Nỗi khổ của nữ nhiếp ảnh gia 'bỏ phố về quê'

09:02, 22/03/2021

Ý tưởng "về quê nuôi cá và trồng thêm rau" của Nguyễn Kim suýt chút nữa đẩy cả gia đình vào cảnh "dở khóc, dở cười" vì không lường hết những khó khăn.

Toàn bộ khu vườn của nữ nhiếp ảnh gia Nguyễn Kim nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những ngày cách ly xã hội vì Covid-19, đầu năm 2020, thấy những đứa cháu cả ngày dán mắt vào điện thoại, nhìn quanh bức tường nặng nề, bức bối, Nguyễn Kim nảy ra ý tưởng "bỏ phố về quê". Bố mẹ và các anh chị em Kim cũng nhanh chóng đồng ý và lập tức đi mua đất.

Kim mua được mảnh đất để "về vườn" rộng 11.000m2, bao quanh là cánh đồng lúa ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, cách nhà 12 km. Vốn là trang trại trồng tiêu và bông gòn nhưng lâu không có người làm nên khu vườn ken đặc cỏ dại và là hang ổ của rắn rết, bọ cạp.

Có đất, Kim lên ý tưởng thiết kế với chủ đề "Trở về tuổi thơ", một góc dựng nhà, góc khác trồng rau và hoa, còn lại xây khu vui chơi. Sau cuộc họp gia đình, bốn anh chị em cùng bố mẹ và các cháu được phân chia công việc. Ai nấy đều háo hức vì sắp được sống ở một nơi "ngắm mặt trời mọc, nhìn hoàng hôn buông" như mơ ước.

"Khi bắt tay vào việc mới biết nhiều thứ không như mình tưởng. Thử thách đầu tiên là phải làm quen với lao động tay chân ngoài trời", nữ nhiếp ảnh gia nói về cú sốc đầu tiên khi bỏ phố về quê của mình. Để tiết kiệm, trừ việc thuê thợ xây, các công việc khác như chặt cây, dọn cỏ, làm vườn, Kim phân công cho mọi người trong nhà. Mỗi sáng, gia đình hơn chục người đi từ trung tâm Vũng Tàu về vườn rồi làm liên tục 10-12 tiếng, không ngày nghỉ.

Sau một tháng làm nông dân, Kim sụt 8 kg, đen nhẻm vì phơi mình ngoài nắng cuốc đất, trồng rau, tưới nước mỗi ngày. Có nhiều hôm say nắng, cơm đưa lên miệng chẳng buồn ăn, cô gái 33 tuổi phải uống sữa cầm hơi. Chưa kể khi mệt, cô cáu gắt với bất kỳ ai làm việc không vừa mắt.

"Người ta bỏ phố về vườn để gắn kết gia đình, chứ mặt nặng mày nhẹ với nhau thế này thì về phố mà ở", mẹ mắng khiến Kim trốn ra chỗ kín ngồi khóc. Bị phát hiện, cô đổ cho những vết xước trên tay do gai cào đang rỉ máu, nhưng thực chất là khóc cho cảm xúc dồn nén bấy lâu về một cuộc sống không như mơ.

Hai tháng phát quang dọn dẹp, thấy người nhà đuối sức, Kim quyết định thuê người làm. Trong hai tỷ đồng xây nhà và cải tạo lại khu vườn, chi phí thuê nhân công chiếm gần một nửa. "Nếu về quê chỉ với cái túi lép cùng trái tim mơ mộng thì sẽ dễ vỡ mộng và vỡ mặt", cô nói về kinh nghiệm đầu tiên đúc rút được.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Kim hái rau trong khu vườn rộng 11.000m2 của gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Kim hái rau trong khu vườn rộng 11.000m2 của gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước khi về vườn, nữ nhiếp ảnh gia không có chút kiến thức nào về nông nghiệp. Cô tưởng tượng làm nông nghiệp sạch là chỉ cần gieo hạt và quan sát sự lớn lên của cây mà không cần tác động phân thuốc, còn lại phó mặc cho thiên nhiên. Kết quả là Kim chỉ thu được những luống rau mọc lún phún, cứ lên được vài cm lại bị sâu ăn trụi lá.

