Nỗi khổ đa sim...

12:21, 16/06/2012

Theo trào lưu giá cước di động rẻ, ngày càng nhiều điện thoại đa tiện ích, đa sim cũng giá rẻ ra đời đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiều sim số. Thế nhưng đi kèm với tiện ích cũng không thiếu những chuyện dở khóc dở cười với những người không muốn “chung thủy” 1 sim 1 máy.


 

Lỡ nhiều hơn lợi



 

Tiếng chuông điện thoại reo liên tục nhưng không thấy Dương cầm máy, một lúc sau giật mình Dương vội mở ra thì đã có vài cuộc gọi nhỡ. Dương than thở, lúc dùng số này, lúc chuyển số kia, không quen được kiểu chuông báo cuộc gọi thành thử nhỡ mất mấy cái hẹn gặp khách hàng. Làm nhân viên sale cho một công ty máy tính, nhỡ vài lần như thế Dương coi như mất nửa tháng lương còm.


 

Không giống như Dương, Tuấn Anh, chuyên viên kinh doanh của công ty Truyền thông QA lại dở khóc dở cười vì hệ quả trong một thời gian dài dùng 2 sim. Số là anh thường dùng 1 sim chính, và 1 sim phụ. Do nhiều lần dùng số phụ để liên lạc và trao đổi khách hàng mới thấy bất tiện anh bỏ đi. Điều đáng nói là rất nhiều người mới hợp tác công việc với anh lại đều chỉ quen số sim phụ. Liên lạc không được, họ tìm đối tác khác.


 

Nỗi bực nhân đôi


 

Không chỉ lỡ cơ hội làm ăn, mất đi các mối quan hệ,… hệ lụy của việc sử dụng nhiều sim một lúc cũng nhân đôi khi trong thời buổi tin rác, bom tin, thậm chí cả quấy nhiễu lúc nửa đêm. Chị Phương, giáo viên trường THCS Đống Đa phàn nàn về việc một thời gian chị dùng 2 sim số. Ban đầu do ham những đợt khuyến mại của nhà mạng, lại không muốn đổi số cũ nên chị dùng thêm một số sim để hưởng ưu đãi. Tiết kiệm được vài đồng nhưng mỗi ngày chị phải nhận và xóa hàng chục tin nhắn quảng cáo game, loto, xổ số,… Sau một lần bị dựng dậy nửa đêm vì 2 cuộc gọi ầu ơ của vài kẻ chơi đêm, chị Phương “cạch đến già” luôn chiếc sim phụ.



Cũng sử dụng 2 sim, nhưng nỗi bực của anh Hoàng đã trở thành nỗi buồn đau khi thay vì sử dụng số sim phụ anh sử dụng số sim chính nhắn tin vào số “vợ hai”. Sự việc bại lộ khi vợ anh có thói quen mượn iPhone của chồng chơi game và đọc được tin nhắn.


 

Cũng khổ sở không kém là trường hợp của anh Thành Hưng, quản lý nhóm chăm sóc khách hàng thị trường, không thể liên lạc được hoặc lúc được lúc không bởi các nhân viên làm việc bán thời gian của anh dùng quá nhiều sim điện thoại.



Dùng 2 sim, hay nhiều sim đa phần là để tiết kiệm chi phí khi có 1 sim cố định và 1 sim khuyến mãi. Theo tìm hiểu, những người nằm trong trường hợp này đa số là thanh niên, sinh viên... Họ dùng 2 sim với mục đích khác nhau. Ví dụ: 1 cho công việc, 1 cho người thân, gia đình hoặc bạn bè.


 

Nhiều người dùng cho rằng, việc dùng điện thoại di động đa sim ngoài tiết kiệm và tiện nhưng cũng tốn thời gian hơn. Tuy nhiên, còn phụ thuộc vào nhu cầu dùng điện thoại của từng người. Với người  ít liên lạc, dùng điện thoại để giữ sóng và là phương tiện để mọi người liên lạc thì không nhất thiết phải sử dụng nhiều sim. Trong trường hợp làm ăn kinh doanh, hay phải gọi nhiều và hay có người gọi đến thì cần nhiều số sim cũng là giải pháp được lựa chọn.


 

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia tâm lý, xét cho cùng, với giá cước hiện nay thì lý do tiết kiệm không phù hợp lắm với sở thích nhiều sim. Đối tượng dùng nhiều sim thường là người có mục đích giấu số chính, có nhiều mối quan hệ phức tạp…


 

Một trong những hệ lụy nữa phải đề cập đến là từ cuộc chạy đua của các chương trình khuyến mãi, miễn giảm cước sử dụng cho đến phí thuê bao, nhắn tin… đã dẫn đến thực trạng thoải mái dùng nhiều sim số để hưởng lợi tạm thời và dễ dàng rời bỏ mạng khi chương trình kết thúc. Số thuê bao ảo không ngừng tăng lên, tình trạng ò í e do các thuê bao thay đổi sim liên tục cũng gây không ít phiền toái cho người gọi.


 

Như vậy, với những mặt trái khi sử dụng đa sim như nêu trên người dùng nên cân nhắc chọn lựa, sử dụng thay vì “ôm rơm nặng bụng”.

 

Thanh Hợp