Nội dung số háo hức đón chờ 3G

00:00, 04/04/2009

 Sau khi công bố kết quả thi tuyển 3G, các doanh nghiệp nội dung số cũng đang háo hức đón chờ ngày dịch vụ 3G được cung cấp tại Việt Nam.

Theo thông báo từ các mạng di động trúng tuyển giấy phép 3G, MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ 3G khoảng 3 tháng sau khi nhận được giấy phép. Các mạng di động còn lại gồm Viettel, VinaPhone, liên danh EVN Telecom và Vietnam Mobile dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ sau khi có giấy phép khoảng 9 tháng. Như vậy, dịch vụ 3G đầu tiên sẽ đến với người dùng Việt Nam vào cuối năm nay.

Song hành cùng với các doanh nghiệp di động, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung cho di động cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị nội dung cho 3G.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc kinh doanh Công ty TEKCIZ, cho biết công ty này đã lên kế hoạch cung cấp dịch vụ nội dung cho 3G từ cuối năm 2008 và sẽ cung cấp dịch vụ ngay khi có nền tảng cho 3G tại Việt Nam.

TEKCIZ hiện đang cung cấp dịch vụ cho mạng 2G như nhạc chuông, hình ảnh, tải game Java và các ứng dụng GPRS, lưu trữ dữ liệu (iSafe). Sau khi có 3G với tốc độ truyền dữ liệu lên tới hơn chục Mbit/giây, ông Nam dự báo “các dịch vụ thoại có hình (video calling), chia sẻ hình ảnh, lướt web trên di động, xem tivi, chơi game trực tuyến và thương mại điện tử trên di động sẽ trở nên phổ biến”.

Dịch vụ video calling rất phổ biến ở các nước đã triển khai 3G như Nhật và Hàn Quốc. Nhưng để dùng dịch vụ này cần có máy điện thoại tương thích, chính vì vậy “trong thời gian đầu dịch vụ này sẽ chỉ dành cho một số đối tượng nhỏ ở Việt Nam”, ông Nam nói.

Còn ông Trần Phương Huy, Phó Giám đốc Công ty VTC Intecom cho rằng, khi có 3G các doanh nghiệp nội dung số sẽ đầu tư nhiều hơn cho việc cung cấp các nội dung đa phương tiện. Với VTC Intecom, ông Huy nói, sẽ đa dạng hóa nội dung theo hướng đa phương tiện, tăng tính tương tác và chia sẻ, ví dụ các dịch vụ chơi game trực tuyến trên di động, truyền hình di động.

Ông John Shirley, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần truyền thông GAPIT, cho biết từ giữa năm 2008 công ty này đã thành lập bộ phận nghiên cứu về công nghệ 3G và những sản phẩm dịch vụ gia tăng trên nền 3G. Trong năm 2009, GAPIT sẽ thử nghiệm dịch vụ đầu tiên khi mạng 3G đưa vào cung cấp. Những dịch vụ GAPIT tập trung cung cấp gồm video calling, xem truyền hình trực tiếp hoặc truyền hình theo yêu cầu trên di động, gửi tin nhắn đa phương tiện không cần kết nối GPRS, nghe nhạc và đàm thoại truyền hình qua giao thức Internet trên điện thoại di động, mua hàng bằng điện thoại di động, kết nối Internet tốc độ cao trên di động, dịch vụ MRBT (Multimedia Ring Back Tone) cho phép người gọi xem video hoặc danh thiếp trong khi chờ nhận cuộc gọi.

Các công ty dịch vụ web cũng coi 3G là cơ hội mở rộng dịch vụ. Ông Võ Tự Đức, Giám đốc kinh doanh của Công ty Naiscorp, hiện sở hữu web tìm kiếm Socbay.com, cho biết công ty này đã giả lập môi trường của 3G từ hai tháng nay. Qua môi trường giả lập, Socbay hy vọng có thể thử nghiệm thành công các dịch vụ trước khi các mạng viễn thông chính thức triển khai 3G.

Về định hướng cung cấp dịch vụ, theo ông Đức, Socbay sẽ tập trung vào các dịch vụ liên quan đến video calling và phát triển các ứng dụng cho di động tạo cơ chế tương tác trực tuyến giữa người dùng với các mạng di động hoặc giữa người dùng với nhau. Bên cạnh đó, Socbay sẽ nâng cấp dịch vụ tìm kiếm di động Socbay Mobile Search hiện đang cấp trên nền tảng 2G, bổ sung thêm dịch vụ chia sẻ video trực tuyến, chat qua di động.

Về giá cước dịch vụ, một số doanh nghiệp cho rằng giá cước sẽ cao hơn so với các dịch vụ hiện có bởi việc đầu tư công nghệ để cung cấp nội dung trên nền tảng 3G tăng lên đáng kể so với cung cấp dịch vụ cho 2G.

Theo ông Nam, giá cước dịch vụ nội dung cho 3G sẽ tính theo thuê bao/tháng và được chia ra nhiều gói dịch vụ nhỏ, không tính đơn lẻ như các dịch vụ nội dung hiện nay. Còn đại diện VTC dự tính giá cước các dịch vụ sẽ được tính trọn gói, khoảng 10-20 USD/tháng gồm cả chi phí nội dung và phí đường truyền.
 
Theo ICTnews