Những cuốn sách triệu bản nhờ công nghệ số

15:51, 06/06/2021

Với sự giúp sức của truyền thông và công nghệ, nhiều cuốn sách đã trở thành ấn bản triệu người đọc sau một đêm và giúp tác giả sách đổi đời.

“Mất 5 năm để sách của tôi có thể lọt vào danh sách Best Seller của báo The New York Times cùng hàng nghìn giờ làm việc chăm chỉ. Nhưng nếu có Brent làm trợ lý marketing, tôi chỉ mất 5 phút với một bức ảnh đơn giản, thật điên rồ”, tác giả sách bán chạy Tucker Max viết trong lời đề tựa cho cuốn sách hài hước của Brent Underwood.

Brent Underwood là một chuyên gia marketing. Bằng các thủ thuật đơn giản, anh đã tạo ra một cuốn sách Best Seller trên Amazon chỉ trong vòng 5 phút. Tất nhiên, Brent không phải người duy nhất có thể làm được điều này trong một thời đại mà việc viết sách đã bị công nghiệp hóa. 

Công nghệ đưa sách suýt bị quên lãng thành sách kỷ lục

Từ cuốn sách bị 12 nhà xuất bản lắc đầu từ chối, chật vật mãi mới in 1.000 cuốn, ngày nay, 500 triệu bản in về cậu bé phù thủy Harry Potter đã được tiêu thụ. Cùng với 8 phần phim chuyển thể có doanh thu phòng vé lên tới 7,7 tỷ USD, sách đã giúp Joanne Rowling trở thành tác giả đầu tiên và duy nhất từng lọt vào danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes. 

Dan Brown chỉ trở nên nổi tiếng toàn cầu với Da Vinci Code (xuất bản năm 2003) sau khi cuốn tiểu thuyết này được chuyển thể thành phim năm 2006. Đến nay, các tác phẩm của Dan Brown đã được chuyển ngữ sang 57 thứ tiếng với 200 triệu bản bán ra. 

Những cuốn sách triệu bản nhờ công nghệ số-1

Tác giả Dan Brown trong buổi ra mắt cuốn sách mới nhất trong series phiêu lưu trinh thám về nhân vật hư cấu Robert Langdon.

Những tác phẩm kinh điển như The Lord of the Rings và The Hobbit của cố tác giả J. R. R. Tolkien cũng tương tự. Sáu phần phim chuyển thể đã đem về doanh thu phòng vé hơn 5,8 tỷ USD; hàng tá game ăn theo. Nhờ đó, những cuốn tiểu thuyết giả tưởng được viết từ giữa thế kỷ trước vẫn có sức sống mãnh liệt, với 150 triệu bản và 100 triệu bản tương ứng. 

George R. R. Martin cũng chỉ trở nên nổi tiếng sau khi tiểu thuyết A Song of Ice and Fire được chuyển thể thành TV series đình đám Game of Thrones từ năm 2011. Kể từ đó, 90 triệu bản đã được tiêu thụ với hàng tá phim và game ăn theo. 

Điều tương tự cũng xảy ra với một số tác giả Việt, như trường hợp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Các tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi khi được chuyển thể thành phim điện ảnh như Cô gái đến từ hôm qua (xuất bản năm 1989, bản phim chiếu rạp năm 2017), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (xuất bản năm 2010, phim năm 2015) hay Mắt biếc (xuất bản năm 1990, phim năm 2019)...

Có thể nói, công nghiệp điện ảnh vừa biết “nhặt ngọc” từ các tác phẩm, vừa góp phần để tạo nên sức sống “triệu bản” cho các đầu sách nói trên.

Ngành công nghiệp xuất bản sách

Nhưng thế giới không chỉ có những đầu sách triệu bản, chuyện bén duyên với điện ảnh để từ đó sách thăng hoa chỉ như muối bỏ biển. 

Hoa Kỳ đã có cả một ngành công nghiệp tạo ra sách Best Seller từ rất lâu với các công ty chuyên chạy chiến dịch để tạo ra sách bán chạy.

Đến khi ông lớn công nghệ tham gia, viết sách “bán chạy” thực sự trở thành một ngành công nghiệp hóa.

Những cuốn sách triệu bản nhờ công nghệ số-2

Amazon vẫn đang là đơn vị nắm giữ thị phần lớn nhất ở thị trường tự phát hành sách (nguồn: kindlepreneur.com).

Thông qua chính sách Kindle Direct Publishing, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon  cho phép bất kỳ ai viết bằng bất cứ ngôn ngữ nào cũng có thể đưa sách lên chợ bán. 

Tác giả sách có thể lựa chọn bán sách giấy hoặc bán bản ebook/audiobook. Cũng như Netflix cung cấp xem video theo yêu cầu (video on demand), Amazon đã khai phá một khái niệm hoàn toàn mới mẻ khi đó là in sách theo yêu cầu (print on demand).

Các ông lớn công nghệ như Amazon, Google hay Apple nắm nền tảng phân phối nội dung hoàn toàn chi phối và làm chủ cuộc chơi tự phát hành sách kiểu online này. 

Đưa xu thế thời đại vào ngành sách

Thời đại mang đến những cách làm mới, nhưng cũng đi theo nguy cơ mới.

Năm 2010, Google từng ước tính cả thế giới có 130 triệu đầu sách. Đến năm 2019, Google mới quét được hơn 40 triệu đầu sách, chưa tính các tựa sách mới ồ ạt tăng thêm. Hệ lụy là ngành xuất bản sách bị công nghiệp hóa khiến độc giả khó lựa chọn hơn, từ đó mất dần sự hứng thú với sách mới.  

Ở thị trường Mỹ, số sách xuất bản năm 2020 đã tăng 8,2% lên 751 triệu bản copy, nhưng Hiệp hội các Nhà xuất bản sách chỉ ghi nhận doanh thu tăng 0,1% trong cùng kỳ.

Câu chuyện sách và vấn đề của lĩnh vực xuất bản thời đại số đang là câu chuyện toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài những biến động đó. Trước đây mỗi năm có một số ít sách mới và vì thế có quyển sách cả triệu người đọc và trở thành nhận thức chung của cả xã hội. 

Bây giờ, mỗi năm có tới gần 40.000 đầu sách, mỗi đầu sách cũng chỉ in vài ngàn quyển và vì thế, không có quyển sách nào có triệu người đọc, không có quyển sách nào thành nhận thức chung của xã hội, không tạo thành sức mạnh quốc gia.

Nghĩ khác đi về sách chính là tương lai của sách. Hiện nay, có rất nhiều công cụ mới để tạo ra tương lai cho sách. Đó là công nghệ số, là các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 (bên cạnh công cụ thể chế và chính sách).

Mang những xu thế của thời đại số, mà nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng thành công cả chục năm nay, vào ngành xuất bản chính là giải pháp.

Bên cạnh sách dài truyền thống hàng ngàn trang, hàng trăm trang thì phiên bản hỗ trợ ngắn hơn hoặc có công cụ tìm kiếm để giúp người đọc nhanh chóng nắm được ý. Khi có nhiều phiên bản phục vụ thiết bị xem và đối tượng xem khác nhau, mỗi người mỗi năm thay vì chỉ đọc vài cuốn sách có thể đọc vài chục cuốn.

Bây giờ mọi người có rất nhiều cách đọc: Khi cần mới đọc, đọc sách điện tử, sách mạng, đồ họa, dữ liệu… nhiều hơn. Với cách tiếp cận xem sách không chỉ là tri thức mà còn là tạo cảm xúc thì làm sách đa phương tiện là cách vừa giữ được giá trị cốt lõi của sách, vừa là thêm những biến hoá mới phù hợp với thời đại.

Bên cạnh đó, sách là một khái niệm mở và phát triển. Do đó, phát trên nhiều nền tảng khác nhau sẽ giúp lĩnh vực xuất bản thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn.

Một trong những điểm khác biệt khi xã hội chuyển đổi số là sự cùng nhau hợp tác tạo ra các giá trị. Trước đây, người viết sách, người in sách, người phát hành sách, người đọc, người lưu trữ sách,... khá độc lập với nhau. Nhưng nếu cùng nhau ngay từ đầu thì giá trị mới mang lại sẽ hoàn toàn khác. Thậm chí viễn cảnh không phải là ông lớn công nghệ nào như Amazon, mà chính các nhà xuất bản có thể trở thành một nền tảng số (digital platform) để người đọc trở thành người viết… cũng có thể là một giải pháp táo bạo.

Theo/ictnews.vietnamnet.vn