Những mẩu chuyện thú vị ở "rốn công nghệ" thung lũng Silicon

02:30, 11/01/2013

Sau lần đầu tiên đi phỏng vấn “hụt” vào vị trí giám đốc điều hành một công ty ở Thung lũng Silicon (Mỹ), kỹ sư phần mềm Randy Adams, 60 tuổi đã “tân trang” lại dung mạo như cạo râu tóc, mặc đồ “bụi”, đi giầy thể thao, thậm chí đến thẩm mỹ viện… nâng mí mắt và quyết định tới thử vận may một lần nữa.

Mark Zuckerberg - biểu tượng thành công của những người trẻ tuổi ở thung lũng Silicon

Cứ trẻ là được nhận

Ông Randy Adams muốn tìm kiếm một công việc ở thung lũng Silicon -  nơi được mệnh danh là “rốn công nghệ” toàn cầu. Với trình độ và kinh nghiệm của mình, ông Randy Adams nghĩ rằng, vị trí giám đốc điều hành đối với ông là điều không quá khó khăn. Nộp hồ sơ theo nhu cầu đăng tuyển của một công ty, nhưng Randy Adams bị từ chối, vị trí đó cuối cùng được dành cho một ứng cử viên ít tuổi và cũng ít kinh nghiệm hơn ông.
Sau lần “hụt” việc này, Randy Adams lại tiếp tục cho một cuộc phỏng vấn tiếp theo. Lần này, trước khi đến phỏng vấn, ông Randy đã quyết tâm làm mới bản thân. Ông cạo bộ râu bạc trắng đi, mua một đôi giầy thể thao Converse thay cho đôi giầy lười ông vẫn đi hàng ngày. Và, Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ Socialdial đã tuyển ông. “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không thể được nhận vào vị trí giám đốc điều hành này nếu tôi không cắt mái tóc và cạo bộ râu đã bạc màu” -  ông Adams nói.

Ở thung lũng Silicon, nơi tập trung nhân công công nghệ cao từ khắp nơi trên thế giới với mức lương ngất ngưởng tỷ lệ thuận với áp lực công việc, luôn tán dương những ý tưởng mới và các lập trình viên trẻ tuổi sẵn sàng làm việc quên ngày đêm. Như một “luật lệ ngầm”, các nhà đầu tư, các hội đồng quản trị thường ưu tiên lựa chọn những người trẻ, thường không quá tuổi 40. Điều tưởng chừng như có vẻ hợp lý này lại gây khó khăn và làm mất cơ hội của nhiều người khác có năng lực, chuyên môn và mơ ước được làm việc ở thung lũng Silicon. Không ít người cho rằng, việc này chẳng khác nào là sự phân biệt đối xử, kỳ thị tuổi tác vốn bị lên án ở quốc gia được xem là “nam châm” hút nhân tài này.

Phân biệt tuổi tác

Nhiều tân binh công nghệ tới làm việc ở thung lũng Silicon đã nói thẳng về sự thiên vị tuổi tác ở nơi này. Martga Fuentealba, Giám đốc Công ty Talent Farm còn nhớ trong một cuộc họp ở một công ty phần mềm vài năm trước đây, khi người phụ trách nguồn nhân lực nói với cô rằng ông ta muốn tìm một ai đó ở độ tuổi 26 hoặc ít hơn để bổ nhiệm một vị trí thiếu trong công ty. Martga đã hỏi lại xem có phải ông ta cần một người nào đó có thể đáp ứng được áp lực công việc hay không, nhưng ông nói rõ ràng rằng muốn một người trẻ tuổi, không quá 26. Và Martga đã phải loại bớt hồ sơ của một loạt các ứng cử viên “cao tuổi”.

Jeff Spirer là một nhân viên tiếp thị công nghệ, năm nay 61 tuổi. Là một nhân viên chiến lược kỳ cựu, cuối cùng ông đã có một công việc mới vào tháng 12-2012 sau một thời gian dài làm bán thời gian. “Đó là một cuộc tìm kiếm khó khăn”- Jeff Spirer nhớ lại, nhà tuyển dụng đã mời ông đến phỏng vấn với một giám đốc điều hành khoảng 20 tuổi. Khi Spirer bước vào phòng, vị giám đốc điều hành nhìn ông, rồi làm như vẻ đang có việc gì đột xuất, xin lỗi và rời ngay khỏi phòng. Và cuộc phỏng vấn đã không bao giờ diễn ra, cuối cùng, ứng cử viên trẻ tuổi hơn được nhận. Spirer nói rằng, ông không chắc chắn nhưng vị giám đốc điều hành đã vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy một ứng cử viên với nhiều nếp nhăn trên mặt.

Dễ dàng nhận thấy có dấu hiệu thiên vị tuổi tác dành cho các ứng cử viên, đặc biệt tuyển vào những vị trí cao như giám đốc điều hành ở thung lũng Silicon. Đặc biệt, khi giám đốc điều hành trẻ tuổi của Facebook, Mark Zuckerberg thành công, tuổi tác càng được chú ý nhiều hơn đối với doanh nghiệp ở thung lũng Silicon. Chính Mark Zuckerberg từng nói rằng việc tuyển những người trẻ tuổi có chuyên môn kỹ thuật là cách tốt nhất dẫn tới sự thành công của một công ty.

CEO Randy Adams được tuyển dụng sau khi “tân trang” diện mạo

“Cưa sừng làm nghé”

Nhưng những người “cao tuổi” ở thung lũng Silicon luôn cố gắng “qua mặt” các nhà tuyển dụng bằng cách “cưa sừng làm nghé”. Giám đốc điều hành Randy Adams rút ra rằng, nếu bạn đã có tuổi và đi xin việc ở thung lũng Silicon, hãy đeo ba lô thay vì cầm cặp số, không sử dụng máy tính xách tay Dell hay điện thoại di động Blackberry. Thay vào đó, nên dùng smartphone Android và đồ điện tử của Apple. Quan trọng hơn, không bao giờ sử dụng đồng hồ đeo tay bởi đa phần người trẻ hiện nay đều thay thế nó bằng đồng hồ trên điện thoại di động. “Gây ấn tượng tệ nhất là một chiếc Rolex bằng vàng. Quá xưa cũ và lạc hậu” - Randy Adams nói.

Không phải ngẫu nhiên mà một số CEO danh tiếng ở thung lung Silicon, dù đã ngoài 40 tuổi như Jeff Bezos - người sáng lập Amazon, Mark Pincus, CEO Zynga hay Sergey Brin - người đồng sáng lập Google... đều luôn diện những bộ trang phục trông rất trẻ trung để có thể sánh kịp với các đồng nghiệp có khi còn ít hơn họ cả chục tuổi. Thay vì đóng bộ cứng ngắc trong những bộ comple chỉn chu là những chiếc áo sơ mi kẻ, quần bò kiểu nhàu nhĩ hay quần hộp nhiều túi và áo phông của các thương hiệu chuyên để trượt tuyết, lướt ván cùng những đôi giầy thể thao. Vẻ ngoài trẻ trung, hợp mốt đối với một nhân vật ở thung lũng Silicon sẽ hoàn thiện với ba lô hoặc túi đeo kiểu học sinh, mũ bóng chày với biểu tượng hãng thời trang to đùng phía trước và một cặp kính râm đúng điệu...

Theo anninhthudo.vn