Những cái tên của Việt Nam "góp mặt" trong danh sách "Forbes Under 30 Asia 2022"

14:41, 26/05/2022

Tạp chí Forbes mới đây đã công bố danh sách Những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022 (Forbes Under 30 Asia 2022), trong đó có một số cái tên nổi bật đến từ Việt Nam.

Là một trong những khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và có thể nói cũng là khu vực cuối cùng xuất hiện, châu Á-Thái Bình Dương đã đối mặt với nhiều thách thức trong năm qua. Từ các đợt phong tỏa liên tục cho đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hoạt động kinh doanh ở khu vực này đã không diễn ra như bình thường

Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản các doanh nhân trẻ trong khu vực thử nghiệm những ý tưởng mới, xây dựng thành công và trong một số trường hợp, bắt đầu sự kinh doanh của riêng họ, bất chấp những thách thức. Chính vì vậy, tạp chí Forbes mới đây đã chính thức công bố danh sách The Forbes Under 30 Asia Class Of 2022 (Những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022).

Từ những cách thức sáng tạo trong việc cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử và học tập trực tuyến đến việc tham gia vào không gian Web3, tầm nhìn về tư duy tương lai của những người trẻ đã thể hiện sự quyết tâm và lạc quan. Chính những cá nhân này đã góp phần định nghĩa lại tương lai của việc kinh doanh tại châu Á.

Hơn 4.000 ứng viên đã được đề cử để lọt vào danh sách năm nay - một con số kỷ lục cho danh sách. Cuối cùng, chỉ có 300 cái tên được các phóng viên và giám khảo trong hội đồng thẩm định và đánh giá của Forbes xét duyệt. Có tổng cộng 22 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt trong danh sách. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia đứng đầu về số lượng cá nhân góp mặt trong danh sách (61 người), tiếp theo là Singapore (34 người), Nhật Bản (33 người), Australia (32 người), Indonesia (30 người) và Trung Quốc (28 người).

Forbes công bố danh sách "The Forbes Under 30 Asia Class Of 2022".

Các đại diện của Việt Nam

Việt Nam cũng đã trải qua một năm đầy khó khăn với những thách thức từ đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng,… Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, Việt Nam đang từng bước hồi phục và phát triển sau khoảng thời gian chống chọi với những khó khăn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng có những cái tên xuất sắc được hội đồng đánh giá của Forbes vinh danh trong danh sách Forbes 30 Under 30 Asia 2022. Những cái tên của Việt Nam góp mặt trong danh sách này bao gồm họa sĩ Trần Thị Bích Ngọc (nghệ thuật), CEO Coin98 Finance Nguyễn Thế Vinh (tài chính), CEO Phenikaa MaaS Lê Yên Thanh (công nghiệp - sản xuất), CEO VinBus Nguyễn Thanh (công nghiệp – sản xuất) và nhà thiết kế Uyên Trần của TômTex (công nghiệp – sản xuất).

Như vậy, Việt Nam góp mặt 5 cái tên trong danh sách năm 2022 của Forbes. Con số này tuy không đông đảo như những quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Singapore và Indonesia, song cũng đánh dấu những điểm nhấn của người trẻ Việt sau một năm vật lộn với đại dịch.

Nhà thiết kế Uyên Trần của TômTex (công nghiệp – sản xuất).

Lê Yên Thanh: “Quyết định về Việt Nam khởi nghiệp là đúng đắn nhất”

Dưới bàn tay lèo lái của “người thuyền trưởng” bản lĩnh, Yên Thanh đã dẫn dắt tập thể BusMap hoàn tất vòng gọi vốn series A nhận về khoản đầu tư chiến lược đợt 1 với giá trị 1,5 triệu USD, BusMap chính thức trở thành một đơn vị thành viên trong Tập đoàn Phenikaa và đổi tên thành Công ty CP Công nghệ Phenikaa MaaS.

Từ khi BusMap ra mắt cho đến hiện nay, Yên Thanh vẫn cam kết BusMap sẽ luôn miễn phí để phục vụ cộng đồng. Dẫu vậy, để chuyển mình, Yên Thanh đã linh hoạt trong việc thay đổi mô hình công ty từ B2C sang B2B kêu gọi đầu tư và phát triển mở rộng.

Trở thành một thành viên của Phenikaa, Phenikaa MaaS dưới sự dẫn dắt của Yên Thanh tiếp tục kiên định với định hướng trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực giao thông thông minh, thành phố thông minh cho cả thị trường Việt Nam và nước ngoài. Đây cũng là tiền đề để anh và đội ngũ tiếp tục ra mắt những sản phẩm như trường học thông minh, doanh nghiệp thông minh, liên quan đến công nghệ bản đồ và giải pháp giao thông công cộng.

