Những nguy cơ tiềm ẩn đối với chủ thuê bao điện thoại cố định

00:00, 02/02/2011

Hiện nay, một thực trạng đáng báo động đang xảy ra, là một số trường hợp chủ thuê bao điện thoại cố định có thể trở thành người vi phạm hợp đồng kinh tế một cách bất đắc dĩ mà họ không hề biết. Hậu quả là sẽ có thể bị mất tiền, mất thời gian, mất uy tín mà đôi khi là bị truy tố trước pháp luật vì vi phạm hợp đồng đã ký với nhà cung cấp dịch vụ.

Dở khóc, dở cười…

Hầu như không mấy ai chú ý những tình huống rủi ro cao như: Chuyển nhà, bán nhà nhưng để lại đường dây thuê bao đứng tên mình, thường do ngại đi hủy hoặc do đề nghị của chủ mới. Chuyển dịch đường dây cho người khác sử dụng nhưng không sang tên cho chủ mới. Thuê bao mang tên doanh nghiệp tạm dừng hoạt động nhưng không đi hủy hoặc thuê bao cá nhân không muốn tiếp tục sử dụng nữa. Cho người khác mượn sử dụng đường dây thuê bao mang tên mình nhưng không sang tên (có thể khi chuyển chỗ ở thì cho luôn người hàng xóm mượn hoặc đấu song song sang). Không đóng cước đường thuê bao nợ quá hạn và bị khóa hai chiều do nợ cước.

Trường hợp này cũng hay xảy ra với thuê bao ADSL không sử dụng gói thuê bao dịch vụ đăng ký trước hàng tháng. Đi vắng lâu ngày và không tạm khóa thuê bao, thường là ra nước ngoài, có thể do quên hoặc do chủ quan. Đường dây thuê bao đăng ký sử dụng theo lưu lượng nhưng lại không quản lý chặt chẽ. Đứng tên hộ đường dây thuê bao do người khác nhờ: người quen, bạn bè, người thân hoặc là người không có đủ giấy tờ để tham gia ký hợp đồng thuê bao. Đặc biệt là những người từ ngoại tỉnh vào Hà Nội mở cửa hàng dịch vụ cho gọi điện thoại có đồng hồ tính cước. Hơn nữa là có trường hợp trước đây một số khu vực tiệm cận, ví dụ khu vực giáp danh Hà Tây – Hà Nội (Đoạn xung quanh khu vực Đại học Kiến trúc, Đại học bưu chính viễn thông, bến xe Hà Đông chẳng hạn). Nhờ người quen đứng tên hộ bên Hà Nội sau đó kéo dây sang bên kia để không phải sử dụng đầu số 034, là thuê bao thuộc Hà Đông Hà Tây…

Hầu hết các chủ thuê bao đều chỉ suy nghĩ đơn giản là tôi không dùng thì sẽ không phải chịu trách nhiệm, thế nhưng các đường dây thuê bao khác đứng tên chủ thuê bao đấy như: thuê bao điện thoại cố định, thuê bao internet, thuê bao di dộng cũng sớm muộn bị cắt theo.

Khi đó chủ thuê bao bắt buộc phải khôi phục số thuê bao “bất đắc dĩ” kia bằng cách: Chuẩn bị thời gian. Tìm giấy tờ liên quan đến hợp đồng thuê bao đó, bao gồm cả giấy tờ tùy thân. Đến địa điểm giao dịch gần nhất, thông thường do tính phức tạp nên phải tới bưu điện trung tâm mới có đủ thẩm quyền và cung cấp đủ dịch vụ. Nếu mất hợp đồng thì cần phải làm thủ tục xin lại bản sao hợp đồng thuê bao và xin lại bảng kê cước phí nếu cần thiết. Đóng hết tiền gồm tiền cước thuê bao nợ quá hạn, tiền phí thuê bao cho các tháng tiếp theo cho đến khi hợp đồng bị hủy (thông thường là 6 tháng hoặc 12 tháng), tiền khôi phục thuê bao nếu tiếp tục muốn sử dụng lại, tiền phạt khác tùy theo từng trường hợp. Cuối cùng nếu không muốn sử dụng lại phải làm thủ tục Thanh lý hợp đồng thuê bao để hủy hợp đồng và đường dây thuê bao đó đi.

Phải biết “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Khách hàng cần ra địa điểm giao dịch gần nhất để kiểm tra thông tin với tư cách là chủ thuê bao đang đứng tên. Cương quyết tạm dừng rồi thông báo với người đang sử dụng đường dây và yêu cầu họ muốn tiếp tục sử dụng thì phải ra làm sang tên. Nếu trường hợp bất đắc dĩ phải hủy, dù phải mất tiền đóng tiền cước phí tháng cuối cùng. Bao giờ cũng vậy vì bảng kê cước của tháng trước thì luôn giữa tháng sau mới đưa tới người dùng. Khoảng mùng 8 đến mùng 10 hàng tháng mới hiện trên máy tính của nhân viên Trung tâm dịch vụ khách hàng. Do vậy nếu khéo nhất là đi hủy vào giữa tháng, khi người dùng đã thanh toán cước phí tháng trước, còn mình thì chỉ phải chịu thanh toán nửa tháng họ đã sử dụng.

KS. Nguyễn Tuấn Vĩ

TIN LIÊN QUAN