Nhân lực tự động hóa, nhìn từ kỳ tuyển sinh 2024
Tại dự thảo hồ sơ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GD&ĐT nhận định, nhu cầu phát triển các ngành nghề đào tạo đại học đang thay đổi và ngày càng đa dạng hơn, nhất là khối ngành kỹ thuật, trong đó có ngành Tự động hóa.
Điểm chuẩn khối ngành kỹ thuật năm 2024 tăng nhẹ so với năm 2023
Xu hướng chuyển đổi sang các lĩnh vực công nghệ cao như Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Y Dược, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ Sinh học,… nằm trong 18 ngành nghề cần lao động tốt nghiệp đại học được Bộ GD&ĐT thống kê. Điều này là nhằm đáp ứng với sự phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ năm 2020 đến năm 2030, nhu cầu nhân lực cần qua đào tạo bình quân chiếm 85%. Trong đó nhu cầu nhân lực có sơ cấp nghề chiếm tỉ lệ 21%, trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ 28%, trình độ cao đẳng chiếm 16%, trình độ đại học trở lên chiếm 18%.
Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỉ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính chiếm tỉ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỉ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỉ trọng 3-5%.
Với nhu cầu đó, cũng như mọi kỳ tuyển sinh gần đây, ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá trong Top điểm cao theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Đứng đầu là Đại học Bách khoa Hà Nội 28,16 điểm. Đại học Công nghiệp TP.HCM với số điểm 27,25.
Ở phía Nam, nhiều ngành của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM có điểm chuẩn cao, tăng mạnh so với năm 2023. Ở chương trình tiêu chuẩn, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính cao nhất là 84,16 tăng 4,32 điểm; Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật máy tính xếp thứ 2 với 82,87 điểm tăng 4,61 điểm so với năm 2023.
Nhiều ngành có điểm chuẩn tăng vọt so với năm 2023, trong đó nhóm ngành Điện, Điện tử viễn thông tự động hoá có điểm chuẩn 80,03 tăng 13,44 điểm; Ngành Kỹ thuật cơ khí tăng 15,4 điểm; Tàu thuỷ hàng không tăng 15,44; Kỹ thuật cơ điện tử tăng 9,52; Kỹ thuật nhiệt tăng 11,55; Kiến trúc tăng 11,49; Kỹ thuật vật liệu tăng 13,4; Vật lý kỹ thuật tăng 13,05; Cơ kỹ thuật tăng 14,05; Quản lý công nghiệp tăng 12,11;…
Tăng nhiều nhất là ngành Kỹ thuật máy tính chương trình tiếng Anh, tăng 19,02 điểm so với năm 2023. Ngoài ra, ở chương trình dạy học bằng tiếng Anh cũng có nhiều ngành có điểm chuẩn tăng cao như ngành Kỹ thuật điện - điện tử tăng 15,05; Kỹ thuật cơ điện tử tăng 15,72; Kỹ thuật robot tăng 10,82; Logistics và hệ thống công nghiệp tăng 13,69; Kỹ thuật hàng không tăng 13,56. Ở chương trình định hướng Nhật Bản ngành Khoa học máy tính tăng 12,87.
Ở phía Bắc, ĐH Bách khoa Hà Nội điểm thi cũng tăng nhẹ, nhưng không đáng kể so với năm ngoái. Nhưng đây là một trong những ngành nằm trong Top điểm cao của ĐH Bách khoa Hà Nội những năm gần đây.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa lấy 26,05 điểm, so với năm ngoái tăng 1,03 điểm.
Điểm chuẩn năm nay tăng và ở mức cao đã được nhiều chuyên gia tuyển sinh cảnh báo, điểm sàn và điểm trúng tuyển có chênh nhau từ 5-8 điểm so với lúc công bố. Theo TS. Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Giao thông vận tải cho rằng, điểm chuẩn năm nay cao vì điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn năm ngoái nhưng lượng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng cao hơn năm ngoái. Cụ thể, so với năm 2023, năm 2024 điểm trúng tuyển vào ngành Tự động hóa của Đại học Giao thông vận tải tăng 0,5 điểm, số lượng học sinh đăng ký tăng 695 học sinh so với năm 2023.
