Cẩn trọng với trị liệu tâm lý trên mạng: Đừng để niềm tin trở thành cái bẫy

12:46, 28/07/2025

Chỉ cần gõ cụm từ “trị liệu tâm lý” hay “chữa lành tâm lý” trên mạng xã hội, người dùng có thể tiếp cận hàng trăm hội nhóm với hàng chục nghìn thành viên. Trong đó, không ít hội nhóm trở thành nơi “rao bán” các dịch vụ chữa lành, trị liệu tâm lý từ những người tự xưng là chuyên gia mà không hề có chứng chỉ hành nghề hợp pháp hay sự giám sát chuyên môn. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tình trạng trục lợi từ sự tổn thương và niềm tin của những người đang gặp vấn đề tâm lý.

Tại một nhóm trị liệu tâm lý có hơn 60.000 thành viên, mỗi ngày có hàng chục bài đăng từ người dùng ẩn danh chia sẻ tình trạng lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Ngay sau đó, rất nhiều tài khoản vào bình luận, đưa ra lời khuyên rồi chủ động liên hệ riêng, giới thiệu các gói trị liệu từ thiền, thôi miên, đến khai mở năng lượng.

Một người tự nhận là “chuyên gia” tại Hà Nội cho rằng, liệu pháp thôi miên quy hồi tiền kiếp là cách duy nhất để giúp người bệnh “buông bỏ tổn thương”. Gói trị liệu 3 tháng có chi phí 55 triệu đồng với 24 buổi online, thậm chí còn được hỗ trợ trả góp. Trong khi đó, một trang chuyên cung cấp dịch vụ “tâm lý trị liệu” quảng bá các buổi tư vấn với chi phí từ 250.000 đồng/giờ đầu, sử dụng những thuật ngữ như CBT, liệu pháp động lực, trị liệu gia đình… để tạo cảm giác chuyên nghiệp.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khi được hỏi về bằng cấp chuyên môn, những người hành nghề thường chỉ đưa ra các chứng nhận tự học, bằng cử nhân hoặc thạc sĩ chưa được kiểm chứng, hoặc các chứng chỉ nước ngoài không rõ tính pháp lý. Theo quy định hiện hành, chỉ những người có bằng cấp chuyên sâu, được cấp phép và làm việc dưới sự giám sát mới được phép hành nghề trị liệu tâm lý tại Việt Nam. Việc hành nghề tự do, thiếu giám sát chuyên môn không chỉ vi phạm quy định mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn về sức khỏe tinh thần cho người sử dụng dịch vụ.

Nhiều nạn nhân từng chia sẻ trải nghiệm tồi tệ khi sử dụng các dịch vụ trị liệu “phi chuẩn”. Có người sau vài tháng theo đuổi các khóa học “chữa lành” với chi phí vài chục triệu đồng, không những không cải thiện mà còn rơi vào tình trạng tổn thương nghiêm trọng hơn do bị đổ lỗi, thao túng cảm xúc. Có trường hợp cho biết sau một thời gian trị liệu online bằng trò chuyện, thiền qua file hướng dẫn, họ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, bị gán ghép cảm xúc và “chiếu tướng tâm lý” bởi chính người trị liệu, khiến tình trạng tâm lý ngày càng xấu đi.

Không ít dịch vụ trá hình khác cũng mọc lên dưới mác “khai vấn - coaching” hoặc “khóa học chữa lành tâm trí”. Với những lời quảng cáo hấp dẫn như “kích hoạt tiềm thức”, “giao tiếp với linh hồn”, “thanh lọc năng lượng độc hại”, các lớp này thường dẫn dụ người học từ những buổi miễn phí ban đầu, sau đó lôi kéo tham gia các gói “cao cấp” có chi phí hàng chục triệu đồng. Đáng lo ngại, nhiều buổi học yêu cầu chia sẻ chi tiết các chấn thương tâm lý trong quá khứ rồi dùng chính những câu chuyện đó để dẫn dắt cảm xúc, hù dọa tinh vi rằng nếu không “thanh tẩy đúng cách”, người học sẽ gây hại cho chính người thân của mình.

Từ đầu năm 2024, một số tổ chức giám sát an toàn mạng đã ghi nhận hàng loạt phản ánh về hiện tượng các lớp “chữa lành”, “khai sáng tâm trí” có dấu hiệu thao túng tâm lý người học. Các cá nhân tổ chức lớp thường không công khai thông tin pháp lý rõ ràng, không có chứng chỉ y khoa hoặc tâm lý học chính quy. Ngôn ngữ quảng bá thường pha trộn tâm linh và tâm lý học, đánh mạnh vào tâm lý yếu đuối, dễ bị dẫn dắt.

Thực tế, theo số liệu từ Bộ Y tế, có tới 15 triệu người Việt Nam, tương đương 14,9% dân số đang phải đối mặt với ít nhất một dạng rối loạn tâm thần. Trong đó, chỉ khoảng 29% từng được điều trị đúng cách, cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng về dịch vụ hỗ trợ chính thống. Khoảng trống này vô tình tạo điều kiện cho “chợ đen tâm lý” trên mạng bùng phát, nơi người bệnh đặt cược niềm tin, tiền bạc và cả tinh thần vào tay những người không được đào tạo bài bản.

Theo các chuyên gia, để hành nghề trị liệu tâm lý, người làm việc cần được đào tạo chính quy, nắm vững kỹ thuật lâm sàng, có chứng chỉ hành nghề và chịu sự quản lý chuyên môn theo Luật Khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nhận thức về sức khỏe tâm thần tại Việt Nam còn thấp, dẫn đến việc nhiều người né tránh đến bệnh viện và dễ bị thu hút bởi các phương pháp nghe có vẻ huyền bí, đầy hứa hẹn.

Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi tiếp cận bất kỳ dịch vụ tâm lý nào. Nên ưu tiên các cơ sở y tế, bệnh viện hoặc trung tâm có giấy phép rõ ràng. Tránh gửi gắm tinh thần vào các lớp học, khóa huấn luyện thiếu minh bạch. Sự chữa lành thật sự không đến từ những lời cam kết hời hợt, mà đòi hỏi quy trình trị liệu bài bản, dựa trên chuyên môn khoa học và sự đồng hành có trách nhiệm.