Nhóm học sinh THCS chế tạo "chú cảnh sát giao thông đặc biệt"
“Chú cảnh sát giao thông” do nhóm học sinh trường THCS Cách Mạng Tháng Tám thực hiện có thể ra tín hiệu bằng tay và kèm theo tiếng còi giúp người tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định.
- Nhiều điểm mới trong giải thưởng cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020
- Facebook và CoderSchool sẽ đào tạo đổi mới sáng tạo cho hơn 300 sinh viên công nghệ
- Tiếp tục hoàn thiện Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”
- Giảng viên chế tạo robot cứu nạn
- Sinh viên ĐH Bách Khoa chế tạo áo phao cứu hộ đa năng định vị GPS
- Mỹ chế tạo thành công tế bào trong suốt
Mô hình độc đáo này có tên là “Hệ thống giúp hạn chế tình trạng vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông” do một nhóm học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM) thực hiện. Mô hình nhằm góp phần vào việc giảm tình trạng vượt đèn đỏ, lấn chiếm phần đường dành cho người đi bộ, đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông.
Chia sẻ về ý tưởng này, Nguyễn Trương Mai Phương, lớp 9/5, trưởng nhóm, cho hay: Trong một lần qua đường trên vạch đường dành cho người đi bộ thì có một người chạy xe máy vượt đèn đỏ va vào em. Rất may, em chỉ bị trầy xước nhẹ không nguy hiểm đến tính mạng.
Thành viên trong nhóm sáng tạo "chú cảnh sát giao thông" đặc biệt.
“Tại nhiều ngã ba, ngã tư khi không có cảnh sát giao thông đứng canh thì hay xảy ra tình trạng này, còn chỗ nào có cảnh sát giao thông thì người tham gia giao thông ý thức hơn. Tuy nhiên đâu phải lúc nào cũng có cảnh sát giao thông đứng ở ngã ba, ngã tư…”, Mai Phương nói thêm.
Trước thực tế đó, Phương và 4 người bạn gồm: Vũ Thị Ngọc Hân (lớp 9/3), Tăng Thanh Hà, Nguyễn Phương Thanh Nghi, Trần Nguyên Minh Châu (cùng lớp 9/4) quyết định lập nhóm và cho ra đời “Hệ thống giúp hạn chế tình trạng vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông”.
Từ những vật liệu đơn giản, dễ tìm kiếm như: Đèn Led, đèn cảnh báo, còi báo động, pin năng lượng mặt trời, cảm biến sóng âm, tấm Form,... nhóm đã thiết kế thành công hệ thống cảnh báo với 3 bộ phận: 1 robot cảnh sát giao thông; 1 hệ thống đèn cảnh báo khi đèn đỏ, 1 hệ thống báo động khi có xe đậu vượt vạch quy định.
"Chú cảnh sát giao thông" đặc biệt được chế tạo từ những vật liệu đơn giản, dễ tìm kiếm.
Hệ thống cảnh báo khi đèn đỏ được thiết kế tại các vạch dành cho người qua đường. Khi đèn đỏ, hệ thống đèn được bật/tắt nhằm cảnh báo người tham gia giao thông dừng lại.
Nếu có xe đậu vượt vạch quy định khi đèn đỏ, hệ thống báo động sẽ được kích hoạt, thông qua cảm biến siêu âm nhận tín hiệu và sẽ báo động thông qua loa giúp người tham gia giao thông đậu xe đúng vạch quy định.
Robot sử dụng nguồn 12V và được sạc bằng pin năng lượng mặt trời bảo đảm hoạt động xuyên suốt. Còn hệ thống đèn cảnh báo khi đèn đỏ được thiết kế tại các vạch dành cho người qua đường. Khi đèn đỏ, hệ thống đèn cũng bật và chớp, tắt nhằm cảnh báo người tham gia giao thông dừng lại.
Thanh Hà, thành viên nhóm, chia sẻ: "Dừng xe không đúng quy định khi đèn đỏ, còi báo động “hú” inh ỏi, ít nhiều sẽ làm người vi phạm cảm thấy ngại, lần sau họ sẽ không lặp lại hành động vi phạm đó nữa”.
Điểm đặc biệt nhất của hệ thống là chú robot cảnh sát giao thông có chiều cao 50cm, hình dáng dễ thương với đôi mắt to tròn, miệng ngậm còi. Chú có thể ra tín hiệu bằng cách đưa tay về phía trước, sang trái, sang phải khi đèn giao thông chuyển sang đỏ hoặc xanh, nhắc nhở mọi người không nên vượt đèn đỏ, lẫn chiếm phần đường dành cho người đi bộ. Để tạo ra được “chú cảnh sát giao thông” độc đáo như vậy, các thành viên phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thiết kế và lập trình để “chú” hoạt động trùng khớp với tín hiệu đèn giao thông.
“Nếu mô hình của chúng em được ứng dụng rộng rãi, sẽ giúp mọi người ý thức hơn khi tham gia giao thông đồng thời giúp các chú cảnh sát giao thông đỡ vất vả hơn khi giám sát tình hình giao thông ở các ngã ba, ngã tư vào những lúc thời tiết xấu, đông xe cộ” - Thanh Hà kỳ vọng.
Thầy Triết và nhóm thực hiện mô hình “Hệ thống giúp hạn chế tình trạng vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông”.
Thầy Nguyễn Minh Triết, giáo viên hướng dẫn, chia sẻ để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, sắp tới nhóm sẽ cải tiến, nâng cấp, kết nối với camera để khi có người vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ chẳng hạn thì hệ thống sẽ chụp hình ảnh người đó cùng phương tiện giao thông lại để cảnh sát giao thông xử lý.
Đặc biệt, camera này chỉ ghi lại hình ảnh của những người vi phạm nên muốn xem lại thì không phải mất nhiều thời gian như những camera khác.
Thầy Triết bật mí: "Tôi sẽ giúp học sinh nâng cấp robot cảnh sát giao thông thêm nhiều động tác điều khiển và có thể xoay 360 độ để đặt tại các điểm giao và điều khiển được 4 hướng thay vì chỉ có thể đứng tại 1 vị trí như hiện nay”.
Dung Hoàng