Những đối thủ "kị dơ" của MacBook Air

08:00, 13/12/2012

Kể từ khi Ultrabook được tung ra, thị trường laptop siêu di động đã không còn là sự độc tôn của MacBook Air nữa. Dòng laptop chạy Windows mới cho độ mỏng và cân nặng ngang ngửa Macbook Air khiến nhiều người mua băn khoăn không biết mình nên chọn loại nào. Có một thực tế rằng MacBook Air có nhiều điểm mạnh hơn so với Ultrabook nhưng ngược lại, ở nhiều mặt, Ultrabook cũng có những lợi thế riêng. Vậy có nên chọn MacBook Air hay không và những Ultrabook nào là đối thủ của MacBook Air? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Có nên chọn Apple MacBook Air?

Hệ thống marketing đồ sộ của Apple đã rất thành công trong việc tạo cho người dùng ấn tượng rằng MacBook Air là một sản phẩm có đẳng cấp “độc nhất vô nhị”. Nhưng thực sự, sản phẩm không hoàn toàn khác biệt với dòng Ultrabook do Intel khởi xướng. Về cơ bản, Ultrabook là dòng sản phẩm được tối ưu hết mức để đáp ứng nhu cầu về tính cơ động cho người dùng (thường là nhờ kích thước mỏng và thời lượng pin dài) đồng thời vẫn giữ được hiệu năng tương đương với các laptop cỡ lớn.


Công bằng mà nói, Apple mới là người tiên phong trong việc tạo ra dòng sản phẩm này, tạo động lực cho Intel đẩy mạnh phát triển và quảng bá khái niệm “Ultrabook”, từ đó phần nào giúp thị trường máy tính xách tay Windows đủ sức phản công đối thủ máy tính bảng. Sự phổ biến dần của Ultrabook cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều nhà sản xuất tham gia thử sức với dòng sản phẩm này, từ đó cung cấp cho người dùng các lựa chọn phong phú hơn – điều mà chắc chắn Apple không hề muốn.

Cách nghĩ kiểu chỉ cần một kích thước duy nhất là có thể đáp ứng tất cả người dùng của Apple chắc hẳn không làm vừa ý nhiều người, và đó chính là lí do tại sao chúng ta cần những lựa chọn khác. Chúng ta hãy cùng điểm mặt các ứng cử viên đến từ Acer, Asus, Dell, Samsung và Sony để xem liệu MacBook Air có phải lựa chọn tốt nhất trong dòng sản phẩm này.

Đôi nét về MacBook Air


Ngay trước thời điểm phiên bản MacBook Air được nâng cấp, giá của MacBook vẫn ở mức quá chát so với các đối thủ và sản phẩm này thiếu rất nhiều chức năng đã được coi như chuẩn mực của Ultrabook trong nhiều tháng trước đó; tuy nhiên Apple đã thu hẹp khoảng cách này qua đợt nâng cấp mới của mình.

Gía của MacBook Air như thường lệ vẫn không dễ chịu chút nào, nhưng Apple không phải hãng duy nhất mạnh tay chặt chém khách hàng trong dòng sản phẩm này. Một sản phẩm với hiệu năng cao đi kèm với tính cơ động cũng cực cao, hiển nhiên được liệt vào phân khúc cao cấp – phục vụ các khách hàng cũng cao cấp không kém, và chẳng hãng sản xuất nào lại dại dột không tận dụng điều đó, khiến cho Apple không còn cô đơn trong cuộc đua chặt chém khách hàng.

Nâng cấp sáng giá nhất cho dòng MacBook Air là CPU Intel thế hệ 3 Ivy Bridge. Hiệu năng xử lí được cải thiện không hẳn là rõ rệt, nhất là với các tác vụ thông thường, nhưng vi xử lí đồ họa Intel HD 4000 đi kèm có rất nhiều tiềm năng, những tác vụ như gaming hay hiển thị phân giải cao trên nhiều màn hình ắt hẳn sẽ được cải thiện đáng kể.

Phiên bản MacBook Air mới cũng đã được bổ sung USB 3.0, một chi tiết không có gì mới và đáng lẽ đã phải xuất hiện từ phiên bản trước. Cổng Thunderbolt là trở ngại duy nhất còn lại về mặt kết nối mà các đối thủ cạnh tranh còn phải e dè, tuy thực ra mà nói thì các phụ kiện hỗ trợ Thunderbolt vừa hiếm lại vừa đắt.


MacBook Air hoàn toàn không phải toàn năng, và nêu bạn có một yêu cầu cụ thể nào đó,  nhiều khả năng là một trong những sản phẩm sau đây sẽ đáp ứng nhu cầu đó của bạn hơn sản phẩm của Apple.

