Những điều cần biết về thương vụ Lenovo mua lại Motorola Mobility
Chuyện mua đi bán lại một công ty nào đó dễ như 'đi chợ' không phải là chuyện quá xa lạ với các ông lớn công nghệ, tuy nhiên khi 'món đồ' đó là một công ty lớn và có sức ảnh hưởng như Motorola Mobility thì lại là chuyện khác.
Sau thương vụ Apple mua lại Beats Audio với giá 3 tỷ USD, chuyện nhà Lenovo và Motorola có thể khiến nhiều người giật mình, thương vụ này bắt đầu được khởi sướng từ hồi đầu năm , nhưng mãi tới ngày hôm qua, Lenovo mới có thể mạnh dạn nói “Hello Moto” với thế giới, và điều quan trọng là mức giá của để sở hữu cái tên này chỉ là 2,91 tỷ USD, trong đó, 660 triệu USD được thanh toán bằng tiền mặt, 750 triệu USD quy đổi thành 519 triệu cổ phiếu của Lenovo, phần 1,5 tỷ USD còn lại sẽ được trả cho Google trong vòng 3 năm. Ngoài ra, Lenovo cũng sẽ mất một khoảng 228 triệu đô để “bù đắp” cho Google.
Trước đó, Google từng gây bất ngờ khi bỏ ra tới hơn 12 tỷ USD để sở hữu Motorola, vậy phải chẳng Google đã quá ngu ngốc, Lenovo hưởng lợi quá nhiều, hay Motorola mất giá đến mức như vậy? Cùng nhìn lại toàn cảnh thương vụ này qua góc nhìn của mỗi bên liên quan.
Ảnh: TheNextWeb
GOOGLE CHỊU THIỆT?
Hồi giữa năm 2012, gã khổng lồ Google gây bất ngờ cho giới công nghệ khi tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua lại Motorola với giá 12,5 tỷ USD, thế nhưng khi bản hợp đồng này còn chưa thực hiện xong, mọi người lại thêm một phen bất ngờ nữa khi Motorola được đẩy sang cho một tập đoàn Trung Quốc là Lenovo với mức giá rẻ mạt, chỉ hơn phần lẻ của con số 12,5 tỷ đô-la Mỹ nói trên. Có thể nhiều người coi đây là một nước cờ sai, gây thất bại quá nặng nền cho Google, thế nhưng không hoàn toàn như vậy.
Ở một góc nhìn nào đó, Google đã sai lầm và quá nóng vội khi mua lại Motorola vốn đang trong quá trình thoái trào, tất cả chỉ nhằm phục vụ cho cuộc chiến bản quyền đang căng thẳng hồi bấy giờ giữa Google, Microsoft và Apple. Thất bại trong việc mua 6.000 mẫu sáng chế của Nortel khi bị Apple và Microsoft liên minh nẫng tay trên, gã khổng lồ tìm kiếm càng quyết tâm trong việc thâu tóm thật nhiều bằng sáng chế để bảo vệ cho hệ điều hành Android vốn đang trên đà phát triển trước cuộc chiến khi đó.
Google đạt được nhiều mục đích từ thương vụ này. Ảnh: GSMnation
Thế nhưng với 12,5 tỷ USD bỏ ra, Google không chỉ nhận được số bằng sáng chế khổng lồ (17.000 đã có và 7.500 đang chờ cấp), đó còn là công ty điện thoại di động Motorola Mobility, công ty Motorola Home chuyên về set-top box và tới 5,5 tỷ USD tiền mặt dự trữ của Motorola. Dưới đây là cách mà gã khổng lồ này xé lẻ và sử dụng số tài sản mới mua lại trên:
- Bán Motorola Home cho Arris Group thu về khoảng 2,35 tỷ USD.
- Tái cấu trúc Motorola Mobility (bán nhà máy, thu về 100 triệu USD, sa thải 4000 nhân viên, lấy 3 tỷ USD tiền mặt).
