Nói "không" với quảng cáo trên nền tảng không phép
Những trò chơi điện tử bạo lực, trái phép hay các kênh youtube "bẩn" dù đã bị cảnh báo, nhưng vẫn là lựa chọn để nhiều nhãn hàng chạy quảng cáo.
Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất khu vực, chiếm 41%. Sau đại dịch COVID-19, thời gian trung bình mỗi người dân dành để truy cập Internet cho mục đích cá nhân đã tăng từ 3,1 giờ/ngày lên 3,5giờ/ngày.
Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn để các nền tảng trực tuyến hoạt động, với sự xuất hiện của các nền tảng ngoại chưa được cấp phép, và nhiều trang có nội dung xấu độc.
Cách đây không lâu, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin Truyền thông đã gửi yêu cầu Apple gỡ bỏ hơn 40 game lậu không phép đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù đã thường xuyên xử lý và gửi đi yêu cầu Apple hay Google gỡ bỏ các game lậu, thế nhưng các game không phép vẫn mọc lên như nấm. Chính việc các nhãn hàng rót tiền quảng cáo trên các game này, cũng đã khiến những hoạt động bất chính có cơ hội tiếp diễn.
Tràn lan nhãn hàng quảng cáo trên các game lậu không phép.
Những hình ảnh bạo lực, giết chóc xuất hiện nhiều ở trò chơi điện tử chưa được cấp phép, mỗi ngày vẫn đang xâm nhập vào đời sống thường nhật của giới trẻ.
Bà Hoàng Thị Anh Thư - Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: "Vài năm trở lại đây, game lậu, game không phép xuất hiện trên Internet rất nhiều. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng chuyển để bóc gỡ khỏi GG và AP lên đến vài trăm game".
Nhiều thương hiệu lớn nhưng lại quảng cáo trên các ứng dụng trò chơi điện tử trái phép. Dù pháp luật chưa giới hạn không gian quảng cáo trên các nền tảng, thế nhưng, theo luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Minh Bạch, nếu các nhãn hàng quảng cáo thương hiệu của mình trên những nền tảng bất hợp pháp thì sẽ có rất nhiều rủi ro.
"Các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý là khi chúng ta ký hợp đồng quảng cáo, không phải cứ nhiều lượt xem, nhiều lượt like là chúng ta sẽ nổi tiếng. Mà đôi khi nó mang lại tác dụng ngược. Ví dụ như 1 nhãn hàng xuất hiện trên 1 game đánh bạc, sau khi bị cơ quan điều tra triệt phá đây là hành vi tổ chức đánh bạc chẳng hạn thì rõ ràng nhãn hàng của chúng ta bị ảnh hưởng".
Thông thường, các nhãn hàng sẽ chuyển video quảng cáo cho các đại lý để các đơn vị trung gian này đẩy lên các kênh, ứng dụng. Vì muốn có lượt xem nhiều và nhanh chóng, các đại lý này lựa chọn các kênh không phép, giá rẻ để đẩy thương hiệu của khách hàng lên một cách bất chấp.
Chính vì vậy, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã nhiều lần kêu gọi và yêu cầu các nhãn hàng phải kiểm soát quảng cáo của mình. Tuy nhiên, mỗi khi cần xử lý thì việc triệu tập các đơn vị này cũng rất khó khăn.
"Chính họ là người chia sẻ một phần lợi nhuận và doanh thu để nuôi dưỡng những game bất hợp pháp như vậy. Người chơi hoặc mọi người có phát hiện ra các nhãn hàng đó thì nên cung cấp cho Bộ VHTTDL hoặc Bộ TTTT, chúng tôi sẽ cùng chung tay xử lý và nhắc nhở các nhãn hàng này, cụ thể là những đại lý mà vô tình hay cố ý tiếp tay cho sự phát triển của game lậu", bà Hoàng Thị Anh Thư nhấn mạnh.
Rủi ro khi doanh nghiệp bất chấp quảng cáo trên các kênh Youtube "bẩn"
Mới đây, 3 kênh youtube có nội dung phản cảm, nhảm nhí là Hưng Vlog, Kiên Chổi Vlog và Tùng Bỏng Vlog đã bị Cục Phát thanh Truyền hình gửi yêu cầu đến công ty Google để gỡ bỏ hoặc tắt chế độ kiếm tiền. Dù không được chạy quảng cáo trên các kênh này nữa, nhưng rất nhiều hình thức quảng cáo khác đã được tạo ra, để doanh nghiệp "cố tình" đưa trực tiếp sản phẩm vào video của các kênh này để quảng bá.
