Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới chiếm tiền trong tài khoản
Lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, kẻ gian đã sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Ngày 2/9, Vietcombank đã gửi email cảnh báo tới khách hàng về thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng xấu.
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo mạo danh Vietcombank gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, đường link này dẫn tới website giả mạo trang đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ để chiếm đoạt tiền.
Các chiêu lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng đang ngày càng tinh vi hơn.
Vietcombank cho biết ngân hàng không bao giờ liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ dưới mọi hình thức. Do đó, các yêu cầu cung cấp thông tin định danh, mật khẩu, mã xác thực OTP (nếu có) đều là giả mạo.
Để đảm bảo an toàn thông tin tài khoản, Vietcombank khuyến cáo người dùng không truy cập vào đường link, website mạo danh ngân hàng. Đồng thời, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thẻ hoặc bất kỳ thông tin nào khác cho các trang web này.
Tương tự, TPBank cũng vừa cảnh báo một thủ đoạn lừa đảo khác, đó là các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng này để hỗ trợ khoản vay, mở thẻ, sau đó yêu cầu khách hàng nộp tiền thanh toán phí hồ sơ, phí bảo hiểm, phí khoản vay.
TPBank cho hay, đối tượng mạo danh cán bộ, nhân viên ngân hàng này hoặc TPBank Fico (khối tín dụng ngân hàng) để mời khách hàng vay vốn với thủ tục nhanh gọn và đơn giản. Sau khi tư vấn qua điện thoại, Zalo, Facebook, đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng thao tác tải một số ứng dụng giả mạo, được thiết kế tương tự các ứng dụng, web của TPBank.
Để tạo sự tin tưởng, đối tượng còn làm giả/cắt dán chữ ký và con dấu của TPBank để làm thông báo gửi cho khách hàng hoặc tạo tài khoản Zalo/Facebook đăng tải nhiều hình ảnh cá nhân kèm thẻ nhân viên, bằng khen của cán bộ nhân viên TPBank, TPBank Fico.
Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu khách hàng nộp phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm, phí khoản vay… vào một tài khoản cá nhân và chiếm đoạt số tiền này.
TPBank khẳng định ngân hàng không yêu cầu khách hàng đóng thêm các khoản phí để tham gia chương trình hoặc không yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của cán bộ, nhân viên mở tại TPBank hay tại ngân hàng khác để thanh toán các khoản vay, khoản phí.
"Trong mọi trường hợp, ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật - như tên đăng nhập, mã OTP, mật khẩu tài khoản, mã mở khóa eToken qua các đường link…", TPBank cho biết thêm.
Lợi dụng nhu cầu mua sắm online tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, BIDV cho biết một số đối tượng đã tạo các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, có liên kết thanh toán trực tuyến với các ngân hàng, như ebanking-shopee.vn, ibanking-shopee.vn, ibank-shopee.vn, ebankingshopee.vn, ibankingshopee.vn, mobilebanking-shopee.vn, shopeemobilebanking.vn…
Các đối tượng gửi đường link truy cập các trang web lừa đảo qua tin nhắn SMS, email… hoặc gọi điện thoại để hướng dẫn khách hàng giao dịch trên trang giả mạo, với mục đích lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã số OTP nhằm thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
BIDV khuyến cáo người dùng tuyệt đối không tiết lộ thông tin đăng nhập dịch vụ BIDV SmartBanking cho bất kỳ ai trong mọi trường hợp; đồng thời không truy cập vào các website giả mạo ngân hàng.
7 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành công văn cảnh báo 7 thủ đoạn lừa đảo qua tài khoản ngân hàng khá tinh vi và đưa ra các biện pháp để hạn chế rủi ro cho khách hàng.
Thứ nhất, kẻ gian mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa, với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Nếu người dùng cung cấp mã OTP giao dịch trực tuyến, sẽ bị mất tiền trong tài khoản.
Thứ hai, kẻ gian chuyển khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn Internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền... Nếu người dùng làm theo các bước được yêu cầu, sẽ có nguy cơ bị kẻ gian lấy cắp tài khoản.
Thứ ba, kẻ gian gửi thư điện tử giả mạo ngân hàng (thư điện tử có chứa tên ngân hàng và chữ ký thư điện tử của nhân viên ngân hàng) thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp (file) hoặc đường link có chứa mã độc gửi kèm trong thư điện tử nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng.
Thứ tư, khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay, sau đó đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyển nhầm). Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay.
Thứ năm, kẻ gian gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu... thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn, qua đó lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) để sử dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Thứ sáu, kẻ gian mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên di động (như ứng dụng Auto Cash...) để giải ngân một khoản tiền "ảo" (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.
Thứ bảy, kẻ gian mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại, theo đó đối tượng hướng dẫn cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi. Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại. Khi có được thông tin cá nhân và số điện thoại di động, đối tượng liên hệ nhà mạng với tư cách là chủ thuê bao di động để yêu cầu thay thể SIM với lý do bị mất thẻ SIM hoặc thẻ bị lỗi. Nhà cung cấp dịch vụ di động hủy SIM hiện có và phát hành SIM mới.
Trường hợp số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và nhắn thông tin giao dịch, mã OTP, có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản của khách hàng.
PV (T/h)