Bộ TN&MT sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số tăng cường nguồn lực từ tài nguyên cho phát triển đất nước
Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương, tăng cường nguồn lực từ tài nguyên cho phát triển đất nước.
Sáng 28/4, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Họp báo thường kỳ quý I năm 2021. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì họp báo.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, năm 2021 là năm đầu thực kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của ngành TN&MT với các mục tiêu, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội.
Do đó, ngành TN&MT sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược, đề án về quản lý TN&MT ứng phó với biến đổi khí hậu, đặt biệt là việc xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, tiến hành đánh giá Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và tổng kết, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Đồng thời, ngành cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương, tăng cường nguồn lực từ tài nguyên cho phát triển đất nước.
Giai đoạn 2021 - 2025 ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số.
Trong quý I năm 2021, tiền thu từ TN&MT của Bộ đạt 42.200 tỷ đồng, trong đó riêng thu từ đất đạt 32.200 tỷ đồng. Bộ TN&MT đã chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Nghị định số 41/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để quản lý chặt chẽ, tháo gỡ các điểm nghẽn, phát huy hiệu quả nguồn lực tài nguyên cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện giám sát, kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu hằng ngày đối với 100% hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ…
Quý II, Bộ TN&MT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; bám sát tình hình thực tiễn và tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như: Triển khai Chiến lược tổng thể tài nguyên số về TN&MT; đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT, dữ liệu nền địa lý quốc gia, dữ liệu lớn như quan trắc, dự báo, dữ liệu viễn thám; chủ động mặt bằng đất đai cho triển khai các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện liên thông thủ tục, cung cấp dịch vụ công về cấp giấy đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trên cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia và Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước…
Liên quan đến công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trong thời gian qua, công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất ở mức độ sơ bộ trên phạm vi toàn quốc (tỷ lệ 1:200.000); điều tra, đánh giá chi tiết nước dưới đất còn rất hạn chế, tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 6,0%, tỷ lệ 1:50.000 thực hiện khoảng 5%, điều tra, đánh giá chi tiết (tỷ lệ 1:25.000) gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt thực hiện được 5% cho một số vùng đô thị lớn, đảo, vùng núi cao, khan hiếm thiếu nước; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt thực hiện ở mức tổng quan.
Ngành TN&MT đã đầu tư và đưa vào vận hành 23 trạm tài nguyên nước mặt độc lập, 23 trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt, 412 điểm với 805 giếng quan trắc nước dưới đất và thực hiện một số hoạt động điều tra cơ bản phục vụ giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác quản lý tài nguyên nước.
Minh Phương (t/h)