Nhiệm vụ trọng tâm ngành Tài chính là ứng dụng CNTT và chuyển đổi số
Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực NSNN, thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước và các lĩnh vực khác đang được Bộ Tài chính tiếp tục coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai mạnh mẽ, là xương sống xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của ngành tài chính.
Sáng 28/4, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với ngành Tài chính.
Hiện nay, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lí và điều hành những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực NSNN, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… và các lĩnh vực khác đang được Bộ Tài chính tiếp tục coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai mạnh mẽ, là xương sống xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của ngành Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc.
Trước mắt, ngành Tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính, như: trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính; quản lý rủi ro trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, kiểm soát chi NSNN, thị trường chứng khoán, thiết bị di động, robot, dữ liệu mạng xã hội,… được kết nối, dữ liệu được thu thập, phân tích và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người quản lý, "cung cấp chủ động" các dịch vụ tài chính công mới cho người dân, doanh nghiệp theo mô hình cá nhân hóa trên nhiều kênh/phương tiện giao tiếp.
Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030 trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính và cung cấp dịch vụ tài chính số cho người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh giao tiếp số được thực hiện bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo,...
Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và vấn đề ứng dụng CNTT của ngành Tài chính thời gian qua, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, tập đoàn FPT vinh dự được đồng hành với Bộ Tài chính từ những ngày đầu áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các lĩnh vực từ: Kho bạc nhà nước (KBNN), Thuế, Hải quan, chứng khoán... Bộ Tài chính cũng là đơn vị tiên phong đi đầu trong vấn đề áp dụng CNTT vào trong các lĩnh vực quản lý của ngành.
Đối với chuyển đổi số của ngành Tài chính, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) thực chất chuyển đổi số liên quan đến vấn đề dữ liệu kết nối và liên thông; đến nay chuyển đổi số của FPT cũng xuất phát từ dữ liệu, lấy dữ liệu làm gốc.
Đối với ngành Tài chính thì dữ liệu quan trọng nhất chính là các giao dịch. Trong đó, dữ liệu về hoá đơn điện tử nếu làm sáng tỏ được sẽ đạt được sự minh bạch. Ngoài ra, thương mại điện tử hiện nay đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh về quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu cơ quan chức năng giám sát, quản lý được các hồ sơ giao dịch thì sẽ tăng tốc độ xử lý thông tin, tăng tính minh bạch và nguồn thu cho NSNN.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng có 6 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn và triển khai theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian tới gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Thứ hai, triển khai hóa đơn điện tử; xây dựng dữ liệu hoá đơn điện tử từ đó áp dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hạn chế rủi ro, phát hiện gian lận trong nộp thuế, luân chuyển chứng từ qua trục kết nối liên thông.
Thứ ba, hỗ trợ cơ quan Hải quan xác định giá tính thuế, phân tích, quản lý rủi ro trong hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra…
Thứ tư, quản lý, giám sát giao dịch chứng khoán và phòng chống tội phạm trên thị trường chứng khoán.
Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Tài chính, kết nối liên thông qua công nghệ Blockchain.
Thứ 6, liên thông dữ liệu số; sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phân tích những rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các đề xuất, kiến nghị. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo để triển khai từng dự án đầu tư đảm bảo một cách nhanh, chính xác và phát huy được hiệu quả cao nhất.
PV (t/h)