Sau "cái tát" thứ hai này, cô bắt đầu lên mạng học kỹ thuật trồng rau và mới vỡ lẽ phải ngâm hạt giống trước khi gieo. Đất trong vườn cũng được mang đi xét nghiệm nên trồng giống gì cho phù hợp. Cây nào không lên, chỗ nào không ổn, phòng tránh sâu bệnh ra sao... Kim phải tới tận nhà các nông dân để hỏi và học kinh nghiệm. Cô gái thành phố giờ đây biết mua phân bò về ủ, trộn lẫn với phân hữu cơ để bón cho cây. Mỗi ngày, cô phải kéo hàng chục bao phân chuồng rải đều trên các luống, sau đó mới gieo hạt trồng.

Về quê, ngày nào với Kim cũng là đầu tuần. Cả ngày dưới là mặt đất, là rau cỏ, là đống phân gà, là chuồng thỏ. Trên đầu là mặt trời, người lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Nhiều lúc mải tưới rau, kiến chui vào người đốt dẫn tới viêm loét da khiến cô đau đớn cả tuần.

Ngoài diện tích trồng rau, trên mảnh đất 100 m2, gia đình dựng một căn nhà cấp 4, bếp nấu bằng củi. Trái nhà còn có khu vui chơi cho trẻ em. Ở đây không lắp wifi, trẻ con buộc phải tự tìm những trò chơi dân gian. Hơn nửa năm 2020, cô gái này quay như chong chóng để học thiết kế, học làm vườn, mua cây giống, chăm sóc cây cối, vật nuôi...

Vườn nhà Kim ơi trước đây thường đón khách tới tối muộn. Tuy nhiên do ảnh hưởng tới sức khỏe của người thân nên Kim đã đóng cửa từ đầu năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Vườn nhà Kim ơi" trước đây thường đón khách tới tối muộn. Tuy nhiên do ảnh hưởng tới sức khỏe của người thân nên Kim đã đóng cửa từ đầu năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhưng những thách thức của việc về quê chưa dừng lại. Chi phí để duy trì vườn hàng tháng lên tới 20 triệu đồng trong khi thu nhập từ rau quả, vật nuôi chẳng được là bao. Kim bàn với gia đình, dành hai ngày cuối tuần đón khách về trải nghiệm cuộc sống thôn dã, bắt đầu từ tháng 12/2020.

Cũng từ đó, cả nhà lại lao vào guồng quay mới. Bố mẹ Kim từ chỗ được nghỉ ngơi nay cũng phải phục vụ khách. Trong ba ngày lễ đầu năm 2021, mỗi ngày trang trại đón đến 500 lượt khách, cả nhà mệt lả vì phục vụ, nấu nướng, dọn dẹp. Từ chỗ làm vườn để có chỗ nghỉ ngơi thư giãn thì nay ai cũng hối hả, tiếng cằn nhằn mâu thuẫn bắt đầu nổ ra. "Mình bị tiền chi phối đến thế này sao?", Kim tự đặt câu hỏi. Cùng với cơn đau tim của mẹ và lời dọa bỏ về lại phố của cha, cô quyết định đóng cửa vườn sau một tháng mở đón khách.

Từ ngày đóng cửa, Nguyễn Kim quay trở lại thành phố với công việc cũ, chỉ khi có thời gian rảnh mới về vườn dạo chơi, hái rau, nhặt trứng. Rau cỏ nhiều, mang biếu hàng xóm hoặc cho bạn bè người thân. Niềm vui của người phụ nữ này giờ đơn giản chỉ là ươm cây, nhổ cổ, cuốc đất, hòa mình vào cuộc sống của cỏ cây hoa lá.

Điều nữ nhiếp ảnh gia rút ra là "về quê nuôi cá và trồng thêm rau" không đơn giản như nhiều người nghĩ bởi ngoài chi phí mua đất, xây nhà, làm vườn, mua cây giống còn phải có đam mê và chăm chỉ lao động.

"Nếu không có nền tảng vững chắc mà về quê sống với những ảo vọng tươi đẹp thì chẳng khác gì xây lâu đài trên đầm lầy", Kim khẳng khái.

Theo/vnexpress.net