Nhiều đột phá cho pin điện thoại di động

15:31, 24/05/2012

Công nghệ pin hiện nay

 

Cho dù pin cho smartphone hiện nay có hiệu quả cao hơn hẳn so với 10 năm trước đây, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng cho sự phát triển vượt trội của các thiết bị di động. Vi xử lý 2 nhân, 4 nhân, kết nối 4G, GPS, màn hình lớn, độ phân giải cao là các tiện ích được người dùng smartphone ưa chuộng. Song chính những tính năng này lại là nguyên nhân tiêu tốn rất nhiều năng lượng di động. Trong khi đó công nghệ pin lithium ion polymer đã gần đến mức giới hạn khiến cho nhiều nhà sản xuất đau đầu tính toán sao cho điện thoại  mỏng, mạnh, đa kết nối và vẫn duy trì được thời lượng sử dụng pin lâu dài hơn.

 

Điển hình như New iPad 2012, với vi xử lý A5X, màn hình Retina, pin chiếm 70% thể tích bên trong nhằm đảm bảo cho thời lượng sử dụng pin New iPad không thua kém người tiền nhiệm iPad 2. Điều đó cho thấy nhà sản xuất chỉ còn cách tăng kích thước viên pin để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng nhiều của thiết bị. Nhưng khi tăng kích thước pin lại dẫn đến mâu thuẫn: thiết bị mới lại dày hơn và chệch hướng thiết kế mỏng, gọn hiện nay. Tiêu biểu cho mâu thuẫn này cũng chính là New iPad: New iPad 2012 dày hơn iPad 2. Những trở ngại này không chỉ khiến người dùng đôi khi cảm thấy bất tiện mà ngay cả nhà sản xuất cũng “ăn không ngon, ngủ không yên”. Tìm kiếm và đưa ra các giải pháp pin khác thay thế pin truyền thống lâu nay đang được các hãng khẩn trương thực hiện.

 

Đột phá cho thế hệ pin kế tiếp

 

Không chịu “bó gối”, hiện nay một số hãng đã có hướng phát triển pin “trâu” hơn cho di động. Pin giấy của Sony, tại triển lãm Eco-Products diễn ra ở Tokyo năm 2011, hãng đã trình diễn một loại pin mới được tạo từ các mẩu giấy vụn và có thể tiếp năng lượng cho các thiết bị điện tử. Sony khẳng định, loại pin này không gây hại cho môi trường và có tiềm năng lớn vì chúng không sử dụng kim loại hay các chất hóa học độc hại như hiện nay. Dù rằng từ thử nghiệm đến sản phẩm thương mại còn là một chặng đường dài nhưng Sony rất kỳ vọng ở thế hệ pin mới này. Còn mẫu điện thoại của Daizi Zheng có tên Bio Alternative với thiết kế dạng ống xi lanh có cách sạc pin rất độc đáo. Không giống những chiếc di động chạy pin Lithium truyền thống, mẫu điện thoại chỉ cần mở nắp, đổ nước ngọt (như Coca-Cola...) vào là chiếc điện thoại sẵn sàng được sử dụng.

 

Theo Zheng, Bio Alternative là một giải pháp thay thế pin khá hữu hiệu cho những chiếc điện thoại truyền thống. Cơ cấu hoạt động của điện thoại dùng pin Bio là dùng cacbon hydrat (đường) trong nước ngọt, sau đó tạo ra các enzym như là chất xúc tác để tạo ra điện. Để khẳng định hướng phát triển này cho hiệu quả cao, Zheng cho hay, điện thoại dùng pin Bio có thời lượng dài gấp 4 lần so với điện thoại dùng pin Lithium thông thường. Hiện mẫu điện thoại độc đáo cả về hình dáng và nguồn năng lượng sử dụng này đang được hoàn thiện để chuẩn bị tung ra bản thương mại hóa.

 

Nhằm tạo sự đột phá về năng lượng cho các thiết bị Táo, mới đây, Apple đăng ký bằng sáng chế dùng pin nhiêu liệu Hydro cho các thiết bị của mình: Apple sẽ cung cấp pin nhiên liệu hydro cho laptop và smartphone để chúng có thể kéo dài thời gian hoạt động lên đến cả tuần mà không cần phải nạp nhiên liệu. Theo Apple, pin nhiên liệu hydro sẽ có thiết kế nhỏ và nhẹ hơn so với pin hiện nay, trong khi nguồn năng lượng cấp cho các thiết bị di động lâu, thậm chí có thể kéo dài đến cả tuần mà không cần phải nạp lại nhiên liệu. Trong tháng 10/2011, 2 bằng sáng chế về cách ép nhiều năng lượng vào các tế bào trong pin nhiên liệu hydro cũng đã được Apple đưa ra. Bằng nhiều hình thức, phương pháp nghiên cứu, các hãng đang cố gắng tạo ra thế hệ pin mới cho smartphone đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng “khủng” của đại đa số người dùng.

                                                                                                                  

                                                                                                Dương Nguyễn