Đối thủ cạnh tranh số 1 : Sony Vaio T


Nếu bạn không thích cách áp đặt một kích thước duy nhất lên tất cả khách hàng của Apple, ắt hẳn bạn sẽ muốn cân nhắc Sony Vaio T. Với các tùy chọn 11 inch, 13.3 inch và 14 inch, dòng Sony Vaio T cung cấp hầu hết các chức năng xuất hiện trên MacBook Air kèm theo các mức giá khá hợp lí.

Sony Vaio T cũng sử dụng vi xử lí i5 và i7 thế hệ 3 của Intel, cung cấp hiệu năng tương đương MacBook Air. Cổng USB 3.0 và đầu đọc thẻ tích hợp dĩ nhiên cũng không thể vắng mặt. Dù không có cổng Thunderbolt, dòng Vaio T vẫn có thể áp đảo MacBook Air về mặt kết nối: cổng HDMI – cổng VGA và cổng Ethernet. Người dùng sẽ không phải xoay sở với adapter HDMI hay adapter Thunderbolt – Ethernet như trên MacBook Air.


Mặc dù cấu hình khá tương đồng với MacBook Air, các sản phẩm thuộc dòng Vaio T rẻ hơn đến khoảng 200 USD.  Người dùng sẽ nhận được màn hình có độ phân giải thấp hơn một chút, 1366x768 so với 1440x900 của Air. Bù lại thì Vaio T vẫn có thêm một chút lợi thế về các tùy chọn nâng cấp dung lượng lưu trữ. Sony cung cấp các tùy chọn ổ cứng lai từ 320 hoặc 500 GB, dĩ nhiên là đi kèm với SSD 32GB để đảm bảo người dùng có tốc độ khởi động siêu nhanh như Intel yêu cầu.

Gía khởi điểm của dòng Sony Vaio T là 770 USD (thị trường US) .

Dell XPS 13 and 14: Gọn hơn nhiều người nghĩ


Ý tưởng cốt lõi của Ultrabook là tăng cường tính cơ động cho sản phẩm trong khi vẫn giữ được các trải nghiệm sử dụng như trên một máy xách tay full-size thông thường. Các hãng sản xuất phải hi sinh kích thước hiển thị và một phần hiệu năng để tăng khả năng di động.  Nhưng cũng như Intel đã thành công khi phát triển được phương pháp tăng hiệu năng mà vẫn không tăng mức điện năng tiêu thụ, Dell đã thành công trong việc giữ nguyên kích thước hiển thị mà vẫn đảm tính cơ động. Ultrabook XPS 13 của Dell có màn hình 13.3 inch, nhưng kích thước tổng thể chỉ lớn hơn MacBook Air 11 inch của Apple đôi chút. Tuy nhiên cái giá phải trả cho phép màu này không hề rẻ; mặc cho mức giá khởi điểm lên đến 999 USD, XPS 13 vẫn tỏ ra thua sút hơn hẳn về mặt tính năng: vi xử lí Intel thế hệ hai Sandy Bridge, chỉ có 2 cổng USB ( 1 cổng 3.0 ) và độ phân giải 720p.

Điểm sáng nhất của XPS 13 chắc chắn là phần thiết kế. Máy không chỉ có kích thước khá ấn tượng so với suy nghĩ của người dùng về một laptop 13 inch, độ bền cũng ấn tượng không kém nhờ vào bộ khung làm từ nhôm và sợi carbon, cùng với màn hình được bảo vệ bởi kính Gorilla Glass.

Phiên bản XPS 14 phải hi sinh ít tính năng hơn XPS 13, và thực ra sản phẩm này đủ sức knock out MacBook Air trên hầu hết các phương diện. Sử dụng cùng một phương pháp gắn tấm màn vào khung máy với phiên bản 13 inch, Dell đã xoay sở đưa được tấm màn 14 inch 1600x900 vào bộ khung có diện tích chỉ lớn hơn 1 chút so với MacBook Air 13 inch.

Nếu kích thước màn hình là chi tiết quan trọng đối với bạn, XPS 14 ắt hẳn là một trong những lựa chọn hợp lí nhất trên thị trường lúc này. Không như XPS 13, dòng máy này được này được trang bị vi xử lí thế hệ ba của Intel và các mẫu giá từ 1199$ trở lên có khả năng xử lí đồ họa mạnh mẽ nhờ sự góp mặt của VGA rời Nvidia GeForce GT 630m. Điều này khiến cho XPS 14 đồng thời là nhà vô địch trên khía cạnh hiệu năng.


