã cho ra kết quả là một bài báo rất hấp dẫn về món phở này một cách rất đầy đủ cùng cả phong cách phục vụ của quán này. Tôi thực sự kinh ngạc về năng lực của ChatGPT qua sự việc này. Thậm chí, trong một chừng mực nào đó, cách viết của ChatGPT còn hấp dẫn hơn cả nhà văn Nguyễn Tuân về món phở thân quen này.

Sau đó, về nhà tôi bắt đầu đùa với ChatGPT. Một trong những công việc mà nhà thơ, nhà văn hay làm là viết điếu văn cho người nọ, người kia vừa khuất. Tôi đã yêu cầu ChatGPT viết điếu văn cho chính mình nhưng vì có nhiều người trùng tên Trần Đăng Khoa nên phải nói rõ là “lão già” Trần Đăng Khoa mà người ta gọi là nhà thơ. Tôi không dám ra yêu cầu với ChatGPT viết về những người khác vì lỡ họ biết được thì sẽ không hay. Chỉ sau có 2 giây, ChatGPT đã cho ra điếu văn nhà thơ Trần Đăng Khoa với đầy đủ thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tính cách, tác phẩm… trong phạm vi 800 chữ như yêu cầu đặt ra với phong cách không khác gì một nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.

Sau đó, tôi lại yêu cầu ChatGPT viết một bài giới thiệu về nhà thơ Trần Nguyên Minh. Và chỉ trong tích tắc, ChatGPT đã cho ra kết quả mà bản thân nhà thơ Trần Nguyên Minh cũng rất phục. Vì thế, tôi thấy lạ quá về năng lực của ChatGPT. Đúng lúc ấy, lại có một người bạn đưa cho tôi một tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi để nhờ viết lời giới thiệu. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi đọc tập truyện này thì không thấy thực sự hay nên không có hứng để viết lời giới thiệu. Do đó, tôi đã nạp một nội dung của tập truyện này cho ChatGPT để yêu cầu nó viết lại một câu chuyện khác cho lứa tuổi 5 - 7 tuổi. Cũng chỉ trong có 2 giây, ChatGPT đã viết xong truyện mới và so sánh giữa hai tác phẩm thì thậm chí ChatGPT có phần viết hay hơn theo cảm nhận của tôi. Cẩn thận hơn, tôi đã chia sẻ kết quả này của ChatGPT với một số đồng nghiệp như Chu Nhạn, Hoàng Anh Sướng… và họ cũng thừa nhận điều đó. 

Qua thực tế này, tôi đã tâm sự với nhà văn nói trên là có lẽ phải xem lại công nghệ sáng tác của chính mình. ChatGPT có năng lực rất cao và chỉ trong tích tắc đã có thể cho ra tác phẩm có phần hay hơn. Cho nên, tập truyện đó có lẽ không nên đem in nữa nhưng không xuất bản thì cũng phí. Do vậy, tôi khuyên nên cho đăng báo một số truyện ngắn để kiếm ít nhuận bút. 

Về thực tế này tôi lại chủ động gặp nhà văn Hoàng Anh Sướng - người rất có công viết về văn hoá trà đạo hết sức đặc sắc. Được nghe tôi giới thiệu về AI mà cụ thể là ChatGPT, nhà văn Hoàng Anh Sướng đã yêu cầu ChatGPT viết về không gian trà đạo với 3 yếu tố không thể thiếu là nhạc thiền, bối cảnh và tiếng chuông. Cũng chỉ trong có 2 giây, ChatGPT đã cho ra kết quả là một bài viết về không gian thưởng thức trà đạo hết sức hay và đầy đủ khiến nhà văn Hoàng Anh Sướng phải thốt lên rằng bản thân anh viết không bằng ChatGPT thậm chí phải cho 10 điểm.

Sau đó, nhà văn Hoàng Anh Sướng lại ra yêu cầu ChatGPT viết về sự khác nhau giữa trà đạo Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Và kết quả mà ChatGPT làm ra trong tích tắc cũng lại khiến ông phải trầm trồ với từng khúc thước, tiểu mục cho đến cả kết luận.

Tiếp đó, tôi lại yêu cầu ChatGPT viết một truyện vừa cho thiếu nhi về làng Nủ mới bị thiên tai do cơn bão số 3 hồi đầu tháng 9/2024. Cũng chỉ trong tích tắc, ChatGPT đã trả bài cho tôi và còn yêu cầu nhận xét, điều chỉnh. Tôi lại gợi ý cho ChatGPT để điều chỉnh lại nội dung. ChatGPT đã khen những gợi ý đó là “bạn rất thông minh. Tôi không ngờ bạn thông minh thế và bạn có thể phấn đấu để trở thành AI!”. Và cứ như thế, tôi cùng ChatGPT đã cùng nhau hoàn thành một truyện vừa chỉ trong có 15 phút. Đem in truyện này theo tôi là hoàn toàn được.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Nhà văn phải viết thế nào để vượt lên được AI”.

PV: Vậy theo ông, nhà văn, nhà thơ ngày nay phải thay đổi gì trong thời đại AI?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ, với công nghệ AI ngày nay đã đặt ra một vấn đề: Nhà văn phải viết thế nào để vượt lên được AI. Nghĩa là phải có một cá tính sáng tạo và phải có một phong cách, giọng điệu rất riêng biệt của mình để “con ma xó” này không bắt chước được và không thay thế được nhà văn. Đó là thực tế phải đặt ra hết sức nghiêm túc cho các nhà văn trong thời đại ngày nay. Nhà văn phải có phong cách viết khác người, phải độc đáo, phải có giọng điệu riêng một cách không trộn lẫn được với ai. Khi đó AI không dễ gì bắt chước và chỉ có thế thì nhà văn mới tồn tại được.

Ngoài những phong cách, giọng điệu đó, nhà văn còn phải có tư tưởng sáng tác với đóng góp thật sự xuất sắc mà AI không thể thay thế được thì mới thực sự có chỗ đứng và tồn tại được. Cá nhân tôi cũng đã thử hết các khả năng sáng tác với ChatGPT và thấy rằng chỉ có thơ là có phần còn thua kém nhà thơ do thiếu cái hồn của thơ.

Tuy nhiên, trong dòng chảy phát triển của công nghệ thì tôi tin rằng trong thời gian không lâu nữa, các công cụ AI sẽ làm thơ với chất lượng không kém gì các nhà thơ. Tạm thời AI đang bị thua vì chưa tích luỹ đủ tri thức. Nhưng có lẽ không cần quá nhiều thời gian chờ đợi, AI sẽ thay thế các nhà thơ. Thực tế này chắc chắn đòi hỏi các nhà văn, nhà thơ phải nâng tầm lên cho chính mình và viết ra những thứ mà AI không dễ gì thay thế được.

Nhân dịp năm mới 2025, tôi xin có lời chúc với nền khoa học nói chung và AI nói riêng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung mà trong đó không thể thiếu văn học nghệ thuật. Và riêng với các văn nghệ sĩ, cũng nên biết tranh thủ các thành tựu khoa học cho sự nghiệp của chính mình. 

Xin cảm ơn ông và tin tưởng một năm mới với nhiều thành công cùng những chất liệu mới mà khoa học đem lại cho văn học nghệ thuật!

Theo Tạp chí in số 1/2025