- Giữ lại số bằng sáng chế trị giá 5,5 tỷ USD.
Ngoài ra, trong thời gian mà Google quản lý, Motorola cũng đã thua lỗ lên tới cả tỷ USD, việc chuyển giao Motorola Mobility cho Lenovo chỉ là chuyển giao “phần vỏ”, bằng sáng chế cả 2 bên cùng sử dụng, nhưng Google vẫn nắm đằng chuôi. Vậy khó có thể nói Google thiệt hại.
Những lợi ích không nhỏ cho Google
Dù mục đích chính khi mua lại Motorola được cho là vì bằng sáng chế, tuy nhiên điều này không khỏi làm các đối tác phần cứng khác của Google “mách lòng”, thậm chí là lo sợ. Bán Motorola Mobility sẽ giúp mối quan hệ với LG, HTC, Sony và đặc biệt Samsung trở nên suôn sẻ hơn, khi họ chỉ là đối tác chứ không là đối thủ nữa. Còn nhớ thời điểm năm 2012, 2013, sức bành trướng của Samsung với những chiếc máy dòng Galaxy trên thị trường di động là không cần bàn cãi. Samsung cùng với Android vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường không những không làm Google vui, mà đó còn là một sự đe dọa lớn với nhà cung cấp hệ điều hành này. Việc mua lại Motorola đã đủ để Google “dọa” lại Samsung, và khi mọi chuyện đã trở nên dễ thở hơn, Google lại bán đi để giữ hòa khí giữa các bên. Quả là linh hoạt và thức thời!
Không những vậy, qua thương vụ mua bán này, mối quan hệ của Google và Lenovo sẽ thay đổi khá nhiều, không thân thiết đến mức có thể “sống chết vì nhau”, nhưng cũng không còn là “người dưng” nữa, và chắc chắn Lenovo sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn từ nhà cung cấp hệ điều hành này.
Nếu Lenovo thành công với Motorola, nó sẽ làm giảm ảnh hưởng diện rộng của Samsung trên hệ sinh thái Android. Mặt khác, giới chuyên gia cho rằng đây là một cú hích dành cho hệ sinh thái Android, không chỉ dành riêng cho các nhà sản xuất thiết bị phần cứng mà còn ảnh hưởng tới các nhà phát triển ứng dụng. Lenovo đã có hệ thống sản xuất lớn, tiềm lực tài chính mạnh, dòng sản phẩm phân khúc được định hình, và các đối tác, khách hàng trên toàn thế giới không thua kém gì Samsung.
LENOVO MUA MỘT, ĐƯỢC NHIỀU
Vốn là thương hiệu Trung Quốc, dù lớn mạnh nhưng vẫn thiếu một chút gì đó về tiếng nói và sức ảnh, Lenovo cần một cái tên uy tín để có thể tạo sức lan tỏa lớn hơn, giống như cách họ từng làm với thương hiệu Thinkpad của IBM. Vậy nên không quá bất ngờ khi BlackBerry hay Motorola là những đối tượng muốn nhắm đến của Lenovo.
CEO của Lenovo quyết tâm đưa công ty này lên vị trí dẫn đầu toàn thế giới. Ảnh: CNET
Nâng cao vị thế: Theo thống kê từ IDC, hiện Lenovo đã vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone thứ 4 thế giới, sau Apple, Samsung và người đồng hươngXiaomi. Doanh số bán hàng của thương hiệu này vẫn tăng đều và có sức phát triển tốt. Việc mua Motorola khiến Lenovo như “hổ mọc thêm cánh”, thương hiệu điện thoại Mỹ sẽ giúp Lenovo gặt hái thành công về doanh số bán hàng tại các thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu và phục vụ như một thương hiệu cao cấp tại các thị trường đang nổi.
