Nhiều giải pháp KH&CN ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu

09:07, 15/06/2024

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, thời gian qua, nhiều giải pháp về KH&CN ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu được tổ chức triển khai.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ XXVII, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, mục tiêu xây dựng vùng ĐBSCL phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cả nước.

Xuất phát từ đặc điểm, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức đan xen của vùng ĐBSCL, ngày 02/04/2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 13, trong đó xác định rất rõ mục tiêu phát triển, thể hiện khát vọng và quyết tâm rất cao của Đảng, nhà nước và nhân dân, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của các tỉnh, thành phố trong Vùng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã được ban hành và đi vào thực tiễn; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển nhanh; nhiều giải pháp về KH&CN ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu được tổ chức triển khai,…

 Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

"Có thể nói, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ngày càng gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương và cả vùng. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KH&CN cũng được triển khai đồng bộ và ngày càng hiệu quả.

Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, KHCN&ĐMST vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa để thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương và cả Vùng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng nói thêm, Hội nghị sẽ tiếp tục triển khai nội dung tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KHCN&ĐMST của vùng giai đoạn 2022-2024, định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, trong đó tập trung trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình trạng hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại nhiều địa phương Vùng ĐBSCL...

Chia sẻ tại Hội nghị, PGS. TS Châu Nguyễn Xuân Quang - Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay, nguồn tài nguyên nước phong phú vùng ĐBSCL đang bị suy thoái cả lượng và chất do tác động từ phía thượng lưu, hạ lưu và các hoạt động dân sinh kinh tế nội vùng. Những tác động này có thể ngày càng nghiệm trọng hơn trong tương lai làm cho tài nguyên nước bị ảnh hưởng nặng nề hơn nếu không có giải pháp thích ứng giảm nhẹ phù hợp.

Do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai liên quan đến nước ngày càng khốc liệt hơn gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế xã hội và hệ sinh thái, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn. Quản lý bền vững tài nguyên nước là một trong những nền tảng căn bản cho sự an toàn, thịnh vượng và bền vững ĐBSCL. Trong tương lai dài hạn, cần tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho ĐSBCL. Với tốc độ phát triển nhanh hiện nay, thời gian để triển khai các giải pháp ứng phó không còn nhiều, do đó cần triển khai ngay các giải pháp ứng phó.

Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam

(https://vietq.vn/nhieu-giai-phap-khcn-ung-pho-linh-hoat-voi-bien-doi-khi-hau-d222359.html)