CEO công nghệ lừng danh gặp vận hạn
2013 là một năm nhiều biến động với làng công nghệ thế giới, khiến nhiều CEO phải ngậm ngùi ra đi khi tình hình khó khăn vẫn đang bao trùm công ty mà họ gắn bó và yêu mến.
Những cuộc ra đi này của các CEO có thể sẽ mang lại những thay đổi lớn cho thế giới công nghệ. Có thể rồi đây chúng ta sẽ không còn được đón nhận những mẫu điện thoại Nokia hay BlackBerry “vang bóng một thời”, và Microsoft sẽ trở thành một công ty hoàn toàn khác.
Microsoft
Mặc dù chưa chính thức, song ai cũng hiểu, đại gia phần mềm Microsoft sắp sửa diễn ra cuộc thay đổi CEO lớn trong lịch sử công ty. Steve Ballmer đã làm CEO của Microsoft trong 13 năm liên tục. Việc ông về hưu cũng đồng nghĩa với việc Microsoft sắp sửa có CEO mới, và cuộc chuyển giao quyền lực này diễn ra lần đầu tiên sau hơn 10 năm qua. Trong bức thư gửi tới các nhân viên của mình, Ballmer cho biết thời điểm hiện tại Microsoft đang trải qua một quá trình chuyển đổi quan trọng, và cần một nhà lãnh đạo có thể gắn bó lâu dài với hướng đi mới.
Hiện nay, Microsoft vẫn chưa xác định ai sẽ trở thành CEO của hãng. Trước đây nhiều người cho rằng đó sẽ là Stephen Elop – cựu CEO của Nokia – khi mảng dịch vụ và phần cứng của Nokia về dưới trướng Microsoft. Tuy nhiên, Stephen Elop không phải là ứng cử viên duy nhất, và gần đây lại có tin CEO của hãng xe hơi Ford.
Hội đồng quản trị của Microsoft đã thành lập một Ủy ban đặc biệt để tìm kiếm những ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế CEO này. Đây quả thực là việc làm quan trọng với Microsoft. Trong cuộc họp với các cổ đông của Microsoft, Ủy ban này đã công bố danh sách rút gọn các ứng viên tiềm năng từ danh sách ban đầu có tới 40 người, bao gồm cả ứng viên từ nội bộ và bên ngoài. Theo thông tin, nhóm ứng viên rút gọn này bao gồm Giám đốc điều hành của Ford - Alan Mulally, cựu Giám đốc điều hành Nokia - Stephen Elop, Phó chủ tịch điều hành Microsoft - Tony Bates, và trưởng nhóm điện toán đám mây và doanh nghiệp của Microsoft - Satya Nadella. Theo tin nội bộ, có thêm ít nhất một ứng cử viên khác từ nội bộ Microsoft và có tổng cộng danh sách rút gọn này có trên dưới 5 ứng viên cho vị trí này.
Dự đoán, quá trình chuyển giao có thể mất khá nhiều thời gian song cũng dự báo Microsoft sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2014.
Nokia
2013 cũng là một năm đầy chật vật, khó khăn với Nokia. Từng là một “ông vua” trong thế giới điện thoại, Nokia dường như đã “ngủ quên trên chiến thắng” quá lâu và để thua nhiều đối thủ mới nổi khác, chính thức mất ngôi vương vào tay Samsung. Năm 2007 được xác định là năm Nokia bắt đầu nếm “trái đắng” khi Apple ra mắt iPhone và ngày đó Nokia còn chế nhạo Apple.
Tháng 9, cả Nokia và Microsoft cùng thông báo Microsoft đã mua lại bộ phận phần cứng và dịch vụ của Nokia. Stephen Elop – CEO Nokia hiện nay – cũng sẽ theo thương vụ này và trở thành người của Microsoft. Như thế, Stephen Elop sẽ không còn là CEO của Nokia nữa, đồng nghĩa với việc Nokia sẽ có sự thay đổi trong chức vụ cao nhất công ty này.
Hiện tại, chưa ai rõ rồi đây Nokia sẽ trở thành một công ty như thế nào khi đã bán đứt mảng thiết bị di động vốn là thế mạnh của Nokia cho Microsoft. Và sắp tới những mẫu điện thoại nhãn hiệu Nokia có còn ra đời hay thế giới sẽ không còn được đón nhận những ĐTDĐ Nokia nữa, chấm dứt một thời hoàng kim của Nokia.
Thỏa thuận mua bán giữa Nokia và Microsoft dự kiến sẽ kết thúc trong quý I/2014. Sau khi thỏa thuận kết thúc, khoảng 32.000 nhân viên của Nokia sẽ chuyển sang làm việc tại Microsoft, trong đó có cả Stephen Elop. Chủ tịch của Nokia là Rito Siilasmaa sẽ trở thành CEO tạm quyền tại Nokia trong khi công ty sẽ tìm kiếm một người thay thế vị trí Stephen Elop để lại.
BlackBerry
Mặc dù rất nỗ lực vượt lên song BlackBerry đã trải qua một quá trình trượt dài và suy thoái trầm trọng. Nhiều người nói năm 2013 là năm “đen đủi” của nhiều đại gia di động. Điển hình nhất là Nokia và BlackBerry. Tháng 9, BlackBerry tuyên bố “bán mình” cho hãng đầu tư tài chính Fairfax Financial Holdings có trụ sở tại Toronto (Canada) với giá 4,7 tỷ USD. Tuy nhiên, đến tháng 11, BlackBerry bất ngờ tuyên bố huỷ bỏ kế hoạch trên và không đưa ra bình luận gì. Cùng với việc huỷ bỏ kế hoạch “bán mình”, BlackBerry cũng tuyên bố sự từ chức Tổng giám đốc của Thorsten Heins và đưa John Chen, một doanh nhân Hong Kong, lên ghế CEO của công ty.
Thời gian gần đây, BlackBerry liên tục gửi thư và có những tín hiệu nói rằng công ty vẫn chưa đến mức suy thoái như mọi người vẫn nghĩ, và BlackBerry vẫn còn hy vọng phục hồi cũng như cơ hội ở phía trước. CEO mới của BlackBerry, John Chen, nổi tiếng là một thiên tài chuyên vực dậy các công ty đang “hấp hối”. John Chen sẽ giữ chức Tổng Giám đốc (CEO) lâm thời của hãng điện thoại Canada.
Acer
Đầu tháng 11, CEO J.T Wang của hãng máy tính Đài Loan Acer đã tuyên bố từ chức với lý do không đủ khả năng để tiếp tục dẫn dắt công ty trước tình hình ngành kinh doanh PC đang ngày càng suy giảm. Lúc đó, Acer cho biết, Chủ tịch Jim Wong sẽ tạm thời giữ chức CEO thay cho ông Wang. Tuy nhiên, đáng buồn cho Acer, chỉ vài tuần sau khi J.T.Wang tuyên bố từ chức, Chủ tịch Jim Wong cũng nói lời chia tay. Hiện nay, nhà đồng sáng lập Stan Shih của Acer sẽ giữ cương vị chủ tịch tạm thời của công ty cho đến khi bổ nhiệm được chủ tịch chính thức.
Acer vốn là nhà sản xuất PC được ưa chuộng trên thế giới nhưng hãng phải đối mặt với tình hình doanh số máy tính để bàn ngày càng sụt giảm vì người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang dùng tablet và các thiết bị di động khác. Công ty vừa công bố mức lỗ sau thuế trong quý III/2013 là 446 triệu USD, khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay của công ty.
Hoàng Hải