Doanh số bán điện thoại của Lenovo trong quý vừa qua là 16,9 triệu chiếc, còn 2 dòng điện thoại mới đây của Motorola là Moto X và Moto G chưa rõ doanh số thực sự, nhưng bán khá tốt và nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dùng, việc kết hợp này sẽ giúp cho Lenovo tăng cao được doanh số và thậm chí có thể vượt cả Xiaomi.
Phát triển sâu hơn: Không chỉ dừng lại ở những con số, việc sở hữu một thương hiệu uy tín như Motorola sẽ giúp cho một nhà sản xuất Trung Quốc như Lenovo tạo dựng lòng tin hơn với người tiêu dùng, trước những cáo buộc về việc ăn cắp dữ liệu và nghe lén thời gian qua, sau đó sẽ tiến dần lên thị trường các khách hàngdoanh nghiệp, miếng mồi béo bở mà nhiều hãng vẫn đang lăm le nhòm ngó.
Ngoài ra, Motorola có nhiều kinh nghiệm hơn so với bất cứ công ty nào, ngay cả khi họ rất khó khăn nhưng gần đây Moto X và Moto G đã được người dùng đón nhận. Vì thế, nền tảng và hệ thống kĩ thuật từ Motorola Mobility chính là một lợi thế cho Lenovo.
Ưu tiên từ Google: Trong tình cảnh tất cả đều phải phụ thuộc nền tảng hệ điều hành từ Google, ai được Google ưu tiên, người đó sẽ có lợi. Theo thỏa thuận được tiết lộ, Lenovo nhận được quyền sử dụng các bằng sáng chế của Motorola Mobility (Google), trong khi các công ty điện thoại di động khác như Samsung, LG hay thậm chí là Apple vẫn phải trả tiền phí hàng năm.
MOTOROLA: HY VỌNG KHỞI SẮC
Moto E là sản phẩm cuối cùng của Motorola
Với vị thế của mình, Motorola không có quyền quyết định trong chuyện này, tuy nhiên sau khi thương vụ mua lại hoàn tất, Motorola vẫn hoạt động như một chi nhánh có trụ sở tại Chicago với các văn phòng trên toàn thế giới. Các thương hiệu Moto và DROID vẫn được duy trì.
Trong năm vừa qua, dưới sự điều hành xao nhãng của Google, Motorola đã thua lỗ tới hơn 1 tỷ USD và có thể sẽ còn nặng nề hơn trước sức cạnh tranh lớn của thị trường như hiện nay. Khi về tay Lenovo, với mục đích vươn lên thứ hạng cao, chắc chắn hãng điện tử Trung Quốc không để cho Motorola làm ăn thua lỗ như vậy nữa.
Lời khẳng định của CEO Lenovo có thể sẽ khiên fan Motorola yên tâm phần nào. Ông Yang Yuanqing cho rằng, Lenovo có thể biến đơn vị này kinh doanh có lãi trong 4 đến 6 quý, trong năm đầu tiên sau khi mua lại, Lenovo sẽ bán 100 triệu thiết bị.
VỀ PHÍA NGƯỜI DÙNG
Việc mua lại này tưởng như chẳng ảnh hưởng đến chúng ta, tuy nhiên với sự thay đổi trong thị trường điện thoại, chắc chắn cũng sẽ mang lại những hệ quả 2 chiều, cả tốt cả xấu.
Đó là thị trường sẽ đón nhận sự cạnh tranh mới, từ một thế lực mới, mạnh mẽ và có chiều sâu như Lenovo + Motorola, các hãng khác cũng sẽ phải thay đổi liên tục nếu không muốn chìm nghỉm trong thị trường di động khốc liệt này.
Tuy nhiên, một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, đó là Motorola sẽ bị nuốt chửng hoàn toàn bởi Lenovo, những cái riêng từng làm nên sự khác biệt cho hãng điện thoại Mỹ có thể sẽ bị đồng hóa với phong cách thị trường vốn có của Lenovo.
Hy vọng sắp tới, thị trường smartphone sẽ có nhiều biến chuyển tích cực hơn, và người dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.