Những điều đọng lại sau E3 2013
06:00, 17/06/2013
Không nghi ngờ gì nữa năm 2013 là một trong những năm sôi động nhất của làng game thời gian gần đây với sự góp mặt của 2 máy chơi game console mới Xbox One và PlayStation 4. E3 2013 hoành tráng đã khép lại với nhiều điều đáng suy nghĩ cho ngành công nghiệp game thế giới.
Ngành công nghiệp game đi về đâu
Với những gì chứng kiến ở sự kiện này, có thể nhận ra một số xu hướng trong vài năm tới. Sau đây là một số quan điểm dự báo.
Sony đã tung một cú đấm trực diện vào Microsoft trên mặt trận game console. Không chỉ so kè ở cấu hình và giá bán, CEO Jack Tretton đã thông báo PlayStation4 sẽ không áp dụng các hạn chế mà Xbox One đã tuyên bố sẽ áp đặt cho người dùng. Điều này cho thấy Sony đã nhận ra được tầm quan trọng của “tài sản số” đối với game thủ nói riêng và người dùng ngày nay nói chung.
Sony không giới hạn, cấm đoán người dùng PS4
Nhiều gamer đã bày tỏ quan điểm sẽ ủng hộ Sony vì quyền sở hữu cực kỳ quan trọng đối với họ. Có vẻ như Sony đang chiếm ưu thế, song hãy chờ xem phản ứng của Microsoft và thị trường khi các cỗ máy chơi game "next-gen" này tới tay người dùng.
Hãy khoan so sánh con số các game dành cho Xbox 360 và PlayStation 3, ngay tại E3 thôi, số lượng các gian hàng trưng bày game PS3 nhiều hơn hẳn PS4. Nhìn rộng ra toàn sự kiện, chúng ta có thể thấy rằng đa số các game được công bố ở đây vẫn dành cho các hệ máy đang hiện diện trong phòng khách, phòng riêng của game thủ.
World of Tanks dành cho Xbox 360
Một điểm đáng chú ý khác là những game được công bố dành cho thế hệ console mới vẫn có phiên bản dành cho các hệ máy tiền nhiệm. Xem ra các hãng sản xuất vẫn chưa yên tâm lắm với sức mua dự báo của các hệ console mới trong tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn như hiện nay.
Chia sẻ tiếp tục là điểm nhấn được đẩy mạnh mà các nhà sản xuất nhắm tới để chiếm lấy cảm tình của game thủ. PS4 và Xbox One đều có tính năng này, Nvidia cũng giới thiệu Shadowplay có khả năng cung cấp những tính năng tương tự cho game thủ PC.
Chia sẻ được đẩy mạnh
Không chỉ dừng ở việc cập nhật trạng thái và kỷ lục, việc chia sẻ nay đã được nâng lên cấp độ cao hơn là quay các đoạn video-in-game của chính người chơi rồi share với cộng đồng. Điều này trước đây chỉ làm được khi có sự hỗ trợ của ứng dụng phụ bên ngoài và không phổ biến đối với người dùng phổ thông. Có thể hình dung trong vài năm tới, số lượng các đoạn phim như vậy sẽ tăng vọt trên Internet.
Cũng cần phải nhắc nhở những game thủ đang háo hức với những cỗ máy chơi game thế hệ mới sắp ra mắt rằng đồ hoạ của chúng sẽ không giống như những gì họ tưởng tượng. Tất nhiên là đồ hoạ có “khủng” hơn, độ phân giải cao hơn nhưng khó có thể giống như những gì mà hãng sản xuất demo để “dụ” người dùng. Khả năng lớn là tất cả các game sẽ được nâng cấp độ phân giải tử SD lên HD mà thôi. Tuy vậy cũng đừng sớm thất vọng, các nhà phát triển sẽ nhanh chóng quen với nền tảng phần cứng này và các siêu phẩm dành cho chúng chắc chắn sẽ sớm xuất hiện.
Một điều không khó để nhận ra là sự gò bó của Nintendo, hãng này dường như vẫn kiên trì theo đường lối “1 mình 1 sân” (hoặc là không đủ khả năng nghĩ ra cái gì mới) khi vẫn tiếp tục khai thác những thương hiệu truyền thống như Mario, Mario Kart, Pikmin, Donkey Kong và Zelda.
Mario Nintendo
Sự kiên định này của đại gia Nhật Bản cũng cho thấy họ nhận thức rõ được vị trí và ưu thế của mình trong ngành công nghiệp game. Họ biết rằng người dùng mua WiiU không phải để chơi Call of Duty hay Battlefield mà họ mua Wii U để chơi các game Nintendo. Cũng cần nói thêm rằng các game bom tấn khác như Assassin's Creed IV: Black Flag, Watch Dogs và Rayman Legends cũng có phiên bản dành cho hệ máy này từ năm ngoái.
Vậy còn các game được phát triển bởi các studio độc lập (indie game) thì sao? Cả 2 đại gia Microsoft và Sony đều không nhấn mạnh song không quên hứa hẹn sẽ hỗ trợ cho các hãng game độc lập.
Quyên Quyên