TS. Phạm Thanh Hà chia sẻ, sinh viên quan tâm đến ngành Tự động hóa ngày càng tăng cao, đây là một ngành có tiềm năng lớn, Việt Nam đang hướng đến xây dựng một nền công nghiệp hiện đại trong đó quan tâm đến tự động hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa rất hấp dẫn trong thời điểm hiện tại và trong tương lai gần.
Sinh viên Khoa Tự động hóa, trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) được hướng dẫn thực hành trên thiết bị. Ảnh SEEE |
Hướng nghiệp đúng và trúng
Nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá hiện nay rất lớn, cũng là ngành dễ tuyển sinh của các trường trong những năm qua. TS. Phạm Việt Phương - Trưởng khoa Tự động hoá, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra các yếu tố khiến ngành này có sức hút: Đội ngũ cựu sinh viên ngành Tự động hóa được doanh nghiệp đánh giá cao về trình độ chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp đã góp phần nâng cao hiểu biết của học sinh và phụ huynh đối với lĩnh vực Tự động hóa. Hiện nay Việt Nam có rất nhiều nhà máy đang trong xu thế chuyển đổi số, hiện đại hoá, đây chính là cơ hội cho ngành học tự động hoá.
TS. Phạm Việt Phương chia sẻ, điểm tuyển sinh ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay tăng nhẹ so với năm ngoái. Cụ thể: Chương trình chuẩn là 28.16 đối với điểm tốt nghiệp (TN) THPT và 73.77 đối với điểm TSA; Chương trình tiên tiến là 27.54 đối với điểm TN THPT và 73.77 đối với điểm TSA; Chương trình Việt - Pháp PFIEV là 26.22 đối với điểm TN THPT và 62.48 đối với điểm TSA.
Điều này cho thấy các chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn và là sự lựa chọn hàng đầu trong nhóm các ngành kỹ thuật công nghệ của thí sinh. Bên cạnh đội ngũ giảng viên tâm huyết có trình độ cao, chương trình đào tạo tiên tiến cập nhật thì sự thành công của đội ngũ cựu sinh viên đang làm việc tại các doanh nghiệp tổ chức đã góp phần củng cố và nâng cao vị thế của ngành.
Đây là các nguyên nhân chính dẫn tới điểm tuyển sinh vào ngành luôn được duy trì ở vị trí cao mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đều duy trì ở mức 650 sinh viên.
Để thu hút người học, theo TS. Phạm Việt Phương, các trường đào tạo ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa cần kiên định giữ vững chất lượng đào tạo. Đây là cơ sở để các đơn vị vạch ra được chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng, là động lực để cải tiến và cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, gắn với thực tế công nghiệp và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Nếu chất lượng đào tạo tốt, đồng thời có chiến lược truyền thông hướng nghiệp đúng và trúng sẽ là những yếu tố để thu hút ngày càng nhiều sinh viên giỏi, đam mê với ngành nghề.
Là một trong những sinh viên có điểm trúng tuyển cao nhất theo phương thức thi tốt nghiệp THPT với số điểm 28,84, em Nguyễn Thị Lánh - K69 trường Điện - Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) chia sẻ, bản thân em mong muốn được học tập trong một môi trường tốt, được đội ngũ các thầy cô có kinh nghiệm dạy bảo thì trường ĐH Bách khoa Hà Nội là lựa chọn đầu tiên của em. Mặc dù đây là một ngành học rất khó, nhưng em tin chắc rằng, với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân cùng sự dìu dắt của thầy cô trong tương lai em sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà mình đã đặt ra.
Cũng là sinh viên xuất sắc đầu vào ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, em Vũ Hồng Phúc sinh viên K69, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết, bản thân em nhận thấy đây là một ngành học “hot” và sẽ ngày càng tăng độ “hot” lên, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang chú trọng tới những sinh viên kỹ thuật có kết quả học tập tốt, em sẽ cố gắng học tập, rèn giũa bản thân để khi ra trường sẽ được vào làm tại những doanh nghiệp lớn, được học hỏi, cọ xát và có thêm những bài học quý báu.