Dù đã bị tắt kiếm tiền theo yêu cầu xử lý của Bộ Thông tin Truyền thông, thế nhưng kênh Tùng Bỏng vlog vẫn có những hình thức khác để quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp. Không chỉ gắn hẳn quảng cáo vào video, mà thậm chí Youtuber này còn giới thiệu, tư vấn hóa mỹ phẩm ngay trong vlog của mình.
Theo anh Phạm Hoàng Huy - Giám đốc MeTub Network Khu vực miền Bắc: "Các kênh bị tắt kiếm tiền họ không thể kiếm tiền trên Youtube thông qua quảng cáo của Google, tuy nhiên họ vẫn có lượng traffic, lượng người xem rất lớn. Và khi nhãn hàng quảng cáo trên đó, có thể những bạn đấy sẽ mua thử hoặc đóng góp, tức là sử dụng đúng tệp fan của các bạn vlog đó, thấy thần tượng của mình thì mình sẽ dùng theo".
Thực tế, càng ngày người tiêu dùng càng văn minh hơn và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chi tiền để mua sản phẩm nào đó. Việc quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng xấu, phản cảm có thể gây ra những hệ quả tiêu cực.
Theo các chuyên gia, các nhãn hàng hoàn toàn có thể lựa chọn kênh hiển thị video quảng cáo của mình. Còn nếu cứ dễ dãi không thông qua sàng lọc, quảng cáo bừa bãi thì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Lê cho rằng: "Có những lúc 1 nhãn hàng rất nghiêm túc thì lại xuất hiện bên cạnh các nhãn hàng câu khách rẻ tiền, thậm chí những quảng cáo rất phản cảm. Đấy là rủi ro về mặt hình ảnh đối với các thương hiệu đó".
Cân nhắc và lựa chọn những kênh quảng cáo phù hợp là cách để các doanh nghiệp tránh được những rủi ro và sự cố không đáng có.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê.
Trách nhiệm của doanh nghiệp và giá trị của lòng tin
Trong sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, hoạt động quảng cáo xuyên biên giới còn nhiều lỗ hổng, nên nhiều nền tảng xuyên biên giới có thể trốn thuế hay quảng cáo tràn lan các nội dung vi phạm pháp luật, như: chủ quyền biển đảo, thuần phong mĩ tục, thậm chí trên Facebook còn xuất hiện buôn bán vũ khí, động vật hoang dã. Nếu doanh nghiệp tiếp tục rót tiền cho những nền tảng phi pháp thì chẳng khác nào tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công cụ thu thuế online đối với các nền tảng xuyên biên giới và quản lý các doanh nghiệp xuyên biên giới. Bộ cũng đang bổ sung nhiều quy định mới cho Dự thảo sửa đổi nghị định 181 Luật quảng cáo để có sự công bằng hơn giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Các doanh nghiệp về quảng cáo hoạt động trong nước hầu hết tuân thủ quy định pháp luật. Và vì tuân thủ như vậy nên mất lợi thế cạnh tranh so với các nền tảng xuyên biên giới không cần tuân thủ bất kỳ quy định gì. Thì khi chúng tôi bổ sung các quy định này để làm cho việc cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đều phải tuân thủ các quy định giống nhau".
Các nội dung bẩn, giật gân thường có lượt xem cao hơn, tuy nhiên những người xem đó có đúng là khách hàng mục tiêu mua được sản phẩm của doanh nghiệp hay không? Hay các doanh nghiệp sẽ chấp nhận trả chi phí cao hơn để quảng cáo ở các kênh tốt hơn, hướng đến những khách hàng thực sự?
Thay vì tiếp tay cho những hoạt động bất hợp pháp, các nhãn hàng cần tỉnh táo lựa chọn phương tiện truyền thông để không chỉ những có lượt xem chất lượng, mà còn được pháp luật bảo vệ, người tiêu dùng tin tưởng.
Theo VTV