Những lưu ý khi cài đặt xác thực khuôn mặt trên ứng dụng ngân hàng

15:38, 28/06/2024

Từ ngày 1/7/2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay. Vậy, khi cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng cần lưu ý những gì?

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Nhân viên ngân hàng Eximbank trên đường Song Hành, TP Thủ Đức cho biết những ngày qua, rất nhiều khách hàng ra quầy để cập nhật thông tin, đồng bộ dữ liệu sinh trắc học. Việc không thực hiện được trên app (ứng dụng) ngân hàng có thể do thông tin trên CMND, CCCD chưa trùng khớp.

Tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, nhân viên sẽ hỗ trợ khách hàng cập nhật lại thông tin, kiểm tra tính xác thực của CCCD và chụp hình chân dung chủ tài khoản để đồng bộ dữ liệu trên hệ thống.

Một số khách hàng từng phẫu thuật thẩm mỹ hoặc có thay đổi về khuôn mặt băn khoăn không biết làm sao cập nhật? Trả lời câu hỏi này, nhân viên một số ngân hàng đề nghị các chủ tài khoản này ra quầy để xác thực cả mống mắt thay vì xác thực khuôn mặt trên điện thoại. Với những khách hàng có thay đổi nhiều về khuôn mặt cần liên hệ cơ quan công an để cập nhật lại CCCD...

"Phần lớn trục trặc của khách hàng khi cập nhật dữ liệu sinh trắc học là thông tin lúc mở tài khoản và hiện tại không khớp, do đổi CCCD hoặc đổi nơi cư trú, nên phải cập nhật trực tiếp tại quầy" - nhân viên giao dịch một ngân hàng ở TP Thủ Đức thông tin.

Từ 1/7/2024, chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Nhiều người chưa nắm rõ khi tổng giao dịch thanh toán trong ngày đạt 20 triệu đồng, các giao dịch phát sinh sau đó đều phải xác thực khuôn mặt hay chỉ xác thực 1 lần?

Trả lời những thắc mắc này, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết khi tổng giao dịch thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng, người dùng chỉ tiến hành xác thực 1 lần và đến tận 20 triệu đồng sau đó mới xác thực lần hai. Điều đó có nghĩa không phải giao dịch nào phát sinh sau 20 triệu đồng đầu tiên đều phải xác thực sinh trắc học.

Cũng theo lãnh đạo này, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch. Số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng nhưng vẫn góp phần hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo.

Vì sao phải xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền?

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch.

“Xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật chứ không phải hình ảnh cài trên điện thoại. Tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống. Và khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ Căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý”, ông Tuấn cho biết.

Dấu hiệu sinh trắc học có thể được xác định bằng dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của căn cước công dân, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học - lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng.

Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh từ ngày 1/7, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo thì cũng có thể lấy lại tiền.

Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu nông thôn

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/nhung-luu-y-khi-cai-dat-xac-thuc-khuon-mat-tren-ung-dung-ngan-hang-1581719228-p55599.html