Sinh viên Nguyễn Trà My - K65 ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa (ĐH Giao thông Vận tải) với số điểm đầu vào 28,2 chia sẻ, Trà My có sự đam mê, yêu thích với lập trình, cũng là một người thích môn vật lý chính vì vậy mà em đã chọn ngành Tự động hóa để theo đuổi, phát triển, rèn luyện bản thân.
Trà My cũng chia sẻ, theo học ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa em sẽ được trang bị kiến thức về lý thuyết mạch điện - điện tử; lập trình tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp; điều khiển điện tử công suất và truyền động điện; kỹ thuật điều khiển robot;… Mặc dù là một ngành học đòi hỏi kỹ năng tốt nhưng em tin chắc rằng, bản thân có thể tiếp cận và học hỏi được nhiều kiến thức và có một nền tảng vững chắc cho bản thân sau này khi ra trường.
SV Nguyễn Thị Lánh (thứ 3 từ trái sang) trong ngày nhập học tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Mở thêm ngành học, thu hút sinh viên
Theo nhận định của các chuyên gia ngành học này luôn có thu nhập cao và tương lai nghề nghiệp vô cùng mở rộng. Sinh viên theo học chuyên ngành Tự động hoá thường xuyên được các nhà tuyển dụng mời làm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Trên cả nước hiện đã có hơn 50 trường đào tạo về chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Chỉ tiêu tuyển sinh cũng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vài năm trở lại đây, bên cạnh ngành Tự động hóa đã có thêm các trường mở thêm ngành học mới phục vụ cho ứng dụng tự động hóa như: trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở ngành Sản xuất thông minh (năm 2023); trường Đại học Giao thông Vận tải mở ngành Kỹ thuật robot và Trí tuệ nhân tạo (năm 2022); trường Đại học Kinh tế TPHCM ngành - Robot và Trí tuệ nhân tạo (năm 2023).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tự động hóa Ngày nay, Tiến sĩ Bùi Văn Huy - Trưởng chương trình Kỹ thuật sản xuất thông minh, Khoa Điện (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: Khoa Điện mở chương trình đào tạo Kỹ thuật sản xuất thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường lao động trong bối cảnh công nghệ mới phát triển rất mạnh mẽ như công nghệ IoT, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những kỹ sư có khả năng ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất để tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chương trình đào tạo này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, nhu cầu được đào tạo của các học sinh phổ thông, các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp đang tham gia sản xuất các chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu.
Đến năm 2030, dự báo nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt trong các ngành sản xuất và công nghệ cao.
TS. Bùi Văn Huy cho biết, đặc trưng của chương trình này có tính xuyên ngành và ứng dụng rất cao. Bên cạnh đó, kết hợp của các cốt lỗi trong ngành điện tự động, cả truyền thống và hiện đại gồm robot, vi xử lý, plc, truyền động điện, thu thập xử lý thông tin,... Sát với nhu cầu sản xuất thực tế nhất là trong giai đoạn giao thoa sang 4.0.
Năm 2023, chỉ tiêu ngành Sản xuất thông minh là 40 sinh viên, nhưng năm 2024 tăng lên thành 50 chỉ tiêu. Nếu như năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành là 20 điểm thì năm nay tăng hơn 2 điểm so với năm ngoái với số điểm là 22,6 điểm.
TS. Bùi Văn Huy cho rằng, ngành Sản xuất thông minh là chương trình đào tạo chuyên sâu của lĩnh vực Tự động hóa, sinh viên học chương trình này được cấp bằng đại học Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, chương trình Kỹ thuật sản xuất thông minh.
Đa dạng trong nhiệm vụ đồng nghĩa với sự đa dạng trong vị trí, cơ hội làm việc. Việt Nam đang ở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong khi đó nguồn nhân lực chất lượng cao về các ngành công nghệ, kỹ thuật còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Các chuyên gia luôn đánh giá công nghệ Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa là lĩnh vực cần đẩy mạnh phát triển nên ngành này có tiềm năng rất lớn trong tương lai.
Tham khảo danh sách điểm chuẩn ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa của các trường ĐH khối kỹ thuật trên cả nước năm 2024.