Khi được hỏi về hành trình này, Yên Thanh bộc bạch: “Mình đọc trên báo chí thấy đề cập đến vấn đề “cả thèm chóng chán” của nhiều bạn trẻ hiện đại. Điều này có lẽ là tất yếu trong xã hội mà cái gì cũng nhanh cũng vội. Nhưng với mình thành công chính là dám đường đầu với khó khăn và kiên trì đến cuối cùng. Có một câu nói rất hay đó là: “Winners never quit and quitters never win”. Chỉ khi nào bạn dám vượt qua hào quang của bản thân mình, khi ấy bạn mới chiến thắng. Chiến thắng chính mình chính là chiến thắng quan trọng nhất”.

CEO Phenikaa MaaS Lê Yên Thanh (công nghiệp - sản xuất).

Năm 2021, một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng cũng là năm Yên Thanh cùng với BusMap đã gặt hái được nhiều thành công như: Hoàn tất vòng gọi vốn series A nhận về khoản đầu tư chiến lược đợt 1 với giá trị 1,5 triệu đô la, BusMap chính thức trở thành một đơn vị thành viên trong Tập đoàn Phenikaa; Tháng 9/2021, BusMap là top 3 đội chiến thắng vòng chung kết mùa giải đầu tiên của cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm® Việt Nam (QVIC); Tháng 12/2021, BusMap với Giải pháp kết nối hạ tầng giao thông công cộng và các dịch vụ di chuyển thông minh đã đoạt giải Nhì trong lĩnh vực Khởi nghiệp sáng tạo của Giải thưởng Sáng tạo TP. HCM năm 2021. Và mới đây nhất, Yên Thanh đã chính thức có tên trong danh sách Under 30 năm 2022 của Forbes Việt Nam.

Với những dấu ấn thành công ban đầu này, Yên Thanh đang có những ảnh hưởng tích cực đến các bạn trẻ, những người dám ước mơ và dám đương đầu để biến ước mơ thành hiện thực. Anh cho biết, cuối cùng thì một trong những mục tiêu anh đặt ra vào 3 năm trước đã thành hiện thực.

Năm 2016, Lê Yên Thanh - CEO/Founder Công ty CP Công nghệ Phenikaa MaaS (Phenikaa MaaS) đã quyết định từ bỏ mức lương 6.000 USD/tháng tại Google (Mỹ) để về Việt Nam khởi nghiệp. Điều này từng vấp phải những ý kiến trái chiều bởi điều đó có phần “ngông cuồng”, “có không giữ mất đừng tìm”... Thể nhưng, với khát khao khởi nghiệp và ước mơ lớn của riêng mình, Yên Thanh đã gạt bỏ mọi thứ, bắt đầu với chính đứa con tinh thần của mình là BusMap.

Năm 2019, 3 năm sau khi từ bỏ Google và kinh qua nhiều công ty, Yên Thanh quyết định biến BusMap thành một công ty khởi nghiệp. Bỡ ngỡ, khó khăn, áp lực nhưng anh tin vào lựa chọn của bản thân, tin vào đội nhóm đang cộng tác với mình. Đồng thời, Yên Thanh quyết định gắn liền thương hiệu cá nhân với BusMap - ứng dụng cung cấp các giải pháp cho hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam, sản phẩm tâm huyết từ thời sinh viên.

Cho đến bây giờ, khi gặt hái được những thành công nhất định, Yên Thanh mới dám thở phào và tin ở chính mình, tin vào quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp của mình là đúng đắn và phù hợp với định hướng của bản thân.

Hành trình rực rỡ của chàng trai 28 tuổi Lê Yên Thanh được xây nên bởi lòng kiên định. Ngoài khối lượng công việc khổng lồ của công ty khởi nghiệp những ngày đầu tiên cùng 2-3 kỹ sư, Yên Thanh “quăng” mình vào nhiều dự án khác nhau để trui rèn bản thân, tích luỹ kinh nghiệm. Ngoài BusMap, Yên Thanh đã có nhiều chọn lựa khác như: Sáng lập, đồng sáng lập của Talo - mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain trong thi cử, tuyển dụng; JobHop - ứng dụng tìm kiếm việc làm; Umbala - ứng dụng xu hướng live music video của giới trẻ…

Thùy Dung (T/h)