Nhiều giải pháp, phần mềm và bản đồ được ứng dụng trong phòng chống thiên tai

10:34, 22/10/2021

Qua 5 năm triển khai Chương trình "Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai", đã có 20 sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; 45 giải pháp công nghệ, nhiều phần mềm, bản đồ được đưa vào ứng dụng; 8 sản phẩm có thể thương mại hóa và 18 chủng vi sinh vật đang trong quá trình chuyển giao ứng dụng.

Chương trình đưa ra nhiều giải pháp công nghệ ứng dụng trong dự báo khí tượng thủy văn.

GS.TS Nguyễn Vũ Việt, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình "Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai" cho biết, đây là chương trình cấp quốc gia phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai có phạm vi triển khai nghiên cứu và ứng dụng trên khắp cả nước với tính liên vùng rất cao.

Trong quá trình thực hiện, Chương trình đã tuyển chọn và triển khai thực hiện 36 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó, có 23 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực phòng tránh thiên tai (chiếm 61%) và 15 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực môi trường (chiếm 39%).

Cho tới nay, Chương trình đã cơ bản đạt được các chỉ tiêu, mục tiêu, dự kiến sản phẩm. Phần lớn các đề tài đã tập trung thành những cụm, nhóm vấn đề để giải quyết những yêu cầu cấp bách nhất của thực tế.

Các đề tài, dự án của Chương trình đã đề xuất 38 nhóm giải pháp, quy trình, công nghệ mới. Trong đó, có nhiều nhóm giải pháp quy trình, công nghệ có triển vọng lớn ứng dụng trong thực tiễn như: Dự báo khí tượng thủy văn; công nghệ, giải pháp dự báo, cảnh báo, giám sát nguồn nước, thiên tai lũ, hạn, mặn; công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải môi trường nông thôn, làng nghề, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải chăn nuôi; công nghệ xử lý hiệu quả chất thải sản xuất công nghiệp…

Là một trong số các nhiệm vụ điển hình, PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu xây dựng hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam bằng các mô hình động lực" cho biết, từ nghiên cứu này, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được mô hình động lực dự báo khí hậu theo mùa, làm cơ sở để cảnh báo sớm các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Ứng dụng mô hình vào thực tế, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia từ tháng 6/2021 đã đưa ra bản tin dự báo mùa Đông năm nay có thể đến sớm, đầu tháng 12 có thể xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại.

Về giai đoạn 2021-2025, ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ KH&CN) cho rằng, các nghiên cứu của Chương trình phải chuyển giao được các phương pháp công nghệ mới, tiên tiến trong dự báo, giám sát các yếu tố môi trường tự nhiên; ứng dụng được các công cụ, mô hình, công nghệ tiên tiến, tích hợp vào dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thuỷ văn nguy hiểm, các loại hình thiên tai điển hình của Việt Nam như sạt lở, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...

Đánh giá cao các kết quả đạt được của Chương trình ở cả lĩnh vực phòng chống thiên tai cũng như môi trường, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Chương trình sẽ phải tái cấu trúc theo hướng giải bài toán lớn mang tính liên vùng, có tính lan tỏa, thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của đất nước. Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu, tạo ra các công nghệ, quy trình, giải pháp, các nhà khoa học phải tính toán được hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng các công nghệ, mô hình, sản phẩm của Chương trình, khi đó sẽ thu hút được sự tham gia ứng dụng của nhiều doanh nghiệp.

Thùy Chi (T/h)