Ngoại trừ mức cấu hình khủng 1.999 USD, tất cả các sản phẩm khác trong dòng XPS 14 đều được trang bị ổ cứng lai 500GB và không hề có tùy chọn dung lượng nào khác.

Về mặt kết nối, cổng HDMI và mini DisplayPort bảo đảm người dùng có thể kết nối tới màn hình hiển thị ngoài bất cứ lúc nào. Dù cũng chỉ có 2 cổng USB nhưng cả hai đều là USB 3.0.  Để đáp lại con át chủ bài Thunderbolt của Apple, XPS 14 có cổng Ethernet, nhưng dù sao đem so sánh 2 kết nối này cũng có hơi khập khiễng.


Tổng kết lại, dòng XPS 13 và 14 của Dell mang lại hiệu năng tốt nhất trong phân khúc máy Ultrabook, đảm bảo trải nghiệm sử dụng tuyệt vời, bù lại thì khách hàng sẽ phải trả một món tiền không hề kém MacBook Air chút nào.

Asus Zenbook: Ultrabook Full HD đầu tiên


Apple đã rất nỗ lực phát triển công nghệ Retina để trang bị cho toàn bộ các máy MacBook, nhưng giờ đây có lẽ các kĩ sư của Apple đang không được vui vẻ cho lắm khi mà kẻ đầu tiên cho ra đời thành công một máy Ultrabook 1080p lại là Asus.

Dòng Zenbook mới nhất của Asus đã có những cải tiến vượt bậc so với phiên bản cũ. Cũng tương tự các cải tiến mới đấy của Apple, Zenbook đã được nâng cấp lên vi xử lí thế hệ 3 của Intel, kèm theo đó là nhiều cổng USB 3.0 hơn, cổng micro HDMI và mini VGA. Tuy nhiên, nâng cấp đáng chú ý nhất trên sản phẩm là màn hình 1920x1080 pixel. Nhồi nhét được ngần ấy điểm ảnh vào màn hình 13.3 inch đã ấn tượng, các kĩ sư của ASUS thậm chỉ còn thành công với cả mẫu UX21A 11 inch!!!


Với cấu hình không có nhiều khác biệt, giá của UX31A và UX21A tương đương MacBook Air, vì vậy hoàn toàn không thể nói là rẻ. Nhưng xét đến sự ấn tượng của màn hình Full HD 1080p,  đây vẫn là lựa chọn không tồi.

Nếu khách hàng có thể chấp nhận tăng một chút độ dày, phiên bản UX32VD còn cung cấp thêm một cổng USB 3.0 nữa và cổng HDMI full-size.


Đối với những ai cần tăng hiệu suất làm việc đa nhiệm trên Ultrabook, màn hình hiển thị độ phân giải Full HD có thể tạo ra rất nhiều khác biệt, và sản phẩm mới của ASUS hoàn toàn không có đối thủ trên phương diện này.

Acer TimelineUltra : Đôi nét độc đáo


Thực lòng mà nói,  trải nghiệm gaming trên Ultrabook không có gì nhiều để trông đợi. Ngay cả khi các model đã được tiếp sức với chip Intel HD 4000 mới nhất, ít khi nào người dùng có thể mơ đến thứ gì khác ngoài cấu hình “lowest” trên các game 3D hạng nặng.

Dù vậy Acer đã cố gắng cải thiện điều này với dòng TimelineUltra M5. Dĩ nhiên đây vẫn không thể là dòng máy gaming hàng khủng, nhưng VGA Nvidia GeForce GT 640M LE với kiến trúc Kepler ít nhất cũng cho phép người dùng phần nào trải nghiệm các tựa game 3D mới nhất với các cấu hình chấp nhận được.

Đổi lại, sản phẩm lại phải hi sinh một phần khả năng di dộng. Thời lượng pin vẫn ổn định ở mức khoảng 8 tiếng giữa mỗi lần sạc (dĩ nhiên không phải trong trường hợp cày game liên tục không ngừng nghỉ) nhưng dòng M5 chỉ có 2 kích thước 14 và 15.6 inch. Cả 2 mẫu này dù sao vẫn giữ được dáng dưới chuẩn độ dày 21mm của Intel dành cho Ultrabook. Đây cũng là 2 mẫu Ultrabook hiếm hoi trên thị trường có ổ đĩa quang đi kèm.


Toàn bộ các dòng Ultrabook của Acer, bao gồm M5, Aspire S3 và S5, đều có vô số các tùy chọn cấu hình. Người dùng có thể chọn vi xử lí Intel thế hệ ba hoặc thế hệ hai tùy thích, các tùy chọn về dung lượng lưu trữ khá đa dạng.

