Nhân lực công nghệ thông tin và bài toán chất lượng
Với hơn 74.000 doanh nghiệp đang hoạt động và trên 1,2 triệu lao động, ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) đang đóng vai trò trụ cột trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Dự báo đến năm 2030, lĩnh vực này có thể tạo ra 3 triệu việc làm, đóng góp quan trọng vào mục tiêu kinh tế số quốc gia đạt 74 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh triển vọng tăng trưởng ấn tượng là một thách thức ngày càng hiện rõ: chất lượng nguồn nhân lực CNTT chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành.
Trong khi ngành CNTT luôn nằm trong nhóm có mức thu nhập cao và nhu cầu tuyển dụng ổn định, thì các doanh nghiệp vẫn liên tục than phiền về khó khăn trong tuyển dụng, không phải vì thiếu ứng viên, mà vì thiếu người đáp ứng được yêu cầu thực tế. Theo báo cáo thị trường lao động đầu năm 2025, nhu cầu tuyển dụng trong ngành IT giảm nhẹ 2%, trong khi số lượng ứng viên tìm việc lại tăng tới 18%. Dù vậy, tình trạng “khát” nhân lực giỏi vẫn phổ biến, đặc biệt ở các vị trí như lập trình phần mềm, kỹ sư AI, chuyên gia dữ liệu lớn (Big Data), bảo mật hay kiến trúc sư điện toán đám mây.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường lao động CNTT không hề suy giảm mà đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng về chất. Các doanh nghiệp hiện đã hiểu rõ mình cần gì từ công nghệ và nhân sự, do đó tiêu chuẩn tuyển dụng cũng trở nên khắt khe hơn, nhất là ở các vị trí chiến lược. Điều này tạo ra một khoảng cách rõ rệt giữa yêu cầu của doanh nghiệp và năng lực thực tế của phần lớn ứng viên.
Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh đó, điểm sáng là một bộ phận kỹ sư, chuyên gia CNTT Việt Nam đã bắt kịp xu thế công nghệ toàn cầu, làm chủ được các công nghệ tiên tiến như AI, DevOps, điện toán đám mây hay an ninh mạng. Họ không chỉ có nền tảng kỹ thuật tốt mà còn trẻ trung, năng động, học hỏi nhanh và sở hữu khả năng ngoại ngữ vượt trội, hội tụ yếu tố ngày càng được nhà tuyển dụng toàn cầu đánh giá cao. Đặc biệt, thái độ tích cực với công nghệ mới như AI đang giúp nhóm lao động này nắm bắt nhanh cơ hội, điển hình là sự bùng nổ nhu cầu kỹ sư AI trong năm qua.
Tuy vậy, phần đông nguồn nhân lực CNTT vẫn bộc lộ nhiều hạn chế đáng lưu tâm. Một trong những điểm yếu phổ biến là thiếu kinh nghiệm thực tế, đặc biệt trong triển khai các dự án quy mô lớn hoặc có tính hệ thống cao. Bên cạnh đó, kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề vẫn chưa được chú trọng đúng mức, gây cản trở khi đảm nhận các vị trí lãnh đạo hoặc tham gia vào môi trường làm việc quốc tế, đa văn hóa.
Không chỉ vậy, sự liên kết giữa chương trình đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục với thực tế thị trường còn lỏng lẻo, khiến sinh viên tốt nghiệp chưa thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay lập tức. Ngoài ra, thị trường còn thiếu hụt trầm trọng các chuyên gia có kiến thức sâu và kinh nghiệm dày dặn trong những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như AI, dữ liệu lớn, hoặc kiến trúc hạ tầng CNTT.
Có thể thấy, thị trường nhân lực CNTT Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc. Thách thức không còn nằm ở số lượng nhân sự, mà là sự mất cân đối giữa kỹ năng của người lao động và kỳ vọng của doanh nghiệp.
Để giải bài toán này đòi hỏi cả người lao động lẫn doanh nghiệp cùng chủ động chuyển mình. Với người lao động, việc học tập liên tục, rèn luyện kỹ năng mềm, trau dồi ngoại ngữ và cập nhật công nghệ mới phải trở thành chiến lược dài hạn. Những kỹ năng mà AI khó thay thế như sáng tạo, giao tiếp, ra quyết định hay quản lý con người cần được chú trọng nhiều hơn trong quá trình phát triển nghề nghiệp cá nhân.
Về phía doanh nghiệp, cần thay đổi tư duy từ “tuyển người để làm ngay” sang “đầu tư dài hạn cho con người”. Điều đó bao gồm xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ, tạo môi trường cọ xát thực tiễn từ sớm, hỗ trợ nhân viên phát triển kỹ năng mới và khuyến khích học tập suốt đời. Ngoài ra, việc kết nối chặt chẽ hơn với hệ thống giáo dục, thông qua việc góp phần xây dựng chương trình học, tổ chức thực tập, hoặc tài trợ nghiên cứu ứng dụng cũng là hướng đi cần được đẩy mạnh.
Chỉ khi nguồn nhân lực CNTT được xây dựng vững chắc cả về chuyên môn, kỹ năng mềm lẫn tinh thần học hỏi, ngành công nghệ Việt Nam mới có thể bước vững trên hành trình chuyển đổi số và khẳng định vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.