Những cơ chế vượt trội giúp Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hút đầu tư
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã giải phóng mặt bằng được 90% diện tích với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; đã thiết lập được môi trường chính sách đặc biệt và thu hút được một số các nhà đầu tư hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
Luật Thủ đô sửa đổi quy định nhiều chính sách đặc thù tạo thuận lợi cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Luật Thủ đô sửa đổi tại Điều 24 đã xác định Khu CNC Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển các Khu CNC của Thành phố, trong đó trọng tâm là Khu CNC Hòa Lạc, Luật Thủ đô sửa đổi đã quy định nhiều cơ chế chính sách đặc thù vượt trội trong đó nổi bật là: Phân cấp ủy quyền mạnh mẽ cho Ban Quản lý để thực hiện cơ chế 1 cửa tại chỗ, từ đó giúp cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính nhanh nhất, đơn giản nhất.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô sửa đổi cũng quy định dự án đầu tư và hoạt động tại khu CNC được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật; giao HĐND Thành phố. Hà Nội quy định bổ sung các cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu CNC và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu CNC; phát triển Nhà ở cho người làm việc trong Khu CNC...
Bà Phan Thị My, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết: "Đây là hành lang pháp lý quan trọng, tạo cú hích cho sự phát triển của Khu CNC Hòa Lạc trong thời gian tới".
Đã có 116 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Hiện nay, Khu CNC Hòa Lạc đã sản xuất được các sản phẩm công nghệ cao, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn lao động chất lượng cao, bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo- nghiên cứu- sản xuất, thiết lập môi trường sáng tạo công nghệ với các trung tâm đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, Khu công nghệ cao Hòa Lạc bước đầu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng. Đến nay, khu đã thu hút được 108 dự án đầu tư (bao gồm 93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những mục tiêu và động lực mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Trong đó, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần thu hút những dự án đầu tư mới có quy mô lớn, sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn, có tác dụng lan tỏa, dẫn dắt và nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất quốc gia và toàn cầu.
Chiến lược, tầm nhìn, cách thức phát triển của Khu CNC Hòa Lạc nên gắn chặt với Thủ đô
Chia sẻ về đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, CMC có kế hoạch xây dựng Tổ hợp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo CMC Creative Space Hòa Lạc (CCS Hòa Lạc) với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, CMC đang xúc tiến thủ tục để sớm khởi công dự án này.
Ông Nguyễn Trung Chính cho rằng các chiến lược, tầm nhìn, cách thức phát triển của Khu CNC Hòa Lạc nên gắn chặt với Thủ đô. Đơn cử như Thủ đô có lợi thế về nguồn nhân lực trí thức, do đó, Khu CNC Hòa Lạc nên tận dụng tối đa sức mạnh đó trong quảng bá, giới thiệu và chiến lược thu hút.
Để Khu CNC Hòa Lạc trở thành hạt nhân của Thủ đô, đòi hỏi Khu phải có chiến lược bao trùm, tạo môi trường cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển hạ tầng thiết yếu, đô thị cho giới nghiên cứu, đô thị cho các nhà khoa học.