Điểm chung nhất của các sản phẩm này – cũng là một nét độc đáo thú vị của Acer – là cái giá. Dù là máy Ultrabook nhưng các sản phẩm của Acer có giá khá dễ chịu, với mức khởi điểm thấp nhất là 650 USD. Tương xứng với cái giá đó là độ phân giải màn hình chỉ dừng ở mức 1366x768,  cũng như thiết kế có nhiều điểm không bì kịp các đối thủ cạnh tranh.

Samsung Series 9


Dòng Samsung Series 9 gần đây mới được nâng cấp và có vẻ Samsung tập trung nhiều nhất vào việc "giảm béo" cho con cưng của mình. Mẫu máy 13.3 inch có độ dày chỉ 1.5 cm!!! Khoảng cách giữa siêu mẫu này và các đối thủ cạnh tranh là khá xa.

Các thay đổi khác cũng vẫn xoay quanh việc lên nâng cấp vi xử lí Intel lên thế hệ 3, bổ sung cổng USB 3.0 và tăng độ phân giải màn hình lên 1600x900. Dù có độ mỏng ấn tượng, Series 9 vẫn hỗ trợ được khá nhiều kết nối: micro HDMI, Ethernet(qua adapter đi kèm), VGA (cũng qua adapter) và đầu đọc thẻ SD.


Với cấu hình tương đương, Series 9 là dòng Ultrabook hiếm hoi vượt mặt MacBook Air về khoản... giá, nhưng bù lại đồng thời cũng là dòng Ultrabook hiếm hoi qua mặt được Apple về thiết kế.

Samsung cũng cung cấp một mẫu Series 9 15 inch với các thông số tương đương phiên bản 13.3, ngoại trừ màn hình và thời lượng pin tốt hơn – lên tới 10 tiếng. Với những người dùng cần khả năng di động và phong cách, Samsung Series 9 tỏ ra không hề kém cạnh so với MacBook Air, nếu không nói là hơn.

MacBook Air không còn là Ultrabook đáng mua duy nhất trên thị trường

Qủa thực MacBook Air vẫn có những nét riêng mà không Ultrabook nào khác trên thị trường có thể so sánh trược. MacBook Air cũng là mẫu laptop di động duy nhất giúp bạn có thể trải nghiệm OS X. Đây cũng là 1 trong số ít các sản phẩm có cổng Thunderbolt. Nhưng nếu bạn không quan tâm đến 2 yếu tố này, trên thị trường còn rất nhiều lựa chọn khác, mỗi sản phẩm đều có phần nổi trội hơi sản phẩm của Apple trên một phương diện nào đó.

Với những ai muốn có trải nghiệm gần giống với MacBook Air nhất cùng với một cái giá hợp lí, dòng máy Sony T là một lựa chọn không tồi.

XPS 13 và 14 của Dell có màn hình hiển thị rộng trên một bộ khung kích cỡ tương đương MacBook Air, và những khách hàng ưa chuộng sự năng động chắc chắn sẽ không có gì để phàn nàn về thiết kế cứng cáp đúng phong cách của Dell. Đó là chưa kể đến một vài điểm cộng về mặt hiệu năng.

ASUS đã hoàn toàn thành công trong việc tạo ra nét lôi cuốn riêng cho Zenbook. Nếu bạn từng mơ đến việc Apple đưa màn Retina lên MacBook Air, Zenbook là lựa chọn đáng cân nhắc lúc này.

Những người dùng muốn có một chút trải nghiệm game tầm trung chắc hẳn sẽ muốn cân nhắc đến mẫu Ultrabook có chức năng như một laptop chơi game thông thường, dòng TimelineUltra M5 của Acer (chưa kể đến điểm cộng về ổ quang). Một điểm cộng khác, Acer là một trong số ít các hãng có vẻ không tính thêm phụ phí “hàng cao cấp” vào các Ultrabook của mình, khiến cho các sản phẩm của hãng này trở thành lựa chọn đáng giá cho những ai muốn tiết kiệm một khoản kha khá. Dù cũng cần nhớ rằng bạn sẽ phải đánh đổi lại bằng một chút chất lượng.

Cuối cùng, dành cho những ai muốn thời lượng pin siêu khủng cùng một thiết kế siêu mẫu – Samsung Series 9 chắc chắn là lựa chọn số một.

Rõ ràng, MacBook Air không còn là sản phẩm thống trị thị trường máy tính hiệu năng cao – siêu di động nữa. Với rất nhiều lựa chọn khác nhau trên thị trường như hiện nay, đừng ngần ngại trở thành người tiêu dùng thông minh và chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với mình thay vì chọn cách xuôi theo dòng chảy Apple.

Theo genk.vn