Những điều cần biết về internet vệ tinh Starlink
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc Việt Nam chuẩn bị thí điểm Internet vệ tinh Starlink được xem là bước tiến đáng chú ý trong nỗ lực mở rộng vùng phủ kết nối số, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo và địa bàn khó tiếp cận.
Khác với mô hình truyền thống vốn phụ thuộc vào hạ tầng cáp quang và trạm thu phát dưới mặt đất, Starlink hoạt động dựa trên hệ thống hàng nghìn vệ tinh nhỏ bay ở quỹ đạo tầm thấp (Low Earth Orbit – LEO), ở độ cao khoảng 500 - 600 km so với Trái Đất. Việc đặt vệ tinh ở quỹ đạo thấp giúp giảm độ trễ tín hiệu, nâng cao chất lượng truyền tải, đồng thời cho phép phủ sóng Internet đến những nơi hạ tầng mặt đất chưa hoặc không thể vươn tới.
Ảnh minh họa.
Starlink hiện đã triển khai dịch vụ tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ hàng triệu người dùng. Đáng chú ý, hệ thống này từng được triển khai khẩn cấp tại các khu vực xảy ra thiên tai hay hạ tầng viễn thông bị gián đoạn. Hiện tại Starlink đang chuẩn bị thí điểm dịch vụ ở một số khu vực đặc thù như vùng núi, đảo xa, hoặc nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Nếu được triển khai rộng rãi, Starlink có thể đưa Internet tốc độ cao tới những vùng chưa có hoặc có nhưng chất lượng kém. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy chương trình "phổ cập Internet băng rộng" đến từng người dân, đồng thời tăng cường năng lực ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn bằng công nghệ.
Starlink có nhiều ưu điểm đáng kể trong bối cảnh Việt Nam đang có địa hình phức tạp, nhiều khu vực đồi núi, hải đảo. Với thiết bị thu đơn giản gồm một ăng-ten định hướng tự động và modem, người dùng có thể kết nối Internet mà không cần xây dựng hạ tầng cồng kềnh.
Dù tiềm năng rất lớn, quá trình triển khai Starlink tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số vấn đề như chi phí dịch vụ cao. Hiện tại, người dùng Starlink tại các thị trường khác đang trả mức phí dao động khoảng 110 - 120 USD/tháng, trong khi thiết bị thu có giá gần 500 USD. Mức giá này vượt xa khả năng chi trả của đại đa số người dùng cá nhân tại Việt Nam.
Mặc dù lý tưởng cho khu vực nông thôn hoặc hải đảo, nhưng tại thành thị, nhưng nơi bị che khuất bởi nhà cao tầng, cây cối, Starlink có thể hoạt động kém hiệu quả nếu không bố trí đúng cách.
Việc thí điểm Starlink tại Việt Nam không chỉ mở ra hướng tiếp cận Internet cho các khu vực khó khăn, mà còn giúp nâng cao năng lực kết nối trong bối cảnh phát triển chính phủ điện tử, giáo dục từ xa và nền kinh tế số.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Starlink cũng có thể tạo sức ép cạnh tranh tích cực lên các nhà mạng truyền thống, thúc đẩy cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng vùng phủ sóng.