Nhiều báo cáo chuyên sâu về AI và khoa học dữ liệu "quy tụ" tại sự kiện DSBFI 2025

09:15, 08/01/2025

Trong ba ngày từ 6-8/1, hội thảo quốc tế “Khoa học dữ liệu trong kinh doanh, tài chính và công nghiệp” (DSBFI) 2025 đã diễn ra tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng)...

Theo Ban tổ chức, (DSBFI) 2025 là hội thảo lần thứ 3 diễn ra liên tục trong 3 ngày (từ ngày 6 - 8/1 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến), được đồng tổ chức bởi Viện Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu Đại học Đông Á (IAD) phối hợp cùng Hiệp hội Khoa học và Ứng dụng quốc tế (International Society of Science and Applied Technologies – ISSAT).

PGS.TS Đinh Thành Việt, Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Á phát biểu khai mạc hội thảo “Hội thảo (DSBFI) 2025.

Đây cũng là hội thảo quốc tế về lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu lần thứ 11, được đồng tổ chức bởi Đại học Đông Á phối hợp các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học và chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đinh Thành Việt, Phó Hiệu trưởng Đại học Đông Á nhấn mạnh: “Hội thảo (DSBFI) 2025 mang đến những chủ đề đa dạng, từ phân tích dự đoán trong tài chính đến các giải pháp dựa trên AI cho việc tối ưu hóa công nghiệp, được đánh giá là các giải pháp không chỉ kịp thời mà còn thiết yếu khi chúng ta điều hướng những phức tạp của thế giới hiện đại. Việc tổ chức hội thảo này tại Đà Nẵng- thành phố nổi tiếng với sự phát triển năng động và đổi mới, cũng  thể hiện cam kết của các bên tham gia trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ như khoa học dữ liệu và các ứng dụng của nó.”

Phiên làm việc ngày 6/1 tại ĐH Đông Á.

Với 6 phiên làm việc liên tục trong 3 ngày, hội thảo quy tụ 21 báo cáo chuyên môn được trình bày và thảo luận bởi hơn 30 chuyên gia đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu ở 8 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới gồm Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.

Các phiên làm việc được phân bổ tập trung vào các chủ đề chính về: Học máy giải thích được và Chính sách bảo trì; Mô hình và mô phỏng hướng dữ liệu; Các mô hình phân tích dự đoán và các ứng dụng của chúng; Các mô hình học máy thống kê và các ứng dụng của chúng; Mô hình dự đoán, Phân tích và tối ưu.

Đáng chú ý là các báo cáo chuyên đề về Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc chuyển đổi quản lý nguồn nhân lực trong ngành dệt may: Cơ hội, thách thức và cân nhắc về mặt đạo đức trong thời đại công nghiệp 5.0 của các tác giả Nguyen Anh Luong, Laëtitia Roux, Kim Phuc Tran đề cập đến trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến cơ hội để cách mạng hóa các hoạt động của nguồn nhân lực (HR).

AI giải quyết các thách thức cụ thể của HR bằng cách cải thiện tuyển dụng thông qua việc phân loại CV tự động, hợp lý hóa việc tuyển dụng với đào tạo cá nhân hóa và tối ưu hóa quản lý hiệu suất bằng các đánh giá dựa trên dữ liệu. Công trình này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng AI có trách nhiệm để duy trì lòng tin và sự công bằng trong các hoạt động của HR, đặc biệt là trong bối cảnh của Công nghiệp 5.0, ưu tiên tích hợp các công nghệ tiên tiến lấy con người làm trung tâm.

Một nghiên cứu điển hình về ngành dệt may và thời trang sẽ được phát triển để chứng minh cách các hệ thống quản lý lực lượng lao động do AI hỗ trợ giảm tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên và cải thiện năng suất, làm nổi bật tiềm năng của AI trong việc giải quyết các thách thức về HR cụ thể của ngành trong khi vẫn đảm bảo các cân nhắc về mặt đạo đức.

Chuyên để về Hệ thống hỗ trợ quyết định thông minh cho quản lý chuỗi cung ứng: Bổ sung hàng vào cửa hàng trong bán lẻ thời trang của đề xuất một Hệ thống hỗ trợ quyết định thông minh (IDSS) sáng tạo tích hợp các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo tiên tiến, chẳng hạn như mô hình Transformer và học tăng cường, để tối ưu hóa việc bổ sung hàng tồn kho trong ngành thời trang đồng thời giải quyết các thách thức về tính bền vững.

Trong dự án này, còn đề xuất một IDSS để ra quyết định phi tập trung, cho phép các nhà bán lẻ tính đến các hạn chế cụ thể của cửa hàng, hành vi của người tiêu dùng và các yếu tố bên ngoài như thời tiết, đồng thời tăng cường hiệu quả hoạt động, kiểm soát chi phí và lợi nhuận…

Đại diện ISSAT (bên phải) trao giải thưởng Bài báo xuất sắc đến tác giả có công trình nghiên cứu được đánh giá cao tại hội thảo.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện ISSAT cũng quyết định trao giải thưởng Bài báo xuất sắc đến các tác giả có công trình nghiên cứu được đánh giá cao và trình bày tại hội thảo, gồm các đề tài: Mô hình học liên kết nhẹ để dự đoán tải sử dụng dữ liệu từ đồng hồ thông minh, Tối ưu hóa chung về chính sách bảo trì dự đoán thiết bị và đặt hàng phụ tùng thay thế khi xem xét các loại phụ tùng thay thế.

Là diễn đàn quốc tế về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, hội thảo (DSBFI) 2025 được kỳ vọng là không gian chia sẻ kiến thức, trình bày các nghiên cứu tiên tiến và thảo luận về các giải pháp cho những thách thức lớn mà các doanh nghiệp và ngành công nghiệp đang đối mặt hiện nay, đóng góp tiền đề thúc đẩy các ý tưởng mang lại tác động ý nghĩa cho xã hội và nền kinh